Chuyện nghề của ông giáo làng thất tình bén duyên với nghệ thuật

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Chuyên trị những vai phản diện trong các vở kịch nổi tiếng, nghệ sĩ Tấn Thi lần đầu hé lộ nhiều câu chuyện “dở khóc dở cười” khi theo nghề diễn.

Nghệ sĩ Tấn Thi từng tốt nghiệp Đại học Sư phạm Cần Thơ và trở thành “thầy giáo làng”, dạy học tại Tiền Giang từ năm 1972 đến năm 1975. Sau giải phóng miền Nam, ông đoàn tụ với gia đình tại TP HCM, giữ chức vụ Phó phòng Giáo dục rồi cất nhắc làm Trưởng đoàn Văn công.

“Lúc đó, tôi 26 tuổi, có quen một cô giáo và cũng đã hứa hẹn, trao chút lễ vật. Nhưng sau khi tôi được cử đi học văn nghệ mấy tháng trời, thì cô người yêu ở nhà đem lễ vật đến trả rồi đi lấy người khác. Chắc cô ấy thấy tôi mê văn nghệ quá, tương lai chắc không bền nên cắt đứt. Tôi thất tình buồn quá nên đi xem kịch vở ‘Chuông đồng hồ điện Kremlin’ rồi bị hút hồn từ đó. Cái buồn thất tình bay đâu mất tiêu, cắm đầu theo nghệ thuật lúc nào không hay.” - nghệ sĩ Tấn Thi kể.

Sau đó, ông được thầy Can Trường động viên theo đoàn nghệ thuật, nên đã thi và trở thành lứa học viên đầu tiên của khóa đào tạo đặc biệt duy nhất của Đoàn Kịch nói Nam Bộ cùng với NSND Kim Xuân, NSƯT Minh Hạnh, Hồng Dung - Phó Chủ tịch Hội Sân khấu...

Nhưng thời điểm đó, Tấn Thi tự ti về ngoại hình “ốm nhom ốm nhách, ta nói xấu mà nhìn chán, tự soi gương mà thấy chán mặt mình” nên chỉ ngồi nhắc tuồng và mê sáng tác, chứ chưa từng dám mơ ước làm diễn viên, được lên sân khấu.

“Tôi làm nhắc tuồng cho vở kịch ‘Bông hồng trắng’ do anh Văn Thành và anh Lê Duy Hạnh hợp tác viết, nói về Sài Gòn và miền Nam sau giải phóng. Bất ngờ thiếu vai trưởng ban an ninh sinh viên hoạt động nội thành, nên thầy Can Trường gọi tôi lên thử vai. Tôi run rẩy đọc kịch bản nhưng lại rất đúng ý thầy nên tôi nhập vai lúc nào không hay.

Đến ngày diễn tôi còn không tin đó là sự thật. Hôm đó, tôi đưa ba đi coi, ông ấy sướng lắm. Lần đầu tiên ông thấy con trai của mình được hoá trang, được đứng trên sân khấu. Từ trong cánh gà tôi run lắm, nhưng khi bước ra, thoại câu đầu tiên xong là dính luôn nghiệp diễn viên đến giờ.” - nghệ sĩ Tấn Thi hào sảng kể về vai diễn đầu tiên.

Nghệ sĩ Tấn Thi được yêu thích với các vai diễn nông dân trên sân khấu và màn ảnh. Ảnh: MCV.

Nghệ sĩ Tấn Thi được yêu thích với các vai diễn nông dân trên sân khấu và màn ảnh. Ảnh: MCV.

Sự nghiệp của ông bắt đầu thăng hoa và đặc biệt gây ấn tượng với vai diễn hài kịch đầu tiên - ông già bú sữa voi trong vở diễn “Tên trùm bịp bợp thành Venise” cùng với dàn nghệ sĩ gạo cội như Quốc Hòa, Thương Tín, Tú Lệ...

Đam mê nghệ thuật, luôn cống hiến hết mình là thế nhưng ít ai biết nghệ sĩ Tấn Thi từng có giai đoạn “bỏ nghề” vì cuộc sống quá khó khăn. Mặc dù nhớ mãi lời của tác giả - đạo diễn Nguyễn Thành Châu: “Ăn cơm Tổ rồi là khó bỏ nghề lắm con”, nhưng năm 1988 vì cuộc sống chật vật, khó khăn, ông phải tạm ngưng 2 năm.

“Thương Tín đóng vai chính diện, Tấn Thi đóng vai phản diện, một đêm được 1,5 đồng, trong khi đó thịt ba rọi có giá 2,5 đồng/kg. Diễn một đêm không mua đủ một ký thịt. Tôi không than, không khóc lóc, vẫn lạc quan, vẫn yêu đời và vẫn sống.

Tôi nghỉ khoảng 2 năm để làm quản lý bãi chiếu phim ngoài trời, vũ trường với đồng lương 1 đêm 5 ngàn. Sau đó, Khánh Hoàng dựng vở Hamlet và mời tôi đóng vai Tể tướng Polonius của Việt Anh rồi dính với nghề đến bây giờ” - nam nghệ sĩ kể.

Suốt gần 50 năm hoạt động nghệ thuật, cái tên nghệ sĩ Tấn Thi còn gắn liền với hình tượng ông Tư cô đơn trong “Chuyện miệt đồng”, Giám đốc Bảy Nam trong “Nếu bắn vào quá khứ”, thầy đồ trong “Bàn tay của trời”. Ông cũng tham gia nhiều phim truyền hình nổi tiếng như “Ngọn nến hoàng cung”, “Lục Vân Tiên”, “Gọi giấc mơ về”, “Người đẹp Bình Dương”…

Đến hiện tại, nam nghệ sĩ luôn biết ơn khán giả đã yêu mến mình cũng như các anh em nghệ sĩ - những người đến giờ phút này vẫn còn chung tình với nhau một mối tình rất lớn - tình nghệ sĩ và khán giả. “Tôi mong rằng từ nay cho đến khi trút hơi thở cuối cùng, còn bao nhiêu sức lực là tôi cống hiến đến hết để gửi đến khán giả những món quà nho nhỏ, đó là niềm vui trong cuộc sống” - ông nói.