Anh Lâm Việt Tùng học đại học tại Budapest, Hungary, tốt nghiệp năm 1986 và ở lại làm cộng tác viên khoa học tại Đại học Budapest (nghiên cứu về công nghệ thông tin, viễn thông). Anh đã kết hôn với một cô gái Hungary và có ba con (một con trai và hai con gái). Bây giờ các con của anh chị đã lớn và trưởng thành. “Cô dâu” người Hungary đó đã biết nấu rất thành thạo một số món ăn Việt Nam và rất yêu Việt Nam. Tôi đã được thưởng thức tài nấu ăn và món Việt Nam của chị khi được mời cơm tại nhà.
Anh và gia đình chuyển sang làm việc và sinh sống tại Hà Lan từ 1995 đến nay, anh vẫn theo ngành công nghệ thông tin và viễn thông. Anh kể lúc đầu vợ không đồng ý vì sợ đến nơi xa lạ sẽ khó sống. Nhưng rồi vì muốn để anh phát triển sự nghiệp, chị đã đồng ý theo anh sang Hà Lan và bắt đầu môi trường cuộc sống mới. Bây giờ chị đã quen và gắn bó với Hà Lan rồi.
Tại Hà Lan, anh Tùng thành lập công ty riêng về công nghệ thông tin và làm tư vấn tin học cho nhiều công ty lớn khác của thế giới có chi nhánh tại Hà Lan như : Liberty Global, Siemens, Compaq, AT&I.... Khi tôi mới sang Hà Lan công tác, anh đã đến chào và tặng tôi một bó hoa rất đẹp (đặc sản của Hà Lan) và cứ thế bắt đầu câu chuyện của hai người Việt ở trời Tây.
Mặc dù công việc và hoàn cảnh sống của anh có vẻ như rất xa Việt Nam rồi nhưng thực tế anh lại là người rất gắn bó với Việt Nam. Anh theo dõi tình hình Việt Nam rất sát và luôn có những ý tưởng làm gì để có thể giúp cho quê hương đất nước. Anh đã từng là chuyên gia tư vấn, kiến trúc sư trưởng công nghệ thông tin của Tổng công ty Mobifone tại Hà Nội và hiện vẫn là cố vấn (từ xa). Anh luôn có những quan điểm đánh giá khách quan và tích cực về những vấn đề xã hội quan tâm tại Việt Nam như giáo dục, môi trường, công nghệ...
Anh bày tỏ mong muốn làm sao Việt Nam học được cách phân luồng học sinh theo năng lực lên Đại học, Cao đẳng và học nghề như Hà Lan và phương pháp quản lý nước của họ (đây là hai lĩnh vực Hà Lan đang đứng đầu thế giới). Anh cũng bày tỏ mong muốn tham gia giúp Việt Nam làm tư vấn hệ thống quản lý dân cư và xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia. Đề nghị này đã được anh đề cập với Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo trong chuyến thăm Hà Lan tháng 11/2018.
Tại buổi gặp mặt với Việt kiều của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trong chuyến thăm Hà Lan tháng 3/2018, anh Tùng cũng đã đại diện cho giới Việt kiều tri thức tại Hà Lan bày tỏ nguyện vọng được tạo điều kiện về chính sách hơn nữa để các trí thức Việt kiều như anh có thể được cống hiến tại Việt Nam. Ý kiến của anh đã được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân rất quan tâm.
Là dân công nghệ, nhưng anh lại rất thích làm thơ. Tôi đã đọc nhiều bài thơ của anh. Hầu hết các bài thơ anh viết đều liên quan đến Việt Nam, là những nỗi nhớ quê hương, những kỷ niệm của người Việt nơi xa. Cứ tưởng rằng cuộc sống trời Tây với sự đủ đầy và choáng ngợp làm người ta có thể quên đi quãng thời gian có thể coi là “vất vả” trong cuộc đời. Nhưng thực tế lại không như vậy, họ luôn nhớ đến, nhắc đến như một sự “hoài niệm”. Mỗi dịp Tết đến Xuân về thì nỗi niềm nhớ “nhà” của người Việt xa quê lại càng khắc khoải hơn bao giờ hết. Anh đã viết bài thơ “Hẹn đến năm sau” trong tâm trạng đó. Bài thơ này đã được đăng tại báo Quê hương:
Hẹn đến năm sau
La Hay pháo nổ rền vang
Năm qua đóng cửa vội vàng ra đi
Ai xui Xuân đến làm chi
Run run cốc rượu chúc gì cho nhau
Thời gian sao quá đi mau
Ngày nào nông nổi nay đầu ngả sương
Phải chăng cái số bốn phương
Một mình đón tết mình thương một mình
Cả đời bận chữ mưu sinh
Vần thơ bỏ ngỏ một mình với thơ
Quê hương cha mẹ mong chờ
Không tiền mua vé bao giờ gặp nhau
Thôi đành hẹn đến năm sau
Con sẽ về kể từ đầu cho nghe...
Có tiếp xúc với những con người như anh Tùng, tôi mới hiểu tình cảm của những người Việt xa quê. Cho dù ở đâu, cương vị và hoàn cảnh nào thì họ vẫn luôn hướng về cội nguồn và vẫn giữ bản sắc Việt Nam.
Đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Hà Lan đến thăm gia đình anh Lâm Việt Tùng |
Cộng đồng người Việt tại Hà Lan có khoảng 20 ngàn người, đa phần đã có quốc tịch Hà Lan và thực sự hội nhập với xã hội Hà Lan. Người Việt tại Hà Lan chủ yếu kinh doanh nhỏ (mở nhà hàng) hoặc làm công cho các công ty kinh doanh sản xuất. Người Việt được chính quyền sở tại đánh giá cao đức tính cần cù chăm chỉ, tuân thủ luật pháp và hòa đồng. Bản sắc văn hóa độc đáo của cộng đồng người Việt tại Hà Lan đã làm phong phú thêm cho nền văn hóa đa sắc màu của xứ sở hoa Tulip tươi đẹp và là cầu nối giữa Việt Nam và Hà Lan. Bạn bè Hà Lan và quốc tế đã biết đến Việt Nam với “áo dài”, “nón lá” và với “phở”, “chả giò” (nem), “bánh mì”... Những đóng góp của người Việt tại Hà Lan quả không nhỏ và thật đáng trân trọng.