PV báo Pháp luật Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Trọng An – nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ trẻ em (Bộ LĐTB&XH) xung quanh nguyên nhân dẫn đến tình trạng đáng buồn này.
Xét về vấn đề công ước quốc tế, hành lang pháp lý cho vấn đề bảo vệ trẻ em Việt Nam khá đầy đủ, tuy nhiên trong kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, các đại biểu Quốc hội vẫn đánh giá vấn đề bảo vệ trẻ em là vấn đề nhức nhối trong xã hội. Vậy ông đánh giá như thế nào về thực trạng này?
Chỉ trong vòng 5 năm (từ đầu năm 2015 đến tháng 6/2019), có 8.442 vụ với 8.709 trẻ em bị xâm hại được phát hiện, xử lý. Báo cáo giám sát cho thấy các vụ việc xâm hại trẻ ngày càng gia tăng, đặc biệt là các vụ xâm hại tình dục.
Trung bình mỗi ngày có 7 trẻ em bị xâm hại tình dục, một năm có 38 trẻ em bị giết hại, 133 trẻ em bị thương tích, 1.286 trẻ em bị xâm hại và có 84 trẻ em bị mang thai.
Trong đó, TP Hồ Chí Minh và Hà Nội là 2 trong 10 địa phương có số trẻ em bị xâm hại nhiều nhất trong cả nước.
Pháp luật của ta khá hài hòa với công ước quốc tế, quy định rất đầy đủ, tuy nhiên vẫn cần phải chỉnh sửa đầy đủ hơn như vấn đề bảo vệ, hỗ trợ cho trẻ em mồ côi, không nơi nương tựa. Hay như vấn đề bảo vệ quyền trẻ em trên môi trường mạng vẫn chưa được thực thi, rất nhiều vấn đề xâm phạm về quyền trẻ em vẫn tiếp tục diễn ra.
Những số liệu mà Báo cáo giám sát của Quốc hội đưa ra cho thấy tình trạng câm hại trẻ xem rất đáng báo động nhưng đó là những vụ án đã được ghi nhận nên con số này theo tôi chỉ là tảng băng chìm mà thôi.
Hầu hết các vụ án đều cho thấy tính chất khá phức tạp trong vụ việc xâm hại trẻ em. Các em dù cố gắng chống lại, cầu cứu, tố cáo nhưng đâu đó vẫn thiếu vắng một cơ chế bảo vệ hiệu quả...
Điều này khiến cho chúng ta không khỏi hồ nghi liệu còn bao nhiêu trẻ em đang kêu cứu trong tuyệt vọng mà không được hồi đáp, liệu còn bao nhiêu kẻ tàn ác lại tiếp tục phạm tội bởi pháp luật chưa đủ sức xử lý và răn đe.
Đây là thực trạng đáng báo động về nguy cơ xâm hại trẻ em. Rất nhiều trẻ em bị xâm hại nhưng không được thông báo, thậm chí có những vụ án xảy ra lâu rồi mới được phát hiện, rồi có những vụ án không có chứng cứ, trẻ em bị xâm hại rồi bị dọa dẫm khiến lời khai bất nhất, nên không tìm được ra manh mối. Tất cả những điều này là lỗ hổng lớn của Bộ máy quản lý của Việt Nam.
Vậy đâu là nguyên nhân dẫn tới thực trạng đáng báo động về nguy cơ xâm hại trẻ em như ông vừa đề cập?
Theo tôi, nguyên nhân là do chúng ta thiếu mạng lưới phát hiện sớm, phòng ngừa sớm, ngăn chặn sớm không để nó xảy ra. Đó là cấp độ 1 trong hệ thống 3 cấp độ bảo vệ trẻ em.
Chúng ta luôn nói tới vấn đề kiện toàn hệ thống bảo vệ trẻ em 3 cấp độ, tập trung ưu tiên cấp độ phòng ngừa, nhưng hầu hết, các vụ bạo lực, xâm hại trẻ em khi xảy ra rồi, báo chí thông tin thì mới biết.
Chúng ta có Luật nhưng chưa thực hiện tốt về luật, chúng ta đã tuyên truyền nhưng chưa thực hiện thật tốt vấn đề đã tuyên truyền.
Cụ thể, đội ngũ cán bộ công tác xã hội bảo vệ trẻ em, đội ngũ cộng tác viên cộng đồng bảo vệ trẻ em cực kỳ quan trọng nhưng lại không được chú trọng. Đây là những người được đào tạo về công tác xã hội tại khu phố đó, họ biết được chi tiết về từng trường hợp và khi phát hiện họ sẽ tới tận nơi để tư vấn, ngăn ngừa không để xảy ra các mối đe dọa xâm hại, bạo hành với trẻ em.
Bên cạnh đó chúng ta cần chú trọng tới hệ thống tư pháp vị thành niên, từ thu thập thông tin, điều tra xét hỏi, ra tòa, xử lý, đều phải thân thiện với trẻ em như vậy việc lấy lời khai và tìm ra chứng cứ sẽ dễ dàng hơn.
Nguyên nhân chính, chúng ta đã coi nhẹ việc giáo dục gia đình. Các kiến thức về phòng tránh tai nạn thương tích, kiến thức về phòng tránh đuối nước, xâm hại tình dục… Tại sao các vụ xâm hại tình dục thường xảy ra đối với các đối tượng trong gia đình. Vì các ông bố bà mẹ không biết quy tắc 5 ngón tay: Ai được phép sờ vào tay, Ai được phép hôn con? …..
Đó là những kiến thức cơ bản để phòng tránh xâm hại tình dục nhưng các ông bố bà mẹ không biết, hơn nữa không có đội ngũ cán bộ hỗ trợ kiến thức cho các ông bố, bà mẹ. Thậm chí, ngay trong trường học, các con cũng không được giảng dạy, do chính thầy cô cũng chưa có đầy đủ kiến thức về vấn đề này.
Thời gian vừa qua có không ít những vụ bạo hành, xâm hại trẻ em trong gia đình, phải chăng cũng cần quy trách nhiệm cho người đứng đầu chính quyền nơi sở tại khi xảy ra vụ việc?
Điều này đã được Chính phủ quy định về trách nhiệm người đứng đầu. Để tăng cường bảo đảm thực hiện quyền, lợi ích của trẻ em và bảo vệ trẻ em, ngày 26/5/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 23/CT-TTg.
Cụ thể, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng trẻ em tử vong do tai nạn thương tích, vi phạm nghiêm trọng quyền trẻ em, bạo lực, xâm hại tình dục, trẻ em lang thang kiếm sống trên địa bàn hoặc không hỗ trợ, can thiệp, xử lý kịp thời các vụ việc vi phạm quyền trẻ em. Và tôi hoàn toàn ủng hộ, đề cao Chỉ thị này của Chính phủ.
Mới đây, nhiều đại biểu quốc hội đã đề xuất về việc "thiến hóa học" tại Việt Nam, ông có suy nghĩ gì về vấn đề này, thưa ông?
Theo tôi, vấn đề này cũng đáng đưa ra thảo luận nhưng vào thời điểm này chúng ta nên đề cao việc tuyên truyền giáo dục, hướng dẫn kỹ năng bảo vệ cho trẻ. Bên cạnh đó, cần thực hiện nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật, tránh trường hợp đánh tráo khái niệm như vụ “nựng” bé gái trong tháng máy ở TP Hồ Chí Minh hay vụ thầy giáo ở Bắc Giang say rượu sờ đùi, vỗ mông các học sinh nữ, cho đến vụ cháu bé 9 tuổi ở huyện Chương Mỹ (Hà Nội) bị xâm hại đến mức rạn xương tay, gãy răng hàm...
Bên cạnh đó, vấn đề quản lý đồ chơi tình dục, trò chơi dâm ô, tài liệu văn hóa phẩm hay ngay cả các chương trình trên truyền hình, các loại hình quảng cáo chưa phù hợp với trẻ em. Những vấn đề này theo tôi còn quan trọng và cấp thiết hơn nhiều câu chuyện thiến hóa học.
Trong tháng hành động vì trẻ em, ông có suy nghĩ gì về câu nói “Trẻ em hôm nay – Thế giới ngày mai”?
Hàng năm đều có tháng hành động vì trẻ em, đây là truyền thống của ta. Trong tháng hành động này các cấp các ngành sẽ tập trung cao trào các hoạt động bảo vệ chăm sóc trẻ em, tất cả các ngành các địa phương sẽ có hành động cụ thể để thiết thực bảo vệ chăm sóc trẻ em.
Song, theo tôi, trẻ em là tương lai của đất nước chính vì vậy chúng ta nên hành động không chỉ trong tháng hành động này mà phải hành động hàng ngày, hàng giờ vì trẻ em.
Xin trân trọng cảm ơn ông!