Vỏ bọc hoàn hảo
Ngoại ô Summertown, Oxford, Anh những ngày hè năm 1942 nắng đẹp như rót mật. Trong khung cảng lãng mạn như vậy, việc cặp đôi nam thanh nữ tú vừa thong thả dắt chiếc xe đạp cũ trên con đường mòn vừa thủ thỉ nhỏ to dường như chỉ khiến cho bức tranh phong cảnh làng quê thêm phần yên bình.
Tuy nhiên, trên thực tế, người đàn ông và người phụ nữ mà nhiều người tưởng rằng là một cặp tình nhân đó lại là 2 trong số những điệp viên quan trọng nhất của Liên Xô. Đúng như câu mà nhiều người hay nói “Nơi nguy hiểm nhất lại là nơi an toàn nhất”, họ trao đổi thông tin mật liên quan đến chương trình hạt nhân quan trọng của Anh ngay giữa ban ngày ban mặt mà không hề bị ai chú ý.
Người nữ được nói đến ở trên là nữ điệp viên người Đức có tên Ursula Kuczynski, có mật danh Sonya còn người đàn ông mắt nâu đi bên cạnh là Klaus Fuchs - một nhà vật lý tài năng làm việc cho dự án nghiên cứu sản xuất uranium-235 tinh khiết có tên Tube Alloys để phục vụ cho việc chế tạo bom hạt nhân của Anh. Dự án này chính là tiền đề để Mỹ về sau thực hiện Dự án Manhattan – dự án chế tạo bom hạt nhân được thực hiện với sự hỗ trợ của Anh và Canada.
Theo Cơ quan tình báo Anh (MI5) và tình báo Đông Đức, trước và sau Chiến tranh thế giới II, Fuchs đã lấy cắp rất nhiều tài liệu mật về chương trình hạt nhân của Anh và chuyển cho Liên Xô thông qua Sonya. Theo tính toán, sự phản bội của Fuchs đã giúp Liên Xô rút ngắn được ít nhất 2 năm nghiên cứu để phát triển hạt nhân của nước này.
Hoạt động của bộ đôi này cũng đã làm sụt giảm đáng kể uy tín của cơ quan tình báo Anh vì các tài liệu cho thấy dù đã được cảnh báo về Sonya nhưng vì chủ quan, khinh địch nên tình báo Anh đã không có động thái ngăn chặn.
Sinh năm 1907 ở Berlin, Đức trong một gia đình giàu có nhưng năm 19 tuổi bà Ursula Ruth Kuczynski đã gia nhập đảng Cộng sản Đức. Năm 1930, khi cùng chồng tới Trung Quốc làm ăn, Kuczynski được Richard Sorge – một đảng viên Đảng Cộng sản Đức và là người đứng đầu cơ quan tình báo Liên Xô tại Viễn Đông – đề nghị hợp tác.
Nhận được sự đồng thuận, Sorge đặt cho Kuczynski mật danh Sonya và tiến cử bà tới Moscow để tham gia khóa đào tạo gián điệp. Hoàn tất chương trình tập huấn với thành tích xuất sắc, Kuczynski trở về Trung Quốc với nhiệm vụ thiết lập đường dây liên lạc giữa những người cộng sản ở Trung Quốc với Liên Xô, đồng thời giúp tổ chức lực lượng kháng chiến chiến đấu chống quân Nhật ở khu vực Mãn Châu cũng như theo dõi các hoạt động của quân Nhật ở đây.
Năm 1935, do lo sợ Kuczynski và Sorge bị lật tẩy, tình báo Liên Xô yêu cầu họ rời khỏi Trung Quốc. Kuczynski được điều tới Ba Lan. Đến năm 1938, bà lại được điều tới Thụy Sỹ với nhiệm vụ thiết lập mạng lưới gián điệp ở đây. Cái giá mà Kuczynski phải trả để có thể tiếp tục công việc điệp viên của mình chính là mái ấm gia đình.
Không đồng ý để vợ tới Thụy Sỹ, ông chồng đề nghị ly hôn và bỏ tới vùng Viễn Đông làm ăn. Năm 1940, khi được điều tới Anh làm việc, Kuczynski gặp gỡ và tái hôn với Len Beurton – một người Anh làm việc cho tình báo Liên Xô.
Người có công trong dự án bom hạt nhân
Thời gian này, Kuczynski và gia đình chuyển tới một căn nhà nhỏ ở một làng quê hẻo lánh để tạo vỏ bọc cho hoạt động điệp viên của mình. Trong vai một bà nội trợ, bà tích cực kết thân với những người hàng xóm xung quanh để dò la tin tức.
Nhờ sự khéo léo mà chỉ một thời gian sau đó, bà đã có thể tuyển mộ được một nhân viên kỹ thuật của Không quân hoàng gia Anh, moi được nhiều thông tin quý về những tiến triển mới nhất trong dự án nghiên cứu máy bay của Anh.
Ngoài ra, Kuczynski cũng đã tuyển mộ được một người đàn ông làm việc tại một nhà máy sản xuất xe hơi ở Oxford và đào tạo để người này có thể hỗ trợ bà ta chuyển tin mật về cho Liên Xô.
Nhân vật quan trọng nhất mà Kuczynski tuyển mộ được chính là Fuchs – người đàn ông xuất hiện ở đầu bài viết. Từ năm 1942, Kuczynski và Fuchs thường xuyên đóng giả làm một cặp tình nhân lãng mạn để bí mật trao đổi thông tin như đã nói ở trên.
“Từng việc nhỏ nhất trong cuộc gặp đều được chúng tôi tính toán kỹ. Tôi và Fuchs không bao giờ gặp nhau quá nửa giờ nhưng cũng không gặp nhau quá ngắn. Thật ra, chỉ cần 2 phút là đủ để trao đổi thông tin nhưng chúng tôi không làm vậy vì việc đi cùng nhau một quãng đường ngắn sẽ ít gây chú ý hơn so với việc chỉ gặp chớp nhoáng rồi tách ra”, bà Kuczynski về sau kể lại.
Tại thời kỳ đỉnh cao của sự nghiệp vào các năm 1942-1943, Kuczynski đã chuyển về cho Moscow nhiều thông tin vô giá về hoạt động chế tạo bom của Anh do Klaus Fuchs tuồn ra, bao gồm các bí mật hạt nhân của Anh và về sau là cả những bí mật từ phòng thí nghiệm của Mỹ ở Los Alamos.
|
Nữ điệp viên kể chuyện về một thời oanh liệt của mình |
Các tài liệu mới được giải mật gần đây cho biết, Kuczynski cũng chính là người kiểm soát Melita Norwood – nữ thư ký Hiệp hội nghiên cứu phi kim của Anh, người về sau trở thành thành viên của ủy ban cố vấn Dự án nghiên cứu bom hạt nhân Tube Alloys của Anh.
Ông Norman Moss – tác giả cuốn sách “Klaus Fuchs: người đàn ông đánh cắp bom nguyên tử” - khẳng định chính từ những thông tin mà Fuchs và Kuczynski chuyển về mà vào năm 1942, trợ lý của Stalin là Vyacheslav Molotov đã quyết định lập dự án bom hạt nhân của Liên Xô.
Những thông tin đó đã giúp các nhà nghiên cứu Liên Xô rút ngắn được rất nhiều thời gian nghiên cứu. Năm 1949, người Liên Xô đã thử thành công quả bom nguyên tử đầu tiên, sớm hơn đến 4 năm so với dự đoán của tình báo Anh và Mỹ, từ đó giúp nước này có được lợi thế quan trọng trong tương quan lực lượng thế giới.
Sử gia David Burke trong một cuốn sách khẳng định Kuczynski còn đã tuyển mộ được cả Roger Hollis – người về sau là người đứng đầu MI5 – làm chân rết trong mạng lưới gián điệp của bà.
Chuyển nghề viết văn
Theo các ghi chép, ngay từ đầu những năm 1940, cơ quan phản gián Anh đã nhận được những cảnh báo về một đường dây gián điệp nguy hiểm của Liên Xô đang hoạt động ngay trong lòng nước này nhưng vì chủ quan nên họ đã không tiến hành điều tra.
Về phía Kuczynski, nhờ có những kỹ năng sống và hoạt động gián điệp xuất sắc cộng với sự nhạy cảm vốn có, bà đã luôn có thể đi trước một bước trước khi bị phát giác.
Phải đến năm 1947, sau khi điệp viên Liên Xô Alexander Foote đào tẩu và tố giác, giới chức Anh mới bắt đầu lần tìm các thành viên trong đường dây của Kuczynski. Năm 1949, sau khi từ Mỹ trở về, Fuchs đã bị bắt giữ và sau đó bị kết án 9 năm tù giam vì tội hoạt động gián điệp.
Một ngày trước phiên tòa mà ở đó Fuchs đã khai ra đầu mối tiếp nhận thông tin của ông ta, Kuczynski và anh trai – cũng là một điệp viên của Liên Xô - đã nhanh chân trốn thoát tới Đông Đức. Sau khi Fuchs bị bắt, Kuczynski đã dừng hoạt động gián điệp nhưng vẫn tích cực hoạt động vì chủ nghĩa xã hội.
Về sau, bà chuyển sang nghề viết và có được những thành công đáng kể, bao gồm 1 tiểu thuyết hồi tưởng về quá trình làm gián điệp và 1 cuốn tiểu thuyết viết về 1 nữ dân quân ở Anh.
Từ năm 1989, nhiều thông tin khác về những thành tựu của Kuczynski đã được công bố và đánh giá của người ta về bà cũng đã tăng nhanh chóng. Theo một sử gia đã dành nhiều thời gian nghiên cứu về sự nghiệp gián điệp của Kuczynski, bà là “một trong những điệp viên hàng đầu mà Liên Xô từng chiêu mộ được”.
Người này cũng cho rằng những bí mật của Anh và MI5 mà bà đã thu được trên thực tế nhiều hơn và sâu rộng hơn nhiều so với các thông tin đến nay từng được tiết lộ. Còn một số người khác thì cho rằng chỉ riêng việc sống sót sau hơn 2 thập kỷ làm gián điệp mà không hề hấn gì cũng đã cho thấy tài năng của Kuczynski và lý giải 1 phần lý do tại sao bà lại trở thành “điệp viên giỏi nhất của Stalin”.