Trước tình hình dịch bệnh có nhiều diễn biến phức tạp tại tỉnh Savannakhet, Đoàn công tác của Bộ Y tế đã thảo luận với lãnh đạo địa phương về các biện pháp đã và đang triển khai phòng chống dịch của tỉnh; lên kế hoạch làm việc của đoàn trong thời gian làm việc tại tỉnh Savannakhet, trong đó sẽ tập trung khảo sát bệnh viện, khu cách ly, các Trạm y tế, phòng khám tư nhân, tiệm thuốc...
Đoàn công tác của Bộ Y tế được chia làm 2 tổ: Tổ quản lý điều trị do TS.BS Vương Ánh Dương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh Bộ Y tế - làm Tổ trưởng, chịu trách nhiệm về bảo đảm an toàn bệnh viện/cơ sở khám chữa bệnh phòng chống COVID-19; năng lực điều trị, quản lý ca bệnh COVID-19 và Tổ dự phòng do ThS.BS. Nguyễn Công Khanh của Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương làmTtổ trưởng chịu trách nhiệm về giám sát dịch tễ, truy vết, xác định đối tượng cách ly, công tác xét nghiệm, tiêm chủng vắc xin, vệ sinh môi trường.
Tại Bệnh viện Đa khoa Savannakhet, đoàn chuyên gia y tế Việt Nam đánh giá cao những nỗ lực phòng chống dịch của bệnh viện như: đặt vị trí tiếp đón sàng lọc ở cổng ra vào, bố trí khu sàng lọc cho bệnh nhân; tại khu sàng lọc có dụng cụ kiểm tra nhiệt độ, phân loại, biểu mẫi khai báo y tế, giải ngăn cách và phân luồng đi rõ ràng; tất cả người đi vào bệnh viện đều được kiểm tra nhiệt độ, nếu sốt hoặc có bất kỳ yếu tố nguy cơ COVID-19 nào sẽ được đưa vào khu chờ lấy xét nghiệm. Tuy nhiên, bệnh viện còn chưa phân luồng hướng đi; phòng lấy bệnh phẩm xét nghiệm không kín, vị trí không hợp lý do đặt ngay giữa lối đi bệnh nhân khác và thân nhân; Không có rải ngăn cách với khoa dược và khoa khám bệnh; Phân luồng chưa hợp lý từ khu sàng lọc và khu cách ly…
Trước thực tế này, Đoàn đã đề xuất bệnh viện cần trang bị dây, hàng rào ngăn cách, biển báo hướng đi; đặt lại vị trí phòng lấy bệnh phẩm; thực hiện ngăn cách bằng dây, đặt biển báo ngăn cách quanh buồng đệm; cần xây dựng kịch bản, kế hoạch cụ thể để ứng phó với dịch COVID-19 tại cơ quan, tại các khoa phòng. Chú trọng quy trình xử lý người bệnh nhập khoa, có nghi nhiễm COVID-19. Với các khu cấp cứu, khu hồi sức tích cực (ICU), khu Nội 2 cùng các khoa Sản, Nhi, đoàn chuyên gia y tế Việt Nam đã khảo sát chi tiết, đánh giá mặt được và chưa được trong các khâu ngăn ngừa, kiểm soát và cứu chữa bệnh dịch.
Đoàn đề xuất trang bị thêm các vật dụng y tế cần thiết (vớ chân, áo choàng, có thể trang bị biển báo dây giăng cũng như vẽ mũi tên hướng dẫn chi tiết…) cũng như hạn chế thăm nuôi để giảm thiểu tối đa nguy cơ lây nhiễm, đặc biệt chú ý thiết lập phòng cách ly, phòng đệm tại khoa cũng như cập nhật việc phân loại nguy cơ để lấy mẫu xét nghiệm dựa trên kinh nghiệm của người lấy mẫu, chưa phù hợp với tiêu chuẩn lấy mẫu theo quy trình xử lý dụng cụ tại từng khoa, đơn vị của bệnh viện...
“Riêng với khoa ICU điều trị bệnh nhân COVID-19, cần thiết lập lại khu vực giường bệnh, cửa sổ, chuẩn bị đầy đủ các máy móc thiết bị y tế, hệ thống theo dõi trung tâm, hệ thống các trang thiết bị kỹ thuật cao, hệ thống oxy trung tâm hoặc các máy thở có hệ thống khí nén riêng. Chú ý để bảng nội quy ra vào, khu sàng lọc cần kiểm soát người nhà, cần có lối đi riêng, kiểm soát nhân viên giao nhân dụng cụ y khoa, thực phẩm bảng nội quy phòng cùng bảng quy trình xử lý sốc phản vệ. Đặc biệt, cần có sự chuẩn bị về nhân lực và nguồn lực tại các khoa thiết yếu khi có số lượng bệnh nhân tăng vọt, đảm bảo thời gian trực tại đơn vị” – TS.BS Vương Ánh Dương cho biết.
Đối với các khu cách ly trên địa bàn tỉnh, Đoàn công tác đã khảo sát tình hình thực tế tại khu cách ly tại Sân vận động KM số 4 và khu cách ly cộng đồng tại làng Sanamsay, huyện Kaysone. Qua khảo sát tình hình thực tế, Đoàn công tác đã đề xuất tỉnh cần xây dựng quy trình và qui định cách ly để hướng dẫn các cán bộ cách ly thực hành tốt phòng chống lây nhiễm chéo trong khu cách ly. Sở Y tế tham mưu việc phân loại nguy cơ để lấy mẫu xét nghiệm không nên dựa trên kinh nghiệm của người lấy mẫu để chỉ định đối tượng lấy mẫu. Thời gian cách ly chưa bao phủ thời gian ủ bệnh 14 ngày do đó có nguy cơ lây lan ra khu cách ly và cộng đồng với những trường hợp có thời gian ủ bệnh dài hơn 7 ngày.
ThS.BS. Nguyễn Công Khanh nói: “Địa phương cần xây dựng hướng dẫn để phân rõ chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của chính quyền trong phòng chống dịch. Cần có cơ chế phản hồi thông tin từ y tế phòng chống dịch để báo cho chính quyền địa phương triển khai các công tác phòng chống dịch đồng bộ tỉnh huyện xã”. Cần chủ động điều tra truy vết, lấy mẫu và xét nghiệm để xác định các mối nguy cơ tiềm tàng gây dịch trong cộng đồng. Quản lý chặt chẽ nguồn lây là người tiếp xúc gần F1, nếu có thể tiến hành cách ly tại khu cách ly tập trung. Có danh sách chính thức trả kết quả xét nghiệm âm tính cho ban quản lý làng để thuận tiện theo dõi đánh giá nguy cơ, giám sát.