Theo các bậc cao niên ở đây, người Đại Đồng (huyện Thạch Thất, Hà Nội) rất trọng vai trò của các thành viên bên họ ngoại (thường gọi “bên ngoại”) trong tất cả mọi công việc của gia đình, điển hình là việc hiếu, hỷ.
Bà Nguyễn Thị Hồng Mạc (70 tuổi) cho biết, theo quan niệm xưa, người con gái xuất giá theo chồng phải an phận ở nhà chồng. Trong công việc gia đình cũng chủ yếu do người chồng và gia đình chồng quyết định. Bên nhà vợ có tham gia chỉ mang tính chất “khách”, ít khi đứng ra lo liệu.
Nhưng ở Đại Đồng thì ngược lại, vai trò của nhà ngoại hết sức được coi trọng. Đặc biệt trong đám cưới, bữa cỗ chỉ bắt đầu khi anh chị em, họ hàng phía bên ngoại của cô dâu, chú rể có mặt đầy đủ. Nếu những người anh em trai của mẹ cô dâu, chú rể chưa tới, khách khứa phải ngồi đợi.
“Ở xã Đại Đồng, anh hay em trai của mẹ đều được gọi là cậu. Người cậu cả đóng vai trò rất quan trọng, là người đứng lên nói lời mời, mọi người mới được ăn cỗ cưới. Các người cậu sẽ được ngồi ở gian giữa cùng mâm với các cụ cao niên.
Nhà có nhiều cậu thì người cậu cả sẽ được ngồi ở mâm cỗ gần bàn thờ gia tiên, là một cách thể hiện quyền uy, vị trí quan trọng của họ trong đám cưới. Các cậu kế tiếp lần lượt ngồi ở các mâm xung quanh”, bà Mạc cho biết.
Trong đám tang cũng thế. “Khi những người cậu bên ngoại có mặt đầy đủ, người chết mới được cho vào quan tài để làm lễ khâm niệm. Người nào vắng mặt phải có lý do chính đáng để người trong đám tang biết đường mà lo liệu”, vẫn lời bà Mạc.
Chính từ quan niệm trên mà nhiều chuyện hài hước đã xảy ra ở Đại Đồng. Một cao niên trong xã là cụ Bảy (85 tuổi) vẫn chưa thể quên đám cỗ gần chục năm trước tại nhà một người quen ở thôn Hương Lam trong xã.
Đó là đám cưới con gái một nhà giàu nức tiếng trong thôn. Do cha mẹ cô dâu làm ăn kinh doanh nên khách khứa tới dự lễ cưới rất đông. Ngặt nỗi mẹ đẻ cô dâu ở địa phương khác, đường xá xa xôi…
“Khách tới rất đông, cỗ bàn dọn ra chỉ chờ người cậu kia đến là bắt đầu. Nhưng chờ đợi đến gần 10h trưa mà chưa thấy người cậu đâu. Mẹ cô dâu phải gọi điện hỏi mới tá hỏa khi người cậu cho biết xe hỏng đang phải sửa, chưa đến đám cưới được. Điện thoại thì hết tiền không gọi được”, cụ Bẩy cười kể.
Để tránh cho mọi người chờ đợi thêm, bố mẹ cô dâu đã nghĩ ra cách áp điện thoại vào loa để người cậu kia “phát lệnh” ăn cỗ qua điện thoại.
“Vừa ăn cỗ mọi người vừa bàn tán sôi nổi về chuyện hài hước đó. Trước đó ít phút có thể họ thấykhó chịu vì phải ngồi chờ lâu, nhưng sau ai nấy đều vui vẻ trò chuyện rôm rả”, ông cụ kể.
Đường vào làng Đại Đồng. |
Tuy vậy, nhiều trường hợp người bên ngoại ở địa phương khác đã một mực không “tuân theo” tập tục này. Như một gia đình ở xóm Chùa có ngôi nhà ở mặt đường to, khi mắc rạp đám cưới đã lấn chiếm hẳn một bên đường. Trong nhà do khuôn viên chật hẹp chỉ kê được một mâm cỗ. Khi được mời vào mâm đó cùng các cụ cao tuổi, người cậu nhất định từ chối.
“Cậu này sống ở nước ngoài nhiều năm, không hiểu được tục lệ. Hơn nữa, cậu ấy mới ngoài 20 tuổi. Đến đám cưới, cậu ngồi vào bàn cỗ ngay cửa cùng những thanh niên trạc tuổi. Cho rằng việc ngồi cùng các cụ cao niên, có vai vế trong làng, trong họ là khập khiễng, cậu này một mực từ chối. Người nhà năm lần bảy lượt ra mời, lôi kéo cho đến khi cậu chịu ngồi đúng vị trí đã được sắp xếp”, cụ Bảy móm mém kể.
Trưởng xóm Chùa, ông Kiều Cao Tuấn, cho biết, quan niệm coi trọng bên ngoại có từ thời cha ông và đến nay vẫn được người dân địa phương duy trì. Ngày nay, trong các đám hiếu hỷ, việc người thân bên ngoại phải có mặt đầy đủ không còn là vấn đề quá quan trọng vì người dân đều thông cảm điều kiện địa lý, đi lại.
Nhưng sự hiện diện của người cậu vẫn phải được thực hiện. Trong trường hợp người mẹ không có anh em trai thì anh em họ có thể thay thế.
“Mỗi địa phương có phong tục, tập quán riêng. Tập tục trên của địa phương tôi cũng xuất phát từ việc tôn trọng vị trí của những người bên ngoại và rất có ý nghĩa đối với các gia đình ở xã Đại Đồng”, ông trưởng xóm chia sẻ./.