17 dụng cụ bắt voi rừng
Với những nguyên vật liệu sẵn có từ núi rừng, qua nhiều đời tích lũy, đồng bào Mnông đã cho ra đời những dụng cụ phục vụ cho nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng hết sức hiệu quả. Nếu tính đầy đủ, người Mnông có đến 17 dụng cụ khác nhau như dây buộc voi bằng da trâu (brăt bung), dùi móc điều khiển con voi (kreo), tù và (h’nung), còng khoá chân voi (brớt bung), cái thúc voi chạy (kuc), roi đánh voi (mâng rplei), quàng cổ mây (đam), dây xích chân voi (nglêng), dùi xỏ lổ tai voi (pon toc), bành voi (vơng), chiếc lục lạc đeo cổ voi (mang), vỏ cây đập dập để lót lưng voi trước khi đặt bành (dur), sừng min dùng để múc nước (ke kun)... Các dụng cụ đều được phối hợp sử dụng một cách nhịp nhàng, ăn ý, hỗ trợ nhau tạo ra hiệu quả cao cho người thợ săn.
Trong các dụng cụ trên, dây “brăt bung” là quan trọng nhất, nó được chuẩn bị từ vài năm trước khi đi săn voi rừng. Mỗi khi “ăn trâu”, người Mnông lại để dành lại bộ da. Người ta dùng con dao thật bén để cắt vòng quanh miếng da trâu, biến nó thành một sợi dây dài 50-80m. Sợi dây da trâu được căng ra cho thẳng và xe xuay về một bên theo chiều tay phải.
Khi da trâu đã được xe tròn, người ta kéo căng ra phơi nắng cho thật khô rồi để dành. Đợi đến khi nào tích luỹ đủ được từ bốn sợi, người ta sẽ xe chung thành một sợi thật chắc chắn. Sợi dây da trâu dùng để buộc voi nhà vào gốc cây để chăn giữ. Lúc vào rừng săn voi, sợi dây được khoanh tròn đặt trên lưng voi nhà, ngay sau lưng thợ săn voi. Cuộn dây được nối với dây tròng dùng để bắt voi con.
Khi phát hiện voi rừng, nài voi nằm sát xuống lưng voi, tay nắm chắc dây chằng, nhanh chóng tiếp cận đàn voi. Các con voi rừng to chạy loạn, voi con chạy theo không kịp nên bị lạc đàn, bị voi thợ chặn lại. Ngay lúc ấy, thợ săn nhanh tay quăng dây bung xuống đất, chờ khi nào voi con đạp chân sau vào vòng dây bung thì giật mạnh, voi con sẽ bị buộc chặt nơi chân sau. Nhờ sợi dây dài nên voi rừng càng chạy càng bị vướng và tự trói mình vào những gốc cây sau khi bị đuổi bắt kiệt sức. Voi con vừa bắt được dẫn về làng để thuần dưỡng.
Một dụng cụ không kém phần quan trọng nữa là dùi móc điều khiển voi (kreo). Cái dùi móc được rèn bằng sắt có hai đầu nhọn: Một mũi nhọn thẳng đứng dùng để đâm và một mũi nhọn cong xuống dùng để móc. Khi đi săn trong rừng, người điều khiển voi luôn luôn cầm dùi trong tay ngay cả lúc đi tắm, đi ngủ. Chiếc dùi móc thể hiện uy lực của con người đối với con voi, thể hiện sự khôn khéo của nài voi trong việc dạy bảo, thuần dưỡng để các con voi hung dữ trở nên hiền lành... Do đó, nó như là vũ khí bất ly thân của người nài.
Một dụng cụ khác cũng khá đặc biệt, đó là chiếc sừng min (bò rừng) chuyên dùng để múc nước uống. Nó được làm từ chiếc sừng của con min, ngắn hơn sừng trâu rất nhiều. Trên miệng sừng được nối bằng một sợi dây dài khoảng 3 mét. Khi thợ săn truy đuổi voi rừng phải vượt qua nhiều sông, suối, rừng cây đầy gian nan, vất vả và nguy hiểm, người thợ săn rất mệt mỏi và khát nước. Để đảm bảo tốc độ, bám sát kịp mục tiêu, mỗi khi gặp sông suối, vũng nước nào đó, người thợ săn không thể dừng lại lấy nước mà chỉ cần túm một đầu dây tung ra trúng chỗ có nguồn nước rồi kéo lên, như thế mới có nước uống.
Chứng tích rừng thiêng
Dụng cụ săn bắt voi là tài sản quí giá của mỗi gia đình, được cất giữ cẩn thận và luôn tu bổ, sắm sửa thêm sau mỗi mùa săn voi. Đồng bào Mnông thường tiến hành các lễ nghi cúng các công cụ mỗi sử dụng để cầu mong sự phù hộ của thần linh trong chinh phục các con voi hoang dã.
Sừng bò rừng dùng để múc nước |
Ngày nay, nghề săn voi rừng không còn nữa, đồng bào chỉ sản xuất và sử dụng những công cụ chăn nuôi, thuần dưỡng voi nhà. Dây bắt voi, tù và, dùi móc... và những dụng cụ khác nói lên chứng tích, kể lại câu chuyện của các “gru” săn voi một đời găn bó với rừng thiêng làm nên những huyền thoại, truyền thuyết Tây Nguyên.
Những chủ voi ở Buôn Đôn đều sở hữu bộ dụng cụ thể hiện nghề săn bắt voi “cha truyền con nối”. Ama Kông, vua săn voi nổi tiếng khi rời bỏ nghề cũng đã trao lại bộ dụng cụ săn bắt voi rừng cho con trai là Khăm Phết Lào. Người con trai này đã trưng bày nó tại nơi trang trọng nhất của gia đình như kỷ vật và hiện vật bảo tàng về “vua voi” Ama Kông.
Khách hàng đến Buôn Kô Tam, xã Ea Tu, thành phố Buôn Ma Thuột mua “thuốc gia truyền” Ama Kông được ngắm lại những dụng cụ săn bắt và thuần dưỡng voi rừng. Một trong số dụng cụ đó được kế thừa từ “vua voi” nổi tiếng Khunjunốp hoặc do chính Ama Kông làm ra, sử dụng nó trong suốt cả cuộc đời lững lẫy của mình, với thành tích bắt được gần 300 con voi rừng.
Trong những năm gần đây, các bảo lớn trong nước như Bảo tàng Dân tộc học, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam và các bảo tàng địa phương như Bảo tàng Dăk Lăk, Bảo tàng Dăk Nông cũng sưu tầm và trưng bày bộ sưu tập dụng cụ săn bắt và thuần dưỡng voi rừng. Điều này đầy đủ nói lên giá trị của bộ sưu tập, bởi nó giữ lại cho đời sau hình ảnh độc đáo của cư dân và quê hương có nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng.
Một số khu du lịch ở Buôn Đôn cũng mua lại của dân bộ dụng cụ săn bắt voi để trưng bày tại nhà dài giới thiệu khách tham quan. Dụng cụ săn voi còn được những tay sưu tầm đồ cổ săn tìm để làm phong phú cho bộ sưu tập hiện vật của riêng mình.
Tấn Vịnh