Chuyện lạ ở Bộ Y tế: Vụ trưởng 'to hơn' Thứ trưởng?

(PLVN) - Mặc dù Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường đã chỉ đạo phải khẩn trương hoàn thành Thông tư về Sữa học đường (SHĐ) nhưng mới đây, ông Nguyễn Đức Vinh - Vụ trưởng Vụ Sức khoẻ Bà mẹ - Trẻ em khi trả lời báo chí lại đưa ra nhiều lý do nhằm bao biện cho việc chậm trễ ban hành Thông tư trên.
Ông Nguyễn Đức Vinh, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ -Trẻ em (Bộ Y tế)
Ông Nguyễn Đức Vinh, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ -Trẻ em (Bộ Y tế)

Bộ trưởng, Thứ trưởng cùng chỉ đạo

Ngày 26/11/2018, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã ký Quyết định số 7091/QĐ-BYT về việc “Ban hành kế hoạch hoạt động triển khai thực hiện Quyết định số 1340/QĐ – TTg ngày 8/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020”.

Quyết định này nêu rõ: Đến tháng 12/2018, Viện Dinh dưỡng phối hợp với Vụ Sức khoẻ Bà mẹ - Trẻ em,  Cục An toàn thực phẩm xây dựng định mức quy định sữa phù hợp với lứa tuổi nhằm đáp ứng các chỉ tiêu của Chương trình Sữa học đường.

Tuy nhiên, cho đến tận tháng  6/2019, Bộ Y tế vẫn chưa ban hành được Thông tư này. Tình hình càng trở nên “nóng” hơn khi trước đó, đã có rất nhiều thông tin khác nhau về SHĐ gây hoang mang cho giáo viên, phụ huynh, học sinh, hơn nữa năm học 2019 – 2020 đã cận kề, các địa phương đang mòn mỏi" chờ Thông tư về SHĐ để có hành lang pháp lý để triển khai.

Bởi, trong Quyết định 1340 của Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2016 về Sữa học đường cũng yêu cầu bổ sung vi chất vào Sữa học đường. Việc này giao cho Bộ Y tế xây dựng quy định. Đến nay, sau hơn 3 năm, Bộ này vẫn “không chịu ban hành”.

Hệ quả là các địa phương loay hoay, không biết làm thế nào cho đúng? Sở Giáo dục – Đào tạo Hà Nội làm theo Quyết định 1340 của Thủ tướng thì bị quy kết là “sai phạm”, cho “học sinh uống thực phẩm chức năng”, “tự ý pha 14 vi chất vào Sữa học đường”... Song, nếu không bổ sung vi chất vào SHĐ thì vi phạm Quyết định 1340 của Thủ tướng.

Do đó, ngày 18/6/2019, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường đã chủ trì cuộc họp góp ý Dự thảo Thông tư. Tại cuộc họp này, các Cục, Vụ, Viện có liên quan của Bộ Y tế cùng với các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh sữa đã thống nhất và có sự đồng thuận cao về các loại sữa tươi sử dụng trong Chương trình Sữa học đường và 21 vi chất dinh dưỡng bắt buộc bổ sung.

 

Trên cơ sở đó, ngày 27/6/2019, Bộ Y tế đã ban hành Thông báo số 690/TB-BYT thông báo Kết luận của Thứ trưởng Trương Quốc Cường với các nội dung chính như sau:

Về các loại sữa tươi tham gia Chương trình Sữa học đường: Gồm hai (02) loại là Sữa tươi nguyên chất tiệt trùng và Sữa tươi tiệt trùng.

Về các vi chất dinh dưỡng: Để đảm bảo thực hiện bốn (04) chỉ tiêu của Quyết định 1340/QĐ-TTg, bắt buộc đưa nhiều vi chất dinh dưỡng vào các sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường (Theo Dự thảo điều chỉnh bắt buộc bổ sung 21 vi chất dinh dưỡng).

Giao Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em làm đầu mối phối hợp Cục An toàn Thực phẩm, Viện Dinh dưỡng và Vụ Pháp chế tiếp tục hoàn chỉnh Dự thảo Thông tư.

Quán triệt Kết luận của Thứ trưởng Trương Quốc Cường, đến ngày 10/7/2019, Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em đã gửi Công văn số 3963/BYT-BMTE v/v góp ý Dự thảo Thông tư (đề Hỏa tốc) gửi cho các các đơn vị đề nghị cho ý kiến đóng góp Dự thảo Thông tư nêu trên trước ngày 12/7/2019.

Trước đó, ngày 3/7/2019, Viện Dinh Dưỡng đã có công văn số 363/VCDD-VĐ gửi Vụ Sức khoẻ Bà mẹ  - Trẻ em về việc đề xuất các loại vi chất dinh dưỡng và hàm lượng trong các sản phẩm sữa tươi phục vụ chương trình SHĐ.

Theo đó, Viện Dinh dưỡng đề xuất 21 loại vi chất dinh dưỡng và hàm lượng trong các sản phẩm sữa tươi phục vụ chương trình SHĐ (đã được thống nhất theo tinh thần cuộc họp do Thứ trưởng Trương Quốc Cường chủ trì vào ngày 18/6/2019).

Cũng cần nói thêm, sau khi có kết luận của Thứ trưởng về cuộc họp, Bộ Y tế tiếp tục ban hành Dự thảo 9.7 Thông tư quy định đối với sản phẩm sữa tươi phục vụ chương trình SHĐ.

Tuy nhiên, đến nay, Thông tư về SHĐ vẫn trong tình trạng “bóng chim tăm cá”!

Ngày 2/8/2019, Hiệp hội Sữa Việt Nam đã có công văn gửi Bộ Y tế về vấn đề này. Trên cơ sở kiến nghị của các thành viên, Hiệp hội Sữa Việt Nam kiến nghị Bộ Y tế:

Theo yêu cầu của Vụ Sức khoé Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế tại Công văn  số 3963/BYT-BMTE ngày 10/7/2019 về việc góp ý Dự thảo Thông tư quy định đối với các sản phẩm sữa tươi phục vụ chương trình SHĐ (hoả tốc) đã gửi đến các doanh nghiệp thành viên Hiệp hội để đề nghị cho ý kiến đóng góp Dự thảo Thông tư trước ngày 12/7/2019. Hầu hết các thành viên Hiệp hội Sữa được xin ý kiến đã đóng góp đúng thời gian quy định tại công văn số 3963/BYT – BMTE.

Tuy nhiên, đến nay, thời gian lấy ý kiến cuối cùng về Dự thảo Thông tư đã kết thúc nhưng cơ quan biên soạn vẫn chưa chính thức ban hành Thông tư. Trong khi năm học mới 2019 – 2020 lại sắp đến, việc triển khai Chương trình SHĐ tại các địa phương sẽ thuận lợi nếu Thông tư nói trên được ban hành vì đây là một trong những căn cứ pháp lý để các doanh nghiệp, địa phương triển khai các gói thầu.

Hiệp hội Sữa Việt Nam đề nghị Bộ Y tế nhanh chóng hoàn tất các thủ tục để ban hành chính thức “Thông tư quy định đối với các sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020” trong thời gian sớm nhất để các địa phương và doanh nghiệp triển khai hiệu quả Chương trình Sữa học đường

Những phát ngôn thiếu thuyết phục của ông Nguyễn Đức Vinh

Như đã nêu ở trên, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến và Thứ trưởng Trương Quốc Cường đã có những chỉ đạo rất cụ thể về nhiệm vụ, thời hạn hoàn thành việc ban hành Thông tư về SHĐ.

Vậy nhưng, tại buổi họp báo ngày 15/8/2019, trả lời báo chí, ông Nguyễn Đức Vinh – Vụ trưởng Vụ Sức khoẻ Bà mẹ - Trẻ em cho hay: Bộ Y tế sẽ quyết định việc bổ sung các loại vi chất vào sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường một cách công khai, minh bạch trên cơ sở ý kiến của các nhà khoa học, đại diện các doanh nghiệp và cơ quan quản lý.

Vậy, câu hỏi đặt ra là đến khi nào Bộ Y tế “sẽ quyết định”? Tháng sau, năm sau, hay nhiều năm sau nữa?

Trong khi Viện Dinh dưỡng đã làm xong đề nghị về các quy định bổ sung vi chất thì Vụ Sức khoẻ Bà mẹ -  Trẻ em đã làm gì, đã thực thi nghiêm túc chỉ đạo của Bộ trưởng, Thứ trưởng chưa?

Ông Nguyễn Đức Vình còn khẳng định rằng Chương trình Sữa học đường lâu nay vẫn làm theo Quyết định 5450 của Bộ Y tế. Vậy ông Nguyễn Đức Vinh có còn nhớ Quyết định 5450 là quy định tạm thời và chính trong Quyết định 5450 cũng nêu: “Viện Dinh Dưỡng chủ trì, phối hợp với Cục An toàn thực phẩm và các đơn vị liên quan tiến hành nghiên cứu, tổng hợp nhu cầu vitamin, khoáng chất ở trẻ Việt Nam và quy định của quốc tế, đề xuất bổ sung vào sữa dùng cho Chương trình Sữa học đường phù hợp với các nhóm đối tượng trẻ em mẫu giáo, tiểu học, để đáp ứng được Mục tiêu và Chỉ tiêu của Chương trình Sữa học đường đến năm 2020. Báo cáo Bộ Y tế trước ngày 30 tháng 6 năm 2017.”

Vừa qua, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội triển khai chương trình SHĐ theo Quyết định 1340, trong đó có việc bổ sung 14 vi chất dinh dưỡng vào SHĐ để góp phần hoàn thành 4 mục tiêu về dinh dưỡng đã được đề cập trong quyết định 1340 của TTg. Ngay lập tức, việc làm này đã bị quy kết là cho học sinh “uống thực phẩm chức năng”, là “sai phạm nghiêm trọng”, “dùng học sinh làm thí nghiệm”… Vì vậy, đã có sự e ngại khi bắt tay triển khai SHĐ ở nhiều tỉnh, thành.

Việc chậm trễ của Bộ Y tế đã làm cả 1 Chương trình chăm lo cho trẻ em của Chính phủ. Năm học mới đã cận kề, Quyết định 1340 hết thời hạn mà đến nay chỉ mới có 15 địa phương trên cả nước triển khai SHĐ”.

Thông tư về Sữa học đường ban hành chậm là do đâu ? vì lý do gì, vướng mắc gì, Bộ Y tế có làm được không? Đó chính là câu hỏi nhức nhối! Việc ban hành Thông tư về SHĐ khó khăn lắm sao hay nó đang vướng vào “ma trận pháp lý” do thế lực nào đó cố tình dựng lên?

Vì lý do gì mà cho đến nay, đã hơn một năm từ khi có “lệnh” của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến – các cơ quan chức năng ở Bộ Y tế vẫn chưa thống nhất được dùng những vi chất dinh dưỡng nào trong SHĐ? Nếu Bộ Y tế không thể lựa chọn được thì có lẽ nên kiến nghị thành lập Hội đồng tư vấn Quốc gia hoặc thuê chuyên gia nước ngoài chứ không nên tiếp tục chậm trễ, kéo dài…

Xét về Luật công chức, việc chậm trễ ban hành Thông tư về SHĐ là không hoàn thành nhiệm vụ. Xét về công tác cán bộ, việc này là có lỗi với Đảng, với Bộ Y tế, với Chính phủ, với nhân dân, với thế hệ tương lai của đất nước.

Người dân có quyền tố cáo sự tắc trách, không hoàn thành nhiệm vụ này.

Thiết nghĩ, mệnh lệnh hành chính của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường phải được thực thi chứ không phải là “nắm đấm vào giữa không khí”!

Đọc thêm