Chuyện kỳ lạ ở bộ tộc đầm lầy

(PLO) -Tộc người Nuer là một trong những bộ tộc gần như tách biệt với thế giới bên ngoài. Những phong tục tập quán cũng như cách sống của họ cũng rất đặc biệt, trong đó không thể không nhắc đến nghi thức cưới xin kỳ lạ. 
 Những ngôi nhà trên đảo nổi của người Nuer.
Những ngôi nhà trên đảo nổi của người Nuer.

Nuer  là một nhóm dân tộc sống chủ yếu ở thung lũng Nile miền Nam Sudan. Không có nguồn gốc rõ ràng về sự ra đời của tộc người này, nhưng theo nhiều nhà nghiên cứu, tộc người này đã sống xung quanh dòng sông Nile trong nhiều thế kỷ. 

Bộ tộc sống ở đầm lầy

Nam Sudan chủ yếu có 2 tộc người là Nuer và Dinka, 2 tộc người này thường xuyên diễn ra các cuộc tranh đấu về sắc tộc. Tuy nhiên, về nguồn gốc, phong tục văn hóa, ngôn ngữ và tiếng nói thì đều giống nhau.

Người Nuer là bộ tộc duy nhất sống ở đầm lầy Sudd, được hình thành bởi nhánh sông Nile Trắng. Đây là một trong những vùng đất ngập nước rộng lớn nhất thế giới với diện tích khoảng 30.000 km2. Vào mùa mưa, đầm lầy này còn được nước bao phủ một diện tích bằng cả nước Anh với hơn 130.000 km2. 

Lãnh thổ Nuer cách Khartoum, thủ đô của Sudan khoảng 500 dặm (800 km) về phía Nam. Thiên nhiên ở đây đã ban tặng cho vùng đất này trữ lượng dầu khá lớn. Chính vì vậy mà nhiều ngôi làng đã bị xâm phạm và bị đốt cháy từ năm 1998, nhường chỗ cho các công ty dầu mỏ nước ngoài khai thác. 

Do đặc tính của vùng đầm lầy là nước nông và nhiều bùn sình, nên cói, lúa nước và cây lục bình phát triển dày đặc, trở thành nơi cư trú của nhiều loài cá sấu và hà mã. Qua nhiều giai đoạn, những thảm thực vật này phát triển mạnh và nổi hẳn lên trên mặt nước, tạo thành những hòn đảo nổi dài tới 30 km.

Người Nuer đã lợi dụng những hòn đảo nổi này để tạo dựng nhà cửa cho gia đình sinh sống. Để liên kết những ngôi nhà trên đảo nổi với nhau, người ta tạo nên những con lạch chằng chịt, kết nối với nhau thành mạng lưới khu dân cư. Chủ yếu sống ở môi trường nước nên người Nuer cũng đã sáng tạo ra phương tiện đi lại là những chiếc thuyền làm từ thân cây dài, dày nhưng rất nhỏ đủ để họ có thể đứng trên thuyền.

Gia súc là…gia tài

Phân công lao động trong một gia đình cũng rất rõ ràng và khá linh hoạt. Công việc của người phụ nữ thường diễn ra xung quanh ngôi làng của mình, chăm sóc con cái và người già trong gia đình. Người đàn ông thường sẽ phải đi làm xa hơn, chăm lo cho bầy gia súc. 

Cuộc sống của họ chủ yếu dựa vào trồng trọt, chăn nuôi, câu cá và thu thập các loại rau cỏ tự nhiên. Đặc biệt, gia súc là thứ không thể thiếu và rất được coi trọng trong cuộc sống của tộc người Nuer, bởi gia súc đại diện cho an sinh xã hội, chính trị, văn hóa, kinh tế, cũng liên quan trực tiếp đến nét văn hóa dân gian, nghi lễ tôn giáo, thiết lập mối quan hệ với các tộc láng giềng của người Nuer. 

Hầu như mọi thứ trong cuộc sống của họ đều có liên quan đến gia súc. Gia súc đối với họ không chỉ là nguồn cung cấp thực phẩm, thể hiện đẳng cấp của mỗi gia đình, mà còn là bản sắc văn hóa của người Nuer.

Ví như những cuộc xung đột mà nguyên nhân xuất phát từ gia súc, đặc biệt là những cuộc xung đột, tranh chấp những cánh đồng chăn thả giữa Nuer và Dinka cũng như các nhóm dân tộc khác.

Bên cạnh đó, nếu có hành vi phạm tội thì sẽ lấy gia súc để làm hình phạt; những nghi thức tôn giáo cũng liên quan đến gia sú, thậm chí họ còn lấy tên con bò mà họ yêu thích để gọi nhau như một cử chỉ thân thiện. 

Gia súc có vai trò quan trọng trong cuộc sống của người Nuer- Hình ảnh minh họa.

 Gia súc có vai trò quan trọng trong cuộc sống của người Nuer- Hình ảnh minh họa.

Người Nuer còn cho rằng, không được giết một con bò trừ khi việc đó là để dâng hiến cho thần linh, tổ tiên và linh hồn người chết. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, do đói kém nên việc ăn thịt trâu bò đã tăng lên đáng kể, mặc dù họ chỉ ăn sau khi chúng chết. 

Sinh hai con mới …được làm vợ

Gia súc cũng liên quan đến nghi thức cưới hỏi của tộc người Nuer. Việc hứa hôn sẽ được tiến hành khi hai bên gia đình đồng ý cho cặp đôi trẻ tiến tới hôn nhân. Gia đình nhà trai sẽ phải chuẩn bị một con bò cho nghi thức hứa hôn này, vì ở đây trâu bò không chỉ có giá trị cao nhất về kinh tế mà còn có giá trị về mặt tinh thần.

Hai bên gia đình sẽ cùng nhau tổ chức một buổi tiệc nhỏ, mà thực phẩm chính là con bò mà nhà trai mang đến, để thông báo với tổ tiên, đồng thời công bố với gia đình hai bên về hỉ sự này. Sau khi công khai hứa hôn, cặp đôi trẻ tạm thời được coi là vợ chồng. 

Con bò là sự đền bù cho gia đình họ hàng cô dâu vì mất đi một lao động, còn gia đình họ hàng nhà trai thì nhận được một người có thể sinh con đẻ cái cho mình. Tức là ở đây đã thực hiện một nguyên lý trao đổi, người ta dùng tài sản để đổi lấy năng lực (sinh con, lao động…) của cô dâu. 

Đám cưới sẽ diễn ra vô cùng linh đình, nhà trai sẽ phải mất thêm khoảng 20-40 con gia súc nữa mới được đón dâu về. Cô dâu sẽ được người thân và bạn bè tiễn về nhà chồng và khi trở thành một người vợ, cô sẽ phải cắt bỏ mái tóc của mình. 

Tuy nhiên, tổ chức xong đám cưới không có nghĩa là xong tất cả. Người phụ nữ nếu muốn trở thành thành viên chính thức trong gia đình nhà chồng phải sinh được 2 người con.

Nếu người vợ chỉ sinh được một đứa con và người chồng đòi ly dị thì anh ta có thể đòi lại số gia súc hoặc đứa con đầu tiên. Nếu như người chồng chết thì gia đình nhà chồng phải gả anh hoặc em trai chồng cho bà góa và bất cứ đứa trẻ nào được sinh ra với những người chồng tiếp theo đều được coi là con của người đã chết.

Theo văn hóa của người Nuer, họ nghiêm cấm hôn nhân có chung dòng máu. Một người đàn ông và người phụ nữ có mối quan hệ họ hàng bị cấm quan hệ tình dục hoặc kết hôn. Nếu cuộc hôn nhân diễn ra, nó sẽ được coi là loạn luân, bất hạnh và bị nguyền rủa.

Cuộc hôn nhân họ hàng chỉ được cha mẹ cho phép khi 2 bên trải qua 6 đời. Người đàn ông cũng không được phép lấy người có họ hàng với vợ, ví như chị em của vợ.

Phụ nữ cũng có thể làm chồng

Một người phụ nữ Nuer có thể cưới một phụ nữ khác làm vợ và trở thành “cha” của những đứa con do bà vợ sinh ra. Tuy nhiên, người chồng nữ này phải có nhiều trâu, bò làm sinh lễ nộp cho nhà vợ. Sính lễ nộp xong là cuộc hôn nhân hoàn thành.

Khi ấy, người chồng nữ sẽ phải tìm trong họ hàng bà con hay người bạn láng giềng của mình một người đàn ông để làm cho vợ mình thụ thai. Khi những đứa con sinh ra, người chồng nữ được xã hội thừa nhận là “cha” của những đứa con đó. Những đứa con đó đặt tên theo bà và gọi bà là cha. Khi các con gái lấy chồng, người chồng nữ được hưởng phần sính lễ.

Người chồng nữ quản lý nhà cửa, gia súc như một chủ hộ, các bà vợ của người chồng nữ cũng đối xử tôn kính bà như một người chồng. Bà có thể trừng phạt, đòi bồi thường nếu các bà vợ quan hệ với người khác giới mà không có sự đồng ý của bà. 

Tộc người Nuer cũng còn có rất nhiều nghi thức cưới xin kỳ lạ. Khi một người đàn ông chết mà không có con nối dõi, người Nuer tin rằng hồn ma này sẽ vô cùng giận dữ và sau đó sẽ phá phách những người họ hàng còn sống.

Vì thế để làm yên lòng hồn ma, một người anh em hay họ hàng sẽ “nhân danh người quá cố” để cưới một phụ nữ. Sau khi sính lễ nộp xong, người phụ nữ trở thành vợ của người chồng hồn ma, mặc dù sống như vợ chồng với người anh em hay bà con người quá cố.

Con cái của cuộc hôn nhân này được coi là con của người cha hồn ma, đặt tên theo tên người cha hồn ma. Nhờ vậy, tên tuổi của người quá cố sẽ được lưu truyền mãi trong dòng họ…/.