Chuyện khó ngờ về “cò” đường dây “mãi lộ tiền tỷ” ở Cần Thơ

(PLO) -Liên quan đến vụ 3 thanh tra giao thông Cần Thơ gồm Lý Hoàng Minh, Võ Hoàng Anh, Đoàn Vũ Duy nhận tiền bảo kê hàng tỷ đồng, Công an Cần Thơ cho biết đang củng cố hồ sơ, chứng cứ. Đến nay, có thể xác định "cò" Nguyễn Văn Cần (29 tuổi, quê Vĩnh Long) là mắt xích quan trọng trong đường dây bảo kê này.
Đối tượng Cần (thứ 3, từ trái sang)
Đối tượng Cần (thứ 3, từ trái sang)

Theo chính quyền địa phương, Cần đi làm ăn, thỉnh thoảng về thăm nhà; nhã nhặn, ít nói, không mích lòng ai và chưa có tiền án, tiền sự. "Khi hay tin Cần bị bắt vì làm 'cò' bảo kê xe tải cho thanh tra giao thông, ai cũng bất ngờ", báo VnExpress dẫn lời Công an xã Tân Lộc (huyện Tam Bình, Vĩnh Long).

Sinh ra trong gia đình làm nông, có hoàn cảnh khó khăn, Cần đã phải sớm nghỉ học khi chưa hết cấp một. Lớn lên, anh ta xin làm lơ cho những chuyến xe tải Bắc - Nam. Cuộc sống lênh đênh theo những chuyến xe ngược xuôi, Cần đã quen với việc bị lực lượng chức năng kiểm tra, bắt phạt xe vì các sai phạm, nhất là chở quá tải. Vì vậy, việc chung tiền cho nạn mãi lộ, bảo kê đường… không còn xa lạ với Cần.

Hơn 2 năm trước, những lúc không đi lơ xe tải, Cần lân la tiếp cận, làm quen, xin số điện thoại các thanh tra giao thông Cần Thơ đang làm nhiệm vụ trên đường; dần dà đặt vấn đề thông báo xe quá tải, vi phạm… cho lực lượng bắt giữ, xử phạt để "kiếm tiền cà phê".

Là dân trong nghề, anh ta rảo trên đường nhìn là biết rõ xe nào chở quá tải nên ghi biển số rồi báo cho các thanh tra giao thông kiểm tra, xử phạt. Danh sách các nhà xe mà Cần thu thập ngày một dày, có đầy đủ các đại lý kinh doanh vật liệu xây dựng, xe trộn bêtông, container, hãng nước đá... trên địa bàn TP Cần Thơ.

Khi các xe liên tục bị "dính" biên bản, "cò" Cần tiếp cận chủ đặt vấn đề bảo kê cho xe hoạt động an toàn, dù chở quá tải gấp nhiều lần quy định. Đổi lại, nhà xe phải chi tiền hàng tháng vào tài khoản do Cần lập ra hoặc nộp "tiền tươi". Cơ quan điều tra xác định, Cần đã mở 3 tài khoản ngân hàng với 3 tên khác nhau để các nhà xe chuyển tiền vào. 

Được các thanh tra giao thông "mở đường", lời nói của Cần có trọng lượng khi buộc các nhà xe đóng "hụi chết" để đổi lấy sự yên ổn trong làm ăn. Những trường hợp không chịu "làm luật" với Cần thì bị thanh tra giao thông gây khó dễ đủ điều.

Một ví dụ như hơn hai năm trước, một người đàn ông ở quận Cái Răng mở cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng. Chưa được bao lâu thì "cò" Cần xuất hiện đòi ông chung chi tháng 2 triệu đồng mỗi đầu xe.

"Tôi nhất quyết không đồng ý thì liên tục bị kiểm tra, xử phạt. Xe mình không vi phạm nhưng hễ ra đường là bị thanh tra giao thông kéo về trạm cân. Làm ăn ngày một khó, lại bị hành liên tục, khách hàng mất dần, trong khi lãi ngân hàng phải trả nên tôi quyết định bán hết 3 xe ben, bán tháo vật liệu rồi chuyển sang cho thuê mặt bằng và sửa ôtô", người này nói.

Xe mình không vi phạm nhưng hễ ra đường là bị thanh tra giao thông kéo về trạm cân. Làm ăn ngày một khó, lại bị hành liên tục, khách hàng mất dần, trong khi lãi ngân hàng phải trả nên tôi quyết định bán hết 3 xe ben, bán tháo vật liệu rồi chuyển sang cho thuê mặt bằng và sửa ôtô", người này nói.

Sự hợp tác nhịp nhàng và hiệu quả giữa Cần và các thanh tra giao thông ngày càng khiến giới nhà xe, tài xế ở Cần Thơ và các tỉnh khác đi ngang qua địa bàn này đều khiếp sợ. Vì chuyện làm ăn lâu dài, không ai dám hé răng tố cáo. 

Việc làm ăn ngày một lớn, Cần quyết định nghỉ hẳn nghề lơ xe; càng cẩn thận, hạn chế "xuất đầu lộ diện". "Trùm cò" này chiêu mộ nhiều lái xe ôm làm "mật báo". Họ được phân công theo dõi các xe quá tải trên địa bàn Cần Thơ hoặc từ nơi khác đến giao nhận hàng, rồi báo lại Cần.

Khi quen việc, các tài xế xe ôm được "cò" ủy quyền ra giá bảo kê và thu tiền. Mọi liên lạc, giao dịch gần như Cần điều hành qua điện thoại với hàng chục số khác nhau và dùng nhiều tên giả để tránh bị phát hiện.

Theo cơ quan điều tra, Cần rất ma mãnh, tổ chức hoạt động tinh vi. Thu xong "hụi chết", nếu không chuyển vào tài khoản cho các thanh tra giao thông thì Cần rút ra đem nộp trực tiếp, có khi thì giao cho đàn em. Tùy theo tình hình thực tế, thời gian cũng như phương thức giao tiền mà địa điểm thay đổi liên tục.

"Lúc thì giao tiền tại quán cà phê, khi ở góc đường. Tiền được bỏ vào bao thư, bao gói thuốc lá, bịch nylon, gói giấy. Có khi bên giao mang tiền nhét vào gốc cây, bờ tường, bụi rậm… sau đó, người nhận lên lấy đi", cán bộ điều tra cho biết.

Phía các thanh tra giao thông, ngoài những lúc nhận "tiền tươi", họ cũng lập ra hai tài khoản ngân hàng và mượn nhiều tài khoản khác của người thân để nhận tiền bảo kê từ "cò" Cần.

Bước đầu cơ quan điều tra xác định có khoảng 60 doanh nghiệp, nhà xe chung tiền bảo kê hàng tháng cho "cò" Cần trong thời gian dài. Võ Hoàng Anh và Lý Hoàng Minh (trưởng và phó đội 3, thanh tra giao thông Cần Thơ) đã nhận hơn 3,4 tỷ đồng.

Trong đó, Cần chuyển vào tài khoản hai cán bộ này khoảng 3 tỷ đồng. Số còn lại hai cán bộ này trực tiếp đi thu riêng. Cơ quan điều tra đang làm rõ số tiền nhận bảo kê của Đoàn Vũ Duy (trưởng đội 11).

"Chính từ sự tinh vi, ma mãnh trong phương thức tổ chức, hoạt động của 'cò' Cần và các thanh tra giao thông nên cơ quan điều tra rất vất vả, mất nhiều thời gian theo dõi, mật phục mới khám phá được. Công an Cần Thơ đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án để tìm ra người cầm đầu, quyết tâm triệt xóa nạn bảo kê trên địa bàn", Vnexpress dẫn lời đại tá Trần Ngọc Hạnh, Giám đốc Công an Cần Thơ.

Trước đó, như PL&TĐ đã phản ánh, chiều 16/7, công an Cần Thơ đã bắt 4 người trong đường dây nhận và đưa hối lộ hàng tháng để bảo kê cho xe tải của hàng loạt doanh nghiệp trên địa bàn là Lý Hoàng Minh và Võ Hoàng Anh (Phó và Trưởng Đội 3 - Thanh tra giao thông TP Cần Thơ), Đoàn Vũ Duy (Trưởng đội 11) và Nguyễn Văn Cần.

Đọc thêm