Sự việc chuyển giao gấu hôm nay là kết quả của đợt kiểm tra, gắn chíp điện tử thế hệ mới cho gấu do các cơ quan chức năng tiến hành đầu năm 2020 với mục tiêu tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các cơ sở nuôi nhốt gấu tại Hải Dương.
Qua quá trình kiểm tra một cơ sở nuôi nhốt gấu tại Khu 2, thị trấn Ninh Giang, huyện Ninh Giang, Hải Dương, cơ quan chức năng đã không phát hiện chíp của cá thể gấu duy nhất được đăng ký nuôi nhốt tại cơ sở. Sau một thời gian làm việc với cơ quan chức năng, cuối tháng 7/2020 vừa qua, chủ gấu đã bày tỏ nguyện vọng chuyển giao cá thể gấu bị nuôi nhốt cho nhà nước.
Trước đó, ngày 2/10/2020, một chủ gấu tại Lâm Đồng đã chuyển giao 2 cá thể gấu bị nuôi nhốt đến Trung tâm cứu hộ sau khi người này bị phát hiện buôn bán trái phép 2 chi gấu được khai nhận cắt từ cá thể gấu chết trước đó tại gia đình.
Nếu năm 2005 ghi nhận hơn 4.300 cá thể gấu bị nuôi nhốt lấy mật thì cho tới nay với sự nỗ lực của Chính phủ VN cũng như các cơ quan chức năng, các tổ chức bảo tồn, cho tới thời điểm hiện tại chỉ còn 384 cá thể gấu bị nuôi nhốt tại các cơ sở tư nhân trên cả nước.
Sự quan tâm và giám sát chặt chẽ của cơ quan chức năng trong công tác quản lý bảo vệ gấu thời gian vừa qua là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến nhiều chủ gấu quyết định tự nguyện chuyển giao gấu. Với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, lợi nhuận từ buôn bán trái phép mật gấu và các sản phẩm từ gấu đang dần biến mất, thúc đẩy chủ gấu sớm từ bỏ hoạt động nuôi nhốt gấu mang nhiều rủi ro pháp lý này.
Gấu chỉ được phép nuôi nhốt nếu đã được đăng ký quản lý, gắn chíp theo dõi, nghiêm cấm trích hút, buôn bán mật gấu
Gấu là loài ĐVHD được liệt kê trong Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ ban hành kèm theo Nghị định 160/2013/NĐ-CP của Chính phủ ngày 12/11/2013 về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 64/2019/NĐ-CP).
Gấu chỉ được phép nuôi nhốt nếu đã được đăng ký quản lý và gắn chíp theo dõi. Tuy được phép nuôi nhốt gấu, hoạt động trích hút, buôn bán mật gấu (dù từ các cá thể gấu bị nuôi nhốt) là hành vi vi phạm pháp luật.
Theo quy định tại Điều 244 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017 – “BLHS”), hành vi nuôi nhốt trái phép gấu có thể bị xử phạt đến 15 năm đối với cá nhân tùy theo số lượng cá thể gấu bị nuôi nhốt trái phép. Trong khi đó, hành vi tàng trữ, buôn bán mật gấu trái phép có thể bị xử phạt đến 5 năm tù giam hoặc phạt tiền đến 2 tỷ đồng đối với cá nhân cũng theo quy định tại Khoản 1 Điều 244 BLHS.