'Chuyển hóa nhận thức, thay đổi cuộc đời': Vai trò của Ban Dân tộc Nghệ An trong Dự án 8

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bình đẳng giới và chăm sóc phụ nữ, trẻ em tại vùng khó khăn không chỉ là một mục tiêu, mà còn là nhiệm vụ cấp bách trong hành trình phát triển bền vững của đất nước. Tại Nghệ An, Dự án 8 thuộc Chương trình MTQG đã từng bước mang lại những chuyển biến tích cực, giúp xóa bỏ định kiến, thay đổi nếp nghĩ, và nâng cao quyền năng cho phụ nữ dân tộc thiểu số. 
'Chuyển hóa nhận thức, thay đổi cuộc đời': Vai trò của Ban Dân tộc Nghệ An trong Dự án 8

Ông Lương Văn Khánh – Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An, chia sẻ về những thành quả đạt được và giải pháp để tiếp tục duy trì hiệu quả của Dự án.

- Ông cho biết những nhiệm vụ trọng tâm trong vai trò thường trực Chương trình MTQG nói chung và Dự án 8 nói riêng của Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An thời gian qua?

Ông Lương Văn Khánh: Để thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030; giai đoạn 1: từ năm 2021-2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719), Ban Dân tộc với vai trò là cơ quan chủ trì đã tham mưu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đảm bảo nguyên tắc trong quản lý, tổ chức thực hiện Chương trình. Qua đó, trao quyền cho địa phương, nhất là cấp cơ sở nhằm nâng cao tính chủ động, linh hoạt và bảo đảm tính công khai, minh bạch của Chương trình.

Mục tiêu của Dự án 8 là nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và tập trung giải quyết hiệu quả một số vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em tại vùng đặc biệt khó khăn.

Ông Lương Văn Khánh - Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An

Ông Lương Văn Khánh - Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An

Tuy nhiên, việc tiếp cận và hỗ trợ chị em phụ nữ vùng đồng báo DTTS&MN ở Nghệ An gặp không ít khó khăn như: Nhiều phong tục tập quán lạc hậu vẫn còn tồn tại, khoảng cách về giới, vấn đề việc làm, chăm sóc sức khỏe, làm mẹ an toàn, tảo hôn, hôn nhân cận huyết, bạo lực gia đình…, những rào cản trong văn hóa khiến phụ nữ phải dành hầu hết thời gian để lao động sản xuất, làm việc nhà, chăm sóc con cái mà ít có cơ hội được giao tiếp trong cộng đồng, thiếu kiến thức, kỹ năng, ngại sự thay đổi.

Ngoài ra, một bộ phận phụ nữ dân tộc thiểu số lại khá phụ thuộc vào vai trò của nam giới trong gia đình vì họ không thể giao tiếp với người ngoài cộng đồng, khó có thể tiếp cận được các nguồn thông tin và giao tiếp xã hội do mù chữ và không biết tiếng phổ thông dẫn tới nhiều hệ lụy trong cuộc sống mà họ đang phải gánh chịu...

- Thưa ông, Dự án 8 đã mang lại những thay đổi cụ thể nào trong đời sống của phụ nữ dân tộc thiểu số tại tỉnh Nghệ An?

Ông Lương Văn Khánh: Việc triển khai Dự án "Về thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được của các cấp Hội trên địa bàn tỉnh Nghệ An được thực hiện tại 11 huyện, 76 xã, 588 thôn bản. Hội LHPN tỉnh đã tập trung triển khai chỉ đạo điểm các mô hình, hoạt động can thiệp của Dự án 8 giai đoạn 2021 - 2025 tại 7 huyện gồm: Kỳ Sơn, Tương Dương, Con cuông, Quế Phong, Quỳ Châu, Thanh Chương và Quỳ Hợp.

Những phần thi do Hội LHPN huyện Quế Phong tổ chức đã thu hút cả nam giới tham gia tích cực

Những phần thi do Hội LHPN huyện Quế Phong tổ chức đã thu hút cả nam giới tham gia tích cực

Sau hơn 3 năm thực hiện, các cấp Hội đã có nhiều hoạt động được thiết kế với 9 chỉ tiêu cốt lõi và nhiều hoạt động can thiệp, tập trung vào tuyên truyền, vận động thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng; xây dựng và nhân rộng các mô hình nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ; các hoạt động đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế xã hội, giám sát và phản biện xã hội; nâng cao năng lực cho cán bộ nữ DTTS, nâng cao năng lực lồng ghép giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị, già làng, trưởng bản, và người có uy tín trong cộng đồng; giám sát, đánh giá thực hiện bình đẳng giới.

Để thay đổi nhận thức của một người không dễ và của một cộng đồng càng không đơn giản. Tuy nhiên, “mưa dầm thấm lâu”, hiện nay đã có những chuyển biến tích cực mà Dự án 8 đã mang lại đó là nhận thức về giới, bình đẳng giới, việc xóa bỏ hủ tục của người dân trên địa bàn dần cải thiện thông qua tỷ lệ tảo hôn, vấn đề bạo lực ngày càng giảm. Đặc biệt, đàn ông đã ý thức chia sẻ việc nhà, chăm sóc con với phụ nữ, dù chưa nhiều nhưng đây là tín hiệu đáng mừng.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh vận động phụ nữ mạnh dạn vay vốn phát triển kinh tế, tham gia các lớp học nghề, ứng dụng tiến bộ KHKT trong sản xuất, chăn nuôi và trao sinh kế cho chị em. Từ đó mong muốn chị em thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” tiến tới khẳng định vị trí, vai trò của phụ nữ.

- Ông có thể cho biết, Ban Dân tộc đã và sẽ triển khai những giải pháp nào để duy trì và nhân rộng hiệu quả từ Dự án 8 ?.

Ông Lương Văn Khánh: Với mục tiêu của Dự án 8 là nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ phụ nữ và trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và tập trung giải quyết hiệu quả một số vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em tại vùng đặc biệt khó khăn.

Phụ nữ DTTS Nghệ An ngày càng nâng cao vị thế của mình

Phụ nữ DTTS Nghệ An ngày càng nâng cao vị thế của mình

Trong thời gian tới Hội LHPN tỉnh tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các cấp Hội tiếp tục triển khai thực hiện các nội dung sau: Đẩy mạnh công tác phối hợp các đơn vị liên quan kịp thời tháo gỡ những vướng mắc khó khăn trong triển khai thực hiện Dự án; tăng cường kết nối, huy động các nguồn lực để triển khai thực hiện đảm đảm bảo chặt chẽ, đồng bộ và hiệu quả Dự án; Tập trung công tác tuyên truyền, thông qua Cổng thông tin điện tử, Bản tin "Phụ nữ Nghệ An" và sử dụng hiệu quả mạng xã hội Zalo, Fanpage của Hội LHPN tỉnh, các huyện, thành, thị, đồng thời phối hợp thường xuyên với các cơ quan truyền thông đại chúng và các ngành, đơn vị liên quan kịp thời cung cấp, định hướng thông tin, tuyên truyền.

Làm tốt công tác phát hiện, giới thiệu, tuyên truyền, biểu dương cách làm hay, mô hình điển hình, tập thể, cá nhân phụ nữ tiêu biểu trong thực hiện Chương trình. Tiếp tục triển khai thực hiện Dự án gắn kết với thực hiện các Chương trình MTQG, các Đề án do Hội chủ trì, “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững” có hiệu quả;

Nhiều hình thức sân khấu hoá trong công tác tuyên truyền chính sách trên địa bàn

Nhiều hình thức sân khấu hoá trong công tác tuyên truyền chính sách trên địa bàn

Tiếp tục rà soát các mục tiêu, nhiệm vụ được xác định của Dự án đến năm 2025 để tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các cấp Hội hoàn thành các chỉ tiêu đã đề ra trong giai đoạn 2021 - 2025.

Chú trọng phát hiện, bồi dưỡng, xây dựng và biểu dương, tuyên truyền các mô hình, điển hình tập thể, cá nhân có cách làm hay, hiệu quả trong thực tế. Tiếp tục tăng cường các hoạt động nâng cao hiểu biết xã hội, kiến thức luật pháp và tuyên truyền giáo dục để phụ nữ ý thức được quyền lợi và trách nhiệm công dân, mạnh dạn bày tỏ suy nghĩ, chính kiến, nguyện vọng của mình trong các cuộc họp dân để tích cực tham gia ý kiến xây dựng địa phương, chính quyền.

Tăng cường phát triển các mô hình kinh tế; tạo cơ hội cho các hội viên, phụ nữ DTTS tham quan, học tập thực tế từ các mô hình ứng dụng công nghệ thông tin vào phát triển kinh tế để phụ nữ DTTS tự tin, học hỏi vượt qua rào cản, vươn lên.

Đọc thêm