Chuyển hướng xúc tiến thương mại

(PLVN) - Dưới tác động của dịch Covid-19, các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối doanh nghiệp với thị trường chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Chuyển hướng sang xúc tiến thương mại trực tuyến đang là hướng đi hiệu quả hiện nay. 
Các cuộc giao thương trực tuyến là “chìa khóa vàng” cho DN Việt tìm kiếm đối tác
Các cuộc giao thương trực tuyến là “chìa khóa vàng” cho DN Việt tìm kiếm đối tác

Cơ hội từ các cuộc giao thương trực tuyến

Bộ Công Thương cho biết, từ đầu mùa dịch, tất cả hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM) truyền thống theo kế hoạch đều bị hủy hoặc hoãn. Dịch bệnh đã buộc các quốc gia, nền kinh tế lớn của thế giới và cũng là những thị trường xuất khẩu (XK) chính và quan trọng của Việt Nam như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU, Hoa Kỳ... phải triển khai hàng loạt biện pháp mạnh để hạn chế virus lây lan như siết chặt xuất, nhập cảnh, hủy hoặc hoãn các sự kiện có sự tham dự đông người dẫn đến việc nhiều hoạt động XTTM đã không thể triển khai trong năm 2020 như kế hoạch đề ra.

Trước bối cảnh đó, Bộ Công Thương đã phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) hướng dẫn các địa phương, Hiệp hội ngành hàng, tổ chức XTTM và doanh nghiệp (DN) áp dụng các hình thức mới trong hoạt động XTTM, kết nối thị trường thông qua các nền tảng số, trên môi trường internet... như kết nối giao thương trực tuyến giữa các DN Việt Nam với các đối tác có nhu cầu nhập khẩu; tuyên truyền quảng bá DN và sản phẩm, thương hiệu sản phẩm của Việt Nam đến người tiêu dùng trong nước và thế giới.

Ngoài ra, Cục XTTM cũng đã tổ chức nhiều buổi kết nối giao thương trực tuyến với các quốc gia khác như cuộc kết nối giao thương giữa DN Việt và DN Quảng Tây (Trung Quốc) với kết quả là có khoảng 40 lượt giao dịch với các DN Trung Quốc và đã tìm kiếm, kết nối được với các đầu mối sản xuất, cung ứng vật tư, nguyên liệu, sản phẩm phòng chống dịch liên quan của Trung Quốc. Mới đây, cuộc giao thương trực tuyến giữa Việt Nam với Ấn Độ cũng đã được tổ chức với nhiều thông tin về tìm kiếm cơ hội đầu tư của DN Ấn Độ ở Việt Nam. 

Tại cuộc giao thương này, Tập đoàn Essar mong muốn tìm kiếm cơ hội đầu tư xây dựng một khu tích hợp tổng thể trị giá khoảng 8 tỷ USD, gồm nhà máy điện sử dụng khí, đầu tư các trạm biến áp, công trình truyền tải, đồng thời tìm kiếm cơ hội đầu tư sản xuất phân bón. Tập đoàn HCL mong muốn thành lập một trung tâm công nghệ ở Việt Nam với vốn đầu tư lên đến 650 triệu USD, sẽ đào tạo và tuyển dụng khoảng 10 nghìn kỹ sư trong 5 năm tới. 

Bên cạnh đó, việc xây dựng và triển khai đề án “Tổ chức kết nối giao thương trực tuyến trên các ứng dụng internet (webinar)” của Bộ Công Thương bước đầu cũng đã đạt được những kết quả quan trọng giúp DN tiếp cận được thị trường XK trong bối cảnh Covid-19 thông qua hàng trăm lượt giao thương trực tuyến của các lĩnh vực, ngành hàng với các đối tác trên khắp thế giới như Trung Quốc, Canada, Nepal, Ấn Độ, Singapore, Sri Lanka, Thổ Nhĩ Kỳ, Uzbekistan... 

Sẵn sàng các phương án ngay khi hết dịch

Trong thời gian tới, để tiếp tục triển khai các chương trình hội nghị, hội thảo trực tuyến theo hướng đa dạng thị trường, ngành hàng đảm bảo hiệu quả cao hơn nữa, Bộ Công Thương đã lập kế hoạch phối hợp với VCCI và các tổ chức XTTM trong và ngoài nước tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, giao thương trực tuyến, góp phần hỗ trợ các DN Việt Nam có thêm các cơ hội kết nối thị trường, phát triển thị phần... 

“Dưới những xu hướng tác động của cuộc Cách mạng 4.0, việc đẩy mạnh hoạt động XTTM trực tuyến trong kinh doanh của mỗi DN là điều tất yếu. Điều này được xem như chìa khóa vàng giúp DN Việt Nam tiết kiệm chi phí giao dịch, gặt hái thành công trong thời kỳ hội nhập và đổi mới…” - đại diện Bộ Công Thương khẳng định. 

Được biết, Bộ Công Thương cũng đã xây dựng một số đề án XTTM tinh gọn, lên kế hoạch chi tiết và có phương án triển khai cụ thể để triển khai nhanh các hoạt động XTTM, tham gia các sự kiện XTTM, kết nối giao thương ngay khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát thành công tại các quốc gia trên thế giới, hỗ trợ DN đẩy mạnh hoạt động XK hàng hóa, đặc biệt tại các thị trường sớm hết dịch như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc… 

Bộ cũng đã xây dựng và hoàn thiện hệ thống phần mềm quản lý quan hệ khách hàng tích hợp cơ sở dữ liệu DN xuất nhập khẩu (XNK) của Việt Nam (theo nhóm ngành hàng, khu vực địa lý, quy mô, loại hình DN, năng lực sản xuất XK, nhu cầu XNK…) nhằm chia sẻ quyền truy cập hệ thống cho các đơn vị thuộc Bộ, hệ thống các thương vụ, Trung tâm XTTM của Việt Nam tại nước ngoài để cùng khai thác, sử dụng để tăng cường khả năng kết nối cơ hội kinh doanh, đầu tư. Hiện hệ thống đã có danh sách trên 5.000 DN đã được phân loại theo nhóm, ngành hàng XNK có nhu cầu hỗ trợ tìm kiếm thị trường XK…

Đọc thêm