Trồng măng Bát Độ, đồng bào dân tộc thiểu số ở Yên Bái thoát nghèo

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Trồng cây măng tre Bát Độ, không ít hộ gia đình người đồng bào dân tộc thiểu số ở Yên Bái đã vươn lên thoát nghèo; có hộ vươn lên làm giàu, thu nhập trăm triệu mỗi năm.
Bà con Yên Bái thu hoạch măng tre Bát Độ. Ảnh: Trung tâm Khuyến nông Yên Bái
Bà con Yên Bái thu hoạch măng tre Bát Độ. Ảnh: Trung tâm Khuyến nông Yên Bái

Theo Trung tâm Khuyến nông Yên Bái, cây tre măng Bát Độ phát triển tốt trên địa hình đất đồi dốc, không đòi hỏi kỹ thuật trồng và chăm sóc quá phức tạp, rất phù hợp với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng và trình độ canh tác của người dân vùng cao Yên Bái.

Đến nay, măng tre Bát Độ đã trở thành “cây xóa đói giảm nghèo” cho đồng bào các dân tộc thiểu số ở Yên Bái. Trong đó trồng tập trung, phổ biến nhất tre Bát Độ ở huyện Trấn Yên với khoảng gần 4.000ha, huyện Yên Bình hơn 200ha, Lục Yên hơn 200ha, Văn Chấn hơn 150ha, Văn Yên hơn 100ha…

Người dân thôn Làng Hua xã Suối Bu, huyện Văn Chấn trồng cây tre măng Bát Độ. Ảnh: Trung tâm Khuyến nông Yên Bái Người dân thôn Làng Hua xã Suối Bu, huyện Văn Chấn trồng cây tre măng Bát Độ. Ảnh: Trung tâm Khuyến nông Yên Bái

Thực tế, măng tre Bát Độ nhanh cho thu hoạch. Trung bình trong 3 năm đầu trồng, tre măng Bát Độ cho thu nhập 3 triệu đồng/ha/năm. Vào giai đoạn kinh doanh, thu nhập từ 30-40 triệu đồng/ha/năm; sau chu kỳ 7 năm, 1ha tre Bát Độ sẽ cho thu nhập từ 100-200 triệu đồng.

Đáng chú ý là nhờ phát huy hiệu quả mối liên kết "4 nhà" mà những năm qua, đầu ra của măng Bát Độ khá ổn định, hiếm khi gặp phải tình trạng được mùa rớt giá.

Tại huyện Trấn Yên, từ năm 2019, huyện đã triển khai thực hiện dự án “Phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm măng tre Bát Độ” tại 4 xã Kiên Thành, Hồng Ca, Lương Thịnh, Hưng Khánh, với diện tích 1.000ha tre kinh doanh, với sự tham gia của 780 hộ.

Gia đình ông Dương Kim Hùng (ở thôn Đá Khánh, xã Kiên Thành, Trấn Yên) là một trong các hộ tham gia trồng tre Bát Độ dự án từ ngày đầu tiên.

Cán bộ khuyến nông hướng dẫn người dân chăm sóc, bón phân cho cây tre măng Bát Độ. Ảnh: Trung tâm Khuyến nông Yên Bái

Cán bộ khuyến nông hướng dẫn người dân chăm sóc, bón phân cho cây tre măng Bát Độ. Ảnh: Trung tâm Khuyến nông Yên Bái

Hiện ông đang có hơn 7ha trồng măng tre Bát Độ, trong đó có hơn 5ha đã cho thu hoạch với sản lượng 30 tấn. Trung bình hàng năm, cắt măng đem bán, gia đình ông bỏ túi hơn 100 triệu đồng tiền lãi. Từ thu nhập trồng măng Bát Độ gia đình ông Hùng vươn lên thoát nghèo, càng có cuộc sống ấm no, đầy đủ hơn.

Bà Trần Thị Độ (thôn Đồng Cát, xã Kiên Thành) vừa thoăn thoắt thu hoạch măng, vừa phấn khởi cho biết: “Trước đây gia đình trồng nhiều loại cây như keo, bồ đề... nhưng giá trị kinh tế thấp.

Năm năm trở lại đây, gia đình đã chuyển đổi hơn 3,5ha đất sang trồng tre Bát Độ; mỗi vụ măng, thu nhập từ 100-150 triệu đồng. Năm nay mới đầu vụ, nhà tôi đã thu được hơn 5 tấn măng thương phẩm, thu nhập trên 30 triệu đồng”.

Nhận thấy măng Bát Độ cho giá trị kinh tế cao, đồng thời giúp phủ xanh đồi trọc, Trung tâm Khuyến nông Yên Bái đã nhân rộng mô hình, hỗ trợ giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, tiêu thụ sản phẩm cho bà con.

Sùng A Dê (người đeo kính) hướng dẫn người dân trong xã cách chăm sóc măng tre Bát Độ. Ảnh: Trung tâm Khuyến nông Yên BáiSùng A Dê (người đeo kính) hướng dẫn người dân trong xã cách chăm sóc măng tre Bát Độ. Ảnh: Trung tâm Khuyến nông Yên Bái

Từ chỗ ban đầu chỉ trồng thử nghiệm 200 gốc măng tre Bát Độ theo hướng dẫn của ngành nông nghiệp trên diện tích đất của gia đình, đến nay anh Sùng A Dê (xã Suối Bu, huyện Văn Chấn) đã vận động người dân trồng được hơn 19.000 cây giống trên diện tích 35 ha tại các thôn Ba Cầu, Bu Cao và Làng Hua.

Hiện, 5ha đã cho thu hoạch được khoảng 20 tấn/vụ với giá trị kinh tế hơn 100 triệu đồng. Giá măng cao và ổn định khoảng trên dưới 6.000 đồng/kg khiến người dân rất phấn khởi, càng có động lực để chăm sóc cũng như nhân rộng diện tích.

Chủ tịch UBND xã Suối Bu Chu Thị Huế cho biết, từ khi anh Sùng A Dê tiên phong đưa giống măng tre Bát độ về trồng tại xã Suối Bu đã góp phần không nhỏ trong công tác xóa đói, giảm nghèo, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân trong xã.

Do địa hình dốc cao, bị chia cắt bởi các khe núi, trình độ canh tác của đồng bào dân tộc thiểu số hạn chế, nên việc đưa các giống cây mới, trong đó có cây tre măng Bát Độ vào sản xuất là một kỳ tích của người dân vùng cao nơi này.

Đọc thêm