Tiềm năng thu hút đầu tư là lợi thế của Việt Nam trong cuộc đua thương trường

(PLO) -Trong bài viết có tiêu đề “Việt Nam đang ngày càng hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có lĩnh vực công nghệ”, Los Angeles Times đưa ra những con số và nhận định đầy lạc quan về tiềm năng thu hút đầu tư nước ngoài của nước ta, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ.
Múa rồng tại lễ khai trương nhà máy của Intel tại Việt Nam.
Múa rồng tại lễ khai trương nhà máy của Intel tại Việt Nam.

Cuộc “đổ bộ” của người Mỹ

Tại đất nước Đông Nam Á nơi có hàng triệu người vẫn đang sống với mức thu nhập khoảng 2 USD/ngày từ các cánh đồng lúa hay từ việc đơm những chiếc cúc trên những chiếc áo sơ mi này, hãng sản xuất chíp Intel ở Thung lũng Silicon 1 thập kỷ trước đã khiến nhiều người sửng sốt khi mở một nhà máy sản xuất thiết bị bán dẫn ở đây - thương vụ đầu tư lớn nhất của người Mỹ tại Việt Nam tính đến thời điểm đó.

Còn hiện nay, ban giám đốc của Công ty Santa Clara cho biết, nhà máy sản xuất, thử nghiệm và lắp ráp trị giá 1,04  tỉ USD của công ty đang dần đi vào hoạt động.

Những sản phẩm này sẽ bổ sung vào danh sách các sản phẩm phức tạp đang được các công ty của Mỹ sản xuất ở Việt Nam, như các đơn vị xử lý trung tâm và các hệ thống trên những con chip, đồng thời đưa đến việc có khoảng 1.100 nhân viên người Việt Nam được các công ty của Mỹ cử sang các bang như Oregon để tham gia các khóa đào tạo.

 “Việt Nam đặt công nghệ ở vị trí trung tâm của các mục tiêu phát triển và tăng trưởng. Chúng tôi nhận thấy các cơ sở của chúng tôi và hệ sinh thái công nghệ rộng lớn hơn tại Việt Nam liên tục tăng lên trong chuỗi giá trị” – ông Sherry Boger, Tổng giám đốc Intel Vietnam, cho biết.

Việt Nam là 1 trong 12 nước tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), một thỏa thuận thương mại tự do mang tính chất bước ngoặt với 12 nước tham gia với các cuộc đàm phán kết thúc hồi năm ngoái. Hiệp định này sẽ tạo điều kiện để nhiều mặt hàng không bị đánh thuế của Việt Nam được đưa tới các nước chiếm 2/3 thương mại toàn cầu. 

Bước đầu, Hiệp định này sẽ có tác động thúc đẩy lớn nhất tới hoạt động xuất khẩu hàng may mặc và giày dép của Việt Nam. Nhưng Hiệp định thương mại do Mỹ dẫn đầu này cũng sẽ giúp Việt Nam thu hút thêm đầu tư công nghệ cao và sẽ thúc đẩy vai trò của nước này trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Trung Quốc và các đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam ở khu vực Đông Nam Á đều không tham gia hiệp định này và Viện kinh tế quốc tế Peterson dự báo trong số tất cả các nước tham gia TPP, Việt Nam sẽ là nước được hưởng lợi nhất.

Việt Nam đã mở cửa cho các nhà đầu tư vào năm 1987 và chỉ trong vài năm đã trở thành lựa chọn thay thế cho Trung Quốc của các công ty đang tìm cách đưa các công xưởng sản xuất cơ bản ra đặt tại nước ngoài.

Tăng trưởng kinh tế đang chậm lại của Trung Quốc từ năm 2011 đến nay và việc Bắc Kinh thay đổi chiến lược khỏi hoạt động sản xuất hàng xuất khẩu giá trị thấp đã tăng lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong hoạt động sản xuất các phụ tùng ô tô, đồ gỗ và may mặc.

Lợi thế về lao động

Công ty tư vấn kinh doanh Infocus có trụ sở tại thành phố Hồ Chí Minh ước tính chi phí lao động ở Việt Nam thấp hơn khoảng 20% so với Trung Quốc. Đường biên giới dài 800 dặm với Trung Quốc khiến việc nhập các nguyên liệu thô và vật tư cho các nhà máy trở nên tương đối rẻ. Tổng giá trị sản xuất chiếm khoảng 17% nền kinh tế của Việt Nam trong năm 2014.

Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs dự báo nền kinh tế của Việt Nam, hiện là nền kinh tế lớn thứ 55 trên thế giới, sẽ vươn lên vị trí thứ 17 vào năm 2025, với tổng sản phẩm quốc nội khi đó ước đạt khoảng 450 tỉ USD, tăng mạnh so với con số 186 tỉ USD ở thời điểm cuối năm 2015.

Nền kinh tế của Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng 6% trong năm 2014 và tiếp tục mở rộng trong năm 2015. Kể từ khi Việt Nam mở cửa nền kinh tế đối với đầu tư nước ngoài, tốc độ tăng trưởng của nước này thường đạt khoảng từ 5 đến 10% mỗi năm. 

“Việt Nam là một trong số những điểm đến cạnh tranh đối với hoạt động đầu tư nước ngoài trong khu vực. Vì vậy, câu hỏi đặt ra làm thế nào họ có thể tận dụng được lợi thế đó ở mức tối đa” – ông Sandeep Mahajan, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng thế giới tại Việt Nam, nhận định.

Bên cạnh việc tham gia TPP, Việt Nam dự kiến cũng sẽ ký một thỏa thuận tự do thương mại khác với Liên minh châu Âu vào năm 2018 – một hiệp định sẽ giảm các loại thuế đánh vào nhiều mặt hàng của Việt Nam xuất sang thị trường xuất khẩu lớn của nước này.

Và để thu hút đầu tư nước ngoài, giới chức Việt Nam cũng đang hoàn tất các quy định để các nhà đầu tư nước ngoài có thể hoàn toàn sở hữu các công ty riêng được niêm yết tại Việt Nam.

Các quản lý các quỹ nước ngoài cũng đã tỏ ra háo hức khi hiện nay có đến 1 nửa trong 50 công ty hàng đầu của Việt Nam về vốn thị trường đã đạt giới hạn 49% sở hữu nước ngoài. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu quan tâm đến Việt Nam từ năm 2013, khi thị trường chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh đã tăng 20% trong suốt năm. 

“Tôi đã nói chuyện với rất nhiều người và họ đều khá lạc quan vì ngay khi các nhà đầu tư có thể mua đa số cổ phiếu thì giá trị cổ phiếu sẽ tăng lên và anh có thể kiếm tiền từ đó” – anh Phạm Lưu Hùng, Phó giám đốc cố vấn đầu tư tại công ty SSI Research ở Hà Nội, cho biết. Công ty chứng khoán Sài Gòn – công ty mẹ của công ty anh Hùng là – đã tuyên bố chính thức mở cửa với phần lớn các nhà đầu tư nước ngoài.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài – vốn do Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc dẫn đầu – chiếm gần 1/5 GDP của Việt Nam. Công ty sản xuất vải công nghệ cao Singtex của Đài Loan là một trong những công ty đang đổ nhiều tiền vào Việt Nam. Tháng 11/2014, công ty này đã mở một nhà máy ơ gần thành phố Hồ Chí Minh và thuê hơn 400 công nhân vào làm việc.

Chủ tịch Singtex Jason Chen nói rằng chi phí lao động thấp là một phần nguyên nhân đưa đến quyết định nói trên. Bên cạnh đó còn có sự thúc đẩy từ kỳ vọng TPP có thể giúp đẩy mạnh việc tiêu thụ sản phẩm của công ty. Singtex chuyên sản xuất các loại vải hiệu suất cao được các công ty như Nike và Timberland sử dụng. 

“TPP chỉ là một lý do để đến Việt Nam. Chúng tôi có quan hệ rất tốt với người Việt Nam; trong suốt 9 năm qua chúng tôi đã làm việc ở công ty của chúng tôi tại đây nên chúng tôi đã học và hiểu được văn hóa doanh nghiệp ở đây. Họ có thể về nhà và quản lý được mọi thứ nên chúng tôi không phải lo lắng quá nhiều” – ông Chen, một quản lý tại trụ ở công ty Singtex ở Đài Loan, cho biết. 

Tuy nhiên, hoạt động sản xuất một số hàng hóa cơ bản, đặc biệt là hàng may mặc, đang chuyển từ Việt Nam sang Campuchia và Myanmar, nơi lao động thậm chí còn rẻ hơn.

Do đó, Việt Nam đang tìm cách vượt lên trên các nước láng giềng và thu hút nhiều công ty sản xuất công nghệ cao hơn với việc nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông vận tải với viện trợ phát triển từ Nhật Bản. 

Việc thiếu các công nhân lành nghề là vấn đề thiếu hụt chính của Việt Nam. Việt Nam có khoảng 90 triệu người nhưng chỉ có khoảng 3% trong số đó tốt nghiệp từ 400 trường đại học và cao đẳng của nước này.

Công ty tư vấn nhân sự ManpowerGroup trong một báo cáo nghiên cứu cho biết nhiều cơ sở giáo dục trong khi đó cũng thiếu giáo viên giảng dạy các môn học mà các nhà đầu tư nước ngoài muốn nhân viên được học. 

Trong bối cảnh đó, Intel đã giúp khởi động một chương trình nhằm cải thiện các chương trình đào tạo kỹ sư ở trình độ đại học tại các cơ sở giáo dục của Việt Nam. Và công ty này đã cử 73 trong số các công nhân người Việt Nam tới theo học 2 năm tại trường Đại học Portland ở Oregon.

“Ngay từ đầu chúng tôi đã hiểu rằng cần phải xây dựng năng lực trong việc phát triển kỹ năng. Các học sinh người Việt Nam tốt nghiệp đại học và sau đại học đang tiến bộ tốt. Chúng tôi mới đang ở giai đoạn đầu của hoạt động đầu tư” – ông Boger, Giám đốc Intel, cho biết./.

Đọc thêm