Vì bình đẳng giới

Chuyện những “bông hồng thép” tận tâm cảm hóa phạm nhân

(PLVN) -  Phải thực sự yêu nghề, yêu màu xanh quân phục và có một sự hy sinh vô cùng tận thì những nữ quản giáo tại Trại giam Phú Sơn 4 mới đủ sức mạnh cảm hóa những phạm nhân lầm lỗi, giúp họ hoàn lương trở về với gia đình, hòa nhập với cộng đồng.
Phạm nhân nữ tại Phân trại số 2, Trại giam Phú Sơn 4. Ảnh: Hồng Quân
Phạm nhân nữ tại Phân trại số 2, Trại giam Phú Sơn 4. Ảnh: Hồng Quân

Vừa lo sự nghiệp, vừa xây tổ ấm

Công tác từ 1998 đến nay, Trung tá Phạm Thị Thu Hương (SN 1978, quê Thái Bình; Phó Trưởng Phân trại 2, Trại giam Phú Sơn 4) đã chịu nhiều hy sinh, từ khi còn là cô gái ở tuổi đôi mươi đã khoác lên người sắc phục Công an nhân dân.

Chồng chị cùng làm việc tại Trại Phú Sơn 4, anh công tác tại Phân trại số 3. Năm 2002, sau khi kết hôn và có 2 con, anh chị từng có quãng thời gian vất vả vừa căng mình cho công việc, vừa phải lo toan cho gia đình. Đặc thù riêng của công việc là bắt đầu ngày làm việc rất sớm và thường xuyên phải trực đêm, nên khi các con còn nhỏ, phải nhờ sự hỗ trợ của ông bà.

Nuôi dạy con cái với những người làm công việc bình thường đã là một quá trình khó khăn và với những gia đình có cha mẹ làm công an, như gia đình anh chị, thì “không bao giờ có đủ thời gian cho việc nuôi dạy con cái mà phải nhờ sự hỗ trợ của người thân” như lời chị nói. Sau này, anh chị đề xuất cơ quan cho lịch trực linh hoạt và thuận tiện hơn để dành thời gian cho các con. “Vợ chồng cùng chia sẻ, trợ giúp cho nhau trong công việc gia đình cũng như hoàn thành công tác nhiệm vụ được giao”, Trung tá Hương cho hay.

Trung tá Phạm Thị Thu Hương, Phó Trưởng Phân trại 2, Trại giam Phú Sơn 4. Ảnh: Hà My

Trung tá Phạm Thị Thu Hương, Phó Trưởng Phân trại 2, Trại giam Phú Sơn 4. Ảnh: Hà My

Nhớ lại đợt dịch COVID-19, anh chị phải công tác toàn thời gian trong trại, hơn 1 năm trời các con ở nhà tự lo cho bản thân, tự giác trong công việc và học tập, cha mẹ có nhớ con cũng chỉ biết gọi điện thoại. Sự động viên của người cha cũng từng công tác trong ngành Công an, sự đồng hành của người chồng, sự tự giác và ý thức của các con ngoan giỏi là điểm tựa để chị cống hiến nhiều hơn, chấp nhận những sự hy sinh, luôn yên tâm công tác.

Thay chồng gồng gánh cả gia đình

Gần 20 năm công tác trong ngành, Thiếu tá Phạm Thị Minh Huệ (cán bộ quản giáo phụ trách Đội phạm nhân nữ thuộc Phân trại số 2, Trại giam Phú Sơn 4) đã phải trải qua nhiều khó khăn, vất vả để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ. Hiện chị đang được giao quản lý 36 nữ phạm nhân, chủ yếu là các phạm nhân có độ tuổi từ 65 trở lên, phạm các tội ma túy, lừa đảo, giết người, trộm cắp…

Chồng của Thiếu tá Huệ là sĩ quan quân đội đang công tác tại Quân khu I. Anh và chị có 2 con, nên hàng ngày chị phải dậy từ 4h sáng để chuẩn bị cho các con, rồi từ TP Thái Nguyên xuất phát để đúng 5h45 phải có mặt để đưa phạm nhân đi cải tạo, đến tối mịt mới về. Chồng chị cũng phải thường xuyên đi công tác, khi cả tuần, lúc 10 ngày, có khi cả tháng. Những khi ấy, mọi việc ở nhà của 3 mẹ con dồn vào mình chị gồng gánh. Vợ chồng đều xa quê nên ít có sự trợ giúp của hai bên nội, ngoại, các con của chị ít nhiều chịu thiệt thòi. “Các con tôi thường xuyên đến sớm nhất trường, về muộn nhất trường, thường xuyên phải gửi các bác bảo vệ trông giúp. Mùa đông lạnh, đưa con đi học từ khi trời còn mờ mịt sương, có khi thấy tê tái thương con”, Thiếu tá Huệ tâm sự.

Tình yêu nghề, trách nhiệm của người cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân, trách nhiệm với những phạm nhân, ý chí, nghị lực, sức chịu đựng của bản thân và những lời động viên của cha “Hãy cố gắng lên con” đã giúp chị vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đội nữ phạm nhân do Thiếu tá Huệ quản lý từng có một số phạm nhân nhiều lần vi phạm nội quy, lúc đầu có nhiều biểu hiện chống đối, nhưng khi được Thiếu tá Huệ giáo dục, cải tạo, đã có nhiều chuyển biến tích cực, chấp hành lao động, cải tạo tốt.

Thiếu tá Phạm Thị Minh Huệ, cán bộ quản giáo phụ trách Đội phạm nhân nữ thuộc Phân trại số 2, Trại giam Phú Sơn 4. Ảnh: Hồng Quân

Thiếu tá Phạm Thị Minh Huệ, cán bộ quản giáo phụ trách Đội phạm nhân nữ thuộc Phân trại số 2, Trại giam Phú Sơn 4. Ảnh: Hồng Quân

“Người cán bộ quản giáo phải hy sinh nhiều thứ để dành tâm huyết cho công việc. Để giáo dục, cảm hóa phạm nhân, bên cạnh việc áp dụng các quy định pháp luật thì phải thấu hiểu tâm tư, tình cảm, nguyện vọng, lắng nghe những suy nghĩ của họ để mình chia sẻ, cảm thông; từ đó mà mình giáo dục, động viên họ để họ chấp hành tốt hơn. Ngoài ra, cán bộ quản giáo phải có sự phối kết hợp đồng bộ với Ban lãnh đạo và các bộ phận chuyên môn thì công tác quản giáo dễ dàng hơn rất nhiều”, Thiếu tá Huệ chia sẻ.

Người lái đò “cõng” con chữ vào trại giam

Ở Trại giam Phú Sơn 4 có một lớp học đặc biệt, “học sinh” có những người đã quá nửa đời người nay mới được vỡ lòng với những con chữ. Những nét chữ đầu tiên xiêu vẹo qua từng ngày đã dần thẳng thớm. Đó cũng là chiếc chìa khóa mở thêm cơ hội trên con đường hoàn lương cho những con người lầm lỡ. Và người vẫn ngày ngày kiên trì “chở” từng con chữ vào trại giam ấy là Đại úy Ngô Thị Huyền Trang (người phụ trách lớp học, SN 1985, quê Nghệ An).

Nhớ lại khi mới nhận nhiệm vụ, Đại úy Trang chia sẻ cô vô cùng bỡ ngỡ vì chưa được qua chương trình dạy học cho các phạm nhân bao giờ. Trong khi đó, các phạm nhân mù chữ phần lớn là người đồng bào dân tộc thiểu số nên gặp khó khăn trong khâu tiếp cận, tiếp xúc ban đầu. Ban đầu, các phạm nhân tham gia lớp học vào mỗi thứ Sáu hàng tuần. Vì học không liên tục, thường xuyên, nên có khi buổi học trước buổi học sau học viên đã quên sạch mặt chữ. Có người học 6 tháng vẫn chưa thuộc bảng chữ cái, chỉ có sự kiên nhẫn và tận tâm mới có thể thành công. Ban đầu dạy trên bảng, trên sách, sau này có máy chiếu, quá trình dạy và học trở nên dễ dàng hơn.

Tháng 5/2023, Sở GD&ĐT Thái Nguyên và Trại giam Phú Sơn 4 đã ký kết chương trình phối hợp tổ chức các lớp học xóa mù chữ cho phạm nhân giai đoạn 2023 - 2030. Chương trình được thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả công tác xóa mù chữ, phổ cập giáo dục cho phạm nhân; tạo điều kiện cho phạm nhân tiếp cận các loại hình giáo dục phù hợp để sau khi chấp hành án có thể sớm hòa nhập cộng đồng, có cơ hội tìm kiếm việc làm phù hợp, ổn định cuộc sống, trở thành công dân lương thiện, có ích cho xã hội.

Đại úy Trang tâm sự, niềm vui của những người dạy học là nhìn thấy những học sinh đặc biệt biết đọc, biết viết. “Khi mới chấp hành án phạt tù, các phạm nhân thường có tâm lý nhớ nhà nên chúng tôi thường xuyên động viên họ cần cố gắng học tập để viết thư gửi về cho gia đình. Phạm nhân nào vẫn còn bỡ ngỡ, viết sai chính tả, chưa thành thạo thì cán bộ sẽ giúp họ sửa lại để có bức thư hoàn chỉnh. Vì vậy, có thể nói lần viết xong lá thư đầu tiên gửi về gia đình, là bước ngoặt cuộc đời của phạm nhân vừa được xóa mù chữ”, Đại úy Trang nói.

Dù là cô giáo dạy những lớp học đặc biệt trong trại giam, giúp cho nhiều phạm nhân có những bước ngoặt trong cuộc đời, giúp họ hoàn lương trở về với gia đình, hòa nhập với xã hội, tuy nhiên, Đại úy Trang cũng thường cảm thấy có lỗi khi chưa làm tròn trách nhiệm của một người mẹ. “Các cháu đã phải chia sẻ với cha mẹ nhiều quá. Công việc chiếm quá nhiều thời gian nên các buổi hoạt động ngoại khóa của con ở trường, vợ chồng tôi đều rất ít khi có thể tham gia. Việc học tập của cả 2 con rất ít khi trao đổi được trực tiếp mà chủ yếu là trao đổi qua điện thoại với giáo viên chủ nhiệm. May mắn thay, các cháu hiểu chuyện, biết tự lập từ nhỏ và luôn chủ động trong học tập”, Đại úy Trang nói.

Đại úy Ngô Thị Huyền Trang, Phân trại 2, Trại giam Phú Sơn 4. Ảnh: Hà My

Đại úy Ngô Thị Huyền Trang, Phân trại 2, Trại giam Phú Sơn 4. Ảnh: Hà My

Những nữ quản giáo tại trại giam vẫn luôn ngày ngày kiên trì vượt khó khăn, nỗ lực vươn lên, ngày ngày gieo mầm hướng thiện, đưa những mảnh đời đen tối đến con đường sáng. Họ đều là những “bông hồng thép” vừa cân bằng cuộc sống gia đình vừa hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Mỗi ngày qua đi, nhìn thấy những phạm nhân do mình trực tiếp giáo dục ngày càng tiến bộ, cải tạo tốt hơn, các chị lại có thêm niềm vui, luôn có động lực, tinh thần để gắn bó lâu dài, ngày đêm cống hiến, lặng lẽ hy sinh, đóng góp một phần nhỏ bé để giúp những phận người lầm lỡ sớm trở về gia đình và cộng đồng, trở thành những công dân có ích cho xã hội.

Đọc thêm