Hai người này từ chức sau khi chính phủ Anh thông qua nội dung và lộ trình cho việc đàm phán với EU về Brexit. Sự từ chức của họ là đỉnh điểm của cuộc giằng co giữa những luồng quan điểm trái ngược nhau ở Anh về Brexit sôi động và dai dẳng kể từ sau cuộc trưng cầu dân ý về Brexit trên đảo quốc này hồi mùa hè năm 2015: Giữa ủng hộ Brexit và phản đối Brexit cũng như giữa “Brexit mềm” và “Brexit cứng rắn”.
Brexit mềm là nước Anh tuy ra khỏi EU nhưng vẫn duy trì ràng buộc và liên kết với EU. Những gì vừa được chính phủ Anh thông qua cho Brexit là một dạng Brexit mềm này. Còn Brexit cứng rắn là nước Anh biệt lập hoàn toàn với EU và không còn bất cứ ràng buộc gì nữa vào EU. Ông Davis và ông Johnson theo quan điểm chủ trương này.
Thủ tướng Anh Theresa May lúc đầu là người không ủng hộ Brexit. Nhưng khi lên cầm quyền ở Anh, bà May buộc phải thực hiện Brexit bởi đa số dân Anh, cho dù chỉ là đa số rất mong manh, đã quyết như thế trong cuộc trưng cầu dân ý. Bà May lựa chọn Brexit mềm vì cho rằng như thế sẽ dung hoà được phe ủng hộ với phía chống đối Brexit cũng như cả quan điểm của cá nhân mình với ý nguyện của đa số cử tri. Nhưng Brexit mềm không phải là sự lựa chọn của ông Davis và ông Johnson. Việc họ từ chức vì thế trở nên không còn có thể tránh khỏi được nữa.
Từ chức thì dễ, tìm người thay thế cũng dễ. Nhưng như thế chưa thể khắc phục được tình trạng của nước Anh hiện tại luẩn quẩn giữa ở lại và ra đi giữa ra đi như thế nào và níu kéo, vớt vát đến đâu. Brexit đang có nguy cơ trở thành đống đổ nát về chính trị, xã hội và tâm lý đối với nước Anh và dân Anh.