Theo phóng viên TTXVN tại Moscow (Nga), đề cập đến tình hình kinh tế Việt Nam, Giáo sư, Tiến sỹ Aleksey Maslov cho rằng Việt Nam đã đạt được thành công hết sức ấn tượng trong năm 2020, với mức tăng trưởng kinh tế đạt 2,91%.
Đặc biệt, Việt Nam còn là hình mẫu ứng phó hiệu quả với đại dịch COVID-19.
Giáo sư Aleksey Maslov nhấn mạnh rằng mặc dù quy mô nền kinh tế không quá lớn, nhưng Việt Nam đã tăng trưởng liên tục trong những năm gần đây với tốc độ nhanh (2017 - 6,81%, 2018 - 7,08%, 2019 - 7,02%).
Ngay cả trong năm 2020, với nhiều khó khăn và thách thức, sản xuất các sản phẩm chăn nuôi và nuôi tôm vẫn tăng.
Đây là một trong những mặt hàng xuất khẩu quan trọng nhất của Việt Nam. Nhiều lĩnh vực khác cũng đạt tăng trưởng như nông nghiệp tăng 2,55%; ngành lâm nghiệp tăng 2,82% và ngành thủy sản tăng 3,08%.
Giáo sư Aleksey Maslov cho biết lĩnh vực quan trọng nhất chính là ngoại thương đã tăng trưởng bất chấp mọi xu hướng tiêu cực của thế giới. Theo đó, thặng dư thương mại đạt mức cao nhất mọi thời đại, với 19,1 tỷ USD. Như vậy, Việt Nam đã duy trì thặng dư thương mại trong 5 năm liên tiếp.
Chuyên gia Nga đánh giá việc ký các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) đã mang lại kết quả tích cực. Năm 2020, xuất khẩu của Việt Nam sang EU đạt 34,8 tỷ USD.
Giáo sư Aleksey Maslov kết luận: “Chúng ta không nên đổ lỗi mọi thứ cho đại dịch. Có lẽ vấn đề chính là ở khả năng xây dựng chiến lược dài hạn và làm bạn với các quốc gia đầu tư.”
Phong tỏa tạm thời Chợ Xanh (Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội). |
Cũng liên quan đến vấn đề kinh tế, Giáo sư, Tiến sỹ Ruslan Kotiuk thuộc Đại học Tổng hợp quốc gia Saint Petersburg, có bài viết khẳng định: “Đổi mới” là nền tảng của thành công ở Việt Nam.
Với nhan đề “Bí quyết của sự kỳ diệu Việt Nam,” Giáo sư Ruslan Kotiuk, cho rằng bài học thành công của Việt Nam có nền tảng từ quá trình “Đổi mới” đất nước từ giữa thập niên 1980 và một trong những thành tựu nổi bật nhất đó là số lượng người nghèo đã giảm xuống mức thấp nhất, trong khi tuổi thọ trung bình của cả nước đã tăng lên đáng kể là 75,5 tuổi.
Ông nhấn mạnh: “Nền kinh tế Việt Nam đang mở cửa với thế giới ngày càng tích cực hơn qua mỗi năm. Ngoại thương tăng trưởng năng động, chính sách tiền tệ hiệu quả, chính sách củng cố tài khóa chủ động kết hợp với việc không ngừng mở rộng tiêu dùng trong nước góp phần cho thành công của chính phủ trong quản lý kinh tế vĩ mô.”
Giáo sư Ruslan Kotiuk đánh giá cao việc Chính phủ Việt Nam dành sự quan tâm nghiêm túc cho các dự án xã hội, như cuộc chiến chống thất nghiệp. Các chương trình cụ thể đang được thực hiện cho người dân vùng khó tiếp cận và biên giới, cũng như người dân tộc thiểu số.
Những dự án này tập trung vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại ở nông thôn, hệ thống thủy lợi, tạo kênh dẫn nước tưới tiêu, nước sạch cho sinh hoạt của người dân và xây dựng bệnh viện.
Giáo sư Ruslan Kotiuk nhận định chiến lược chống đại dịch COVID-19 của Việt Nam khá hiệu quả trong năm 2020, đang tiếp tục được rút kinh nghiệm và phát huy trong năm nay.
Bên cạnh việc ứng phó với các làn sóng mới, Chính phủ Việt Nam chủ động nghiên cứu vaccine trong nước, đồng thời tích cực mua vaccine thành phẩm của nhiều hãng dược trên thế giới, trong đó có Sputnik V của Nga.
Chuyên gia Nga tin tưởng bằng sự quyết tâm và hành động quyết liệt của Chính phủ Việt Nam, mục tiêu có ít nhất 150 triệu liều vaccine đến cuối năm nay là hoàn toàn khả thi.
Nhận định làn sóng mới của đại dịch COVID-19 có thể tác động tiêu cực đến xã hội, nhưng học giả Nga tin rằng Chính phủ Việt Nam sẽ ứng phó linh hoạt với tình hình, giúp nền kinh tế Việt Nam tiếp tục đà tăng trưởng trong năm 2021.