Ngày 5/11, theo ghi nhận của PV báo Pháp luật Việt Nam, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đang có mưa lớn.
Cụ thể, sáng cùng ngày (5/11), các địa phương phía Bắc của tỉnh như Điện Bàn, Đại Lộc, Hội An đã xảy ra mưa lớn trên diện rộng. Từ 8h30 đến nay, khu vực phía Nam như TP Tam Kỳ, Núi Thành cũng bắt đầu có mưa to, đến rất to. Các huyện miền núi cũng bắt đầu có mưa và có dấu hiệu tăng dần theo thời gian.
TP Tam Kỳ bắt đầu có mưa lớn và có dấu hiệu tăng dần theo thời gian. (Ảnh: C.H) |
Đáng chú ý, tại khu vực đảo Cù Lao Chàm (xã Tân Hiệp, TP Hội An) đang có mưa rất to, dòng nước chảy từ trên các khu vực cao xuống vùng trũng thấp như thác đổ cuồn cuộn.
Bà Phạm Thị Hương, Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp thông tin, từ khuya hôm qua tới sáng nay, lượng mưa rất lớn liên tục trút xuống tại khu vực xã đảo khiến một số khu vực thấp trũng bị ngập cục bộ. Đến 9 giờ sáng 5/11, mưa lớn vẫn còn diễn ra.
Nước chảy cuồn cuồn trên đảo Cù Lao Chàm. (Ảnh cắt từ clip). |
Theo báo cáo của Đài Khí tượng thủy văn Quảng Nam, trong thời gian từ 5 giờ đến 7 giờ sáng 5-11, các địa phương như Đại Lộc, Điện Bàn, Hội An đã có mưa to đến mưa rất to. Lượng mưa đo được ở một số địa phương như Đại Hiệp 113.4mm, Cù Lao Chàm 97.4mm, Điện Hồng 55.3mm, Hội An 37.0mm…
Dự báo trong sáng và chiều cùng ngày, các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Nam tiếp tục có mưa, có nơi mưa to đến mưa rất to. Nguy cơ ngập lụt cục bộ trên các tuyến đường và những vùng trũng thấp, thuộc thành phố Hội An, thị xã Điện Bàn, huyện Đại Lộc...
Clip: Mưa lớn kéo dài, nước chảy như thác đổ ở Cù Lao Chàm. |
Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai – tìm kiếm cứu nạn (PCTT – TKCN) tỉnh Quảng Nam cũng vừa phát đi cảnh báo, ảnh hưởng của mưa lớn có nguy cơ gây ra lũ, lũ quét, tại các sông, suối vùng núi, sạt lở đất đá ở sườn dốc, sông, suối nhỏ; gây ngập úng tại các vùng thấp trũng, nơi tập trung đông dân cư ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh.
Để chủ động ứng phó với mưa lớn, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu thủ trưởng các sở, ngành, địa phương tập trung tổ chức rà soát, chủ động sơ tán người dân tại khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn. Đồng thời, chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm theo phương châm "4 tại chỗ" để sẵn sàng ứng phó trong mọi tình huống.
Clip nước chảy cuồn cuồn tại đảo Cù Lao Chàm. |
Chính quyền địa phương cũng yêu cầu triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn các hồ chứa nước và hạ du; chủ động vận hành hồ chứa đảm bảo theo quy định, bố trí lực lượng thường trực vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra…
Để ứng phó với mưa lớn, Ban Chỉ huy PCTT - TKCN tỉnh Quảng Nam cũng đề nghị các chủ hồ thủy điện tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ thông tin thời tiết, tình hình mưa lũ.
Chính quyền tỉnh Quảng Nam phát cảnh báo nguy cơ sạt lở, lũ quét tại miền núi và ngập úng tại vùng hạ du. (Ảnh: C.H). |
Đối với các hồ chứa có tràn xả lũ tự do, cần tổ chức theo dõi chặt chẽ, thông báo dự kiến thời gian mực nước qua tràn đến các địa phương, nhân dân vùng hạ du, các đơn vị liên quan để chủ động ứng phó. Việc tổ chức vận hành phải bảo đảm không gây dòng chảy đột biến, bất thường đe dọa trực tiếp đến tính mạng và tài sản của người dân ở khu vực ven sông, hạ du hồ chứa.