|
Quang cảnh Toạ đàm. |
Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Đức Hiển - Phó TBT thường trực Báo pháp luật TP HCM- đơn vị chủ trì tổ chức Toạ đàm thông tin, xuất khẩu rau củ của Việt Nam trong tháng 9/2024 tăng trưởng vượt bậc, với giá trị đạt được hơn 920 triệu USD, tăng gần 40% so với cùng kỳ năm trước. Tính đến tháng 9, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu ngành rau củ nước ta đã đạt mức 5,6 tỉ USD, bằng tổng giá trị xuất khẩu toàn năm 2023. Đây là mức tăng trưởng có thể nói là chưa từng thấy trước đó.
|
Ông Nguyễn Đức Hiển- Phó TBT thường trực Báo pháp luật TP HCM phát biểu đề dẫn toạ đàm. |
Tuy nhiên, đi ngược những nỗ lực ấy, tình trạng xâm phạm thương hiệu nông sản Việt vẫn còn diễn ra không ít, với những hoạt động ngày càng phức tạp, tinh vi hơn: “Trước thực tế đó, vấn đề bảo vệ thương hiệu nông sản Đà Lạt nói riêng, nông sản Việt nói chung, đặt ra nhiều thách thức cần được nhìn nhận một cách thấu đáo. Tại Tọa đàm này, chúng ta sẽ cùng nhau thảo luận, thúc đẩy các giải pháp hữu hiệu cho câu chuyện bảo vệ thương hiệu cho nông sản Việt”- ông Hiển nói.
|
Ông Phạm S- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, nông sản Đà Lạt ngày càng khẳng định vị thế trên thị trường. |
Ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cũng cho biết, Lâm Đồng có diện tích đứng thứ 7 cả nước nhưng hệ sinh thái rất khác biệt khi có độ cao từ 200m - 1600m; hiện địa phương có 30 thương hiệu nông sản và nông sản địa phương chủ yếu phục vụ xuất khẩu…: “Những năm qua, Lâm Đồng luôn quan tâm xây dựng thương hiệu nông sản, nhiều sản phẩm của tỉnh đã tham gia vào chuỗi toàn cầu. Đặc biệt, Lâm Đồng đã xây dựng thương hiệu “Đà Lạt kết tinh diệu kỳ từ đất lành” tập trung vào sản phẩm rau hoa, cà phê arabica và du lịch canh nông trở thành thương hiệu mạnh, có giá trị cao…”, ông S nói và cho hay, tình trạng gian lận thương mại liên quan tới các sản phẩm nông sản địa phương như khoai tây, cà rốt, dâu tây vẫn còn diễn ra.
|
Sản xuất rau sạch tại Đà Lạt. |
Tham gia ý kiến tại Toạ đàm, TS Dương Thái Trung, chuyên gia đến từ Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương nhấn mạnh đến những tác động tiêu cực của hành vi giả hiệu thương hiệu nông sản Đà Lạt, nhất là sự cạnh tranh không lành mạnh. Động cơ chính của hành vi làm giả thương hiệu nông sản theo ông Trung chủ yếu vì lợi nhuận. Ông Trung cũng chỉ ra nguyên nhân dẫn tình trạng giả mạo thương hiệu nông sản đến từ người bán vì lợi nhuận thì cũng có một phần yếu tố từ chính người tiêu dùng thiếu sự thông thái, việc quản lý thương hiệu “Đà Lạt – Kết tinh từ diệu kỳ đất lành” còn thiếu chặt chẽ, thiếu chế tài đủ mạnh.
|
TS Dương Thái Trung kiến nghị giải pháp bảo vệ thương hiệu nông sản Đà Lạt. |
TS Dương Thái Trung đưa ra 7 giải pháp để bảo vệ thương hiệu nông sản Đà Lạt nói riêng, thương hiệu nông sản Việt nói chung:
Thứ nhất, tăng cường quản lý nguồn cung, đó là các vấn đề như quản lý diện tích trồng nông sản, thị trường đầu ra, chất lượng nông sản
Thứ hai, đối với nguồn cầu, cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến đến người tiêu dùng để họ nhận biết sản phẩm nông sản Đà Lạt;
Thứ ba, triển khai các giải pháp để giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh của nông sản Đà Lạt bởi chi phí sản xuất cao dẫn tới giá nông sản Đà Lạt cao hơn nông sản nhập ngoại. Trong đó chú ý tới việc tăng quy mô sản xuất, phát triển thành những cánh đồng lớn, bao tiêu đầu ra, tăng cường ứng dụng công nghệ vào sản xuất…;
Thứ tư, chú trọng đến khâu truy xuất nguồn gốc nông sản để người tiêu dùng dễ dàng kiểm chứng, nhận diện nông sản Đà Lạt;
|
Cà chua Đà Lạt sản xuất bằng mô hình nông nghiệp công nghệ cao. |
Thứ năm, đẩy mạnh kết nối cung cầu trong tiêu thụ nông sản, Lâm Đồng có thể tham khảo mô hình xây dựng sàn giao dịch thịt lợn của TP HCM để phát triển sàn giao dịch nông sản;
Thứ sáu, đẩy mạnh tuyên truyền quy định về pháp luật sở hữu trí tuệ, ứng dụng công nghệ số vào truy xuất nguồn gốc nông sản, trong đó tập trung vào các thông tin như sản lượng, thời điểm thu hoạch nông sản Đà Lạt;
Thứ bảy, các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường nông sản để kịp thời phát hiện các hành vi giả mạo thương hiệu và có biện pháp xử lý nghiêm.
Toạ đàm cũng được lắng nghe nhiều tham luận, ý kiến đến từ nhiều chuyên gia, luật sư, đại diện các cơ quan quản lý tỉnh Lâm Đồng.
Toàn tỉnh Lâm Đồng hiện có 37 nhãn hiệu đã được cấp giấy chứng nhận bảo hộ (gồm 25 nhãn hiệu chứng nhận 9 nhãn hiệu tập thể); 2 nhãn hiệu đã đăng ký bảo hộ ở nước ngoài... Đối với thương hiệu “Đà Lạt – Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” đến nay đã có 768 nhãn hiệu Đà Lạt kết tinh kỳ diệu từ đất lành được Tỉnh Lâm Đồng cấp giấy chứng nhận, trong đó có 648 tổ chức, cá nhân sản xuất và kinh doanh hoa; 95 tổ chức, cá nhân sản xuất và kinh doanh rau, 10 cơ sở du lịch canh nông và 15 cơ sở kinh doanh cà phê.