Sức mạnh cảm hóa trên hành trình cải tạo, hoàn lương

Sức mạnh cảm hóa trên hành trình cải tạo, hoàn lương: Bài cuối: “Mưa dầm thấm lâu” đánh thức mầm thiện trong mỗi phạm nhân

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Khi mới bước chân vào trại giam, gần như phạm nhân nào cũng chán nản, đổ vỡ tâm lý. Nhưng sau thời gian học tập, được sự hỗ trợ, động viên, khuyên nhủ cảm hóa của các cán bộ, chiến sĩ (CBCS) quản lý trại giam, cuối cùng người nào cũng đều nhận ra mình chỉ có một con đường là cải tạo thật tốt, để những ngày trong tù sẽ chóng qua và ngày trở lại xã hội càng thật gần.
Phạm nhân trở về trại giam sau một ngày lao động cải tạo.
Phạm nhân trở về trại giam sau một ngày lao động cải tạo.

Quá trình “mưa dầm” kéo dài đến 6 năm

Phạm nhân Lò Văn Chín (tên các phạm nhân trong bài đã được thay đổi, SN 1986; người dân tộc Thái; quê huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La; hiện đang thụ án tại Trại giam Yên Hạ với bản án 27 năm tù về tội “Giết người” và “Hiếp dâm”), là một ví dụ như vậy.

Theo bản án, trưa một ngày đầu tháng 9/2009, sau khi uống cả lít rượu, Chín nghĩ lại chuyện mâu thuẫn với vợ và gia đình nên nảy sinh ý định đi vào rừng nơi đang cưa cây dở, dùng cưa máy tự sát. Trên đường đi, Chín gặp hai người phụ nữ SN 1988 và 1989 là những người cùng bản nên rủ đi cùng để “tìm máy cưa”, nhưng thực ra là muốn biết chỗ Chín tự sát để về báo cho gia đình.

Tới nơi, Chín nảy sinh ý nghĩ “cho hai người này chết cùng để có bạn”, nên tấn công hai người phụ nữ ngã xuống, đẩy một người xuống suối, cưỡng bức người còn lại rồi dùng đá đạp liên tiếp vào những vùng trọng yếu người này. Gây án xong, Chín nổ máy cưa, đưa lưỡi cưa vào cổ mình tự sát. Cả thủ phạm và hai nạn nhân đều may mắn sống sót, một nạn nhân bị tổn hại 36% sức khỏe, nạn nhân còn lại bị tổn hại 5% sức khỏe.

Phiên xử mở vào tháng 3/2010 tuyên phạt Chín 27 năm tù. Từng giết 2 người, rồi tự sát bất thành, Chín đã có lúc “không còn thiết tha gì với cõi đời này nữa”. Hồ sơ cải tạo của Chín từ 2010 - 2016 đều xếp loại “Kém, Trung bình”. Trong đó, năm 2012, Chín từng bị cùm 1 chân trong nhà kỷ luật 10 ngày vì có thái độ thách thức cán bộ.

Với đối tượng trình độ văn hóa không cao, chỉ vì giận gia đình mà tự vẫn, giết người, nghĩa là nhận thức vô cùng kém, thì cán bộ phải áp dụng phương pháp “mưa dầm thấm lâu”. Nói cách khác, là thậm chí phải dạy từ những điều nhỏ nhặt nhất trong cuộc sống, thế nào là đúng, sai, thế nào là đạo lý làm người; phải trả giá cho tội ác bằng đi tù, nếu chấp hành cải tạo tốt thì sớm có cơ hội được giảm án và trở về với gia đình, xã hội.

Quá trình “mưa dầm” đó phải kéo dài đến 6 năm, Chín mới bắt đầu hiểu chuyện, khi thấy bố mẹ và con lên thăm gặp, mới biết xót xa, quý trọng cuộc sống và tình cảm người thân, tình người. “Em xin chân thành cảm ơn Ban giám thị và Hội đồng cán bộ quản giáo đã giáo dục, động viên, giúp đỡ để em nhận ra được lỗi lầm của mình, từ đó chấp hành nội quy, phấn đấu lao động cải tạo để sớm được trở về. Mỗi lần con lên thăm, em đều dặn cháu học hành thật tốt, tránh xa tệ nạn xã hội, nghe lời ông bà dạy bảo, trước khi làm gì phải suy nghĩ trước sau. Và đừng vì rượu chè mà mất kiểm soát suy nghĩ, bản thân”, Chín nói. Từ năm 2017 đến nay, Chín luôn được xếp loại cải tạo “Khá”.

Đổi mới hình thức, phương pháp cảm hóa, giáo dục

“Nỗi khổ” của các CBCS quản lý trại giam là cải tạo, giáo dục các phạm nhân nhận thức yếu kém đã khó, nhưng gặp các phạm nhân “có chữ”, thì quá trình cảm hóa cũng khó khăn không kém. Với phạm nhân Nguyễn Kiên (SN 1978, quê Hà Nội, đang chấp hành án tại Trại Phú Sơn 4) là một ví dụ.

Năm 1996, khi đang là sinh viên một trường ĐH, Kiên đã trộm cắp, bị xử phạt 8 tháng án treo, bỏ học đi “bụi đời”, rồi chiếm đoạt tài sản và bị tuyên 11 năm tù, vào Trại Phú Sơn 4. Đến 2007, Kiên ra tù.

Chiều tối 19/10/2009, Kiên và một đồng phạm gọi điện cho một người buôn xe máy, nói muốn bán xe SH hẹn đến đường Âu Cơ (quận Tây Hồ) xem xe. Khi nạn nhân đến điểm hẹn, bị Kiên rút hung khí đâm vào bụng, bị đồng phạm của Kiên đâm hai nhát vào lưng, tử vong tại chỗ. Đồng phạm của Kiên bị tuyên án tử hình. Kiên bị tuyên án chung thân, sau đó được giảm xuống 29 năm tù. Có lẽ một trong những chi tiết khiến Kiên được giảm án, là thực tế khi ấy Kiên nghe lời chủ mưu, cùng tham gia gây án vì quá túng quẫn, muốn có tiền lo cho bạn gái sắp tới ngày sinh. Một lần nữa, Kiên trở lại Trại giam Phú Sơn 4.

Đứa con mà bạn gái sinh ra cho Kiên, sau đó cũng không giữ được. Từ ấy Kiên cũng không còn nghe tin tức gì về bạn gái. Rồi đến năm 2013, bố Kiên qua đời, có thể một phần buồn đau vì những tội lỗi của đứa con. Kiên tâm sự, hai trong những điều ân hận nhất đời, là không được nhìn thấy mặt con, mặt cha lần cuối.

Đại tá Lãnh Văn Lượng (Phó Giám thị trại Phú Sơn 4) chia sẻ, để cảm hóa những phạm nhân như Kiên, ông yêu cầu công tác giáo dục của Trại phải đổi mới bằng nhiều hình thức, phương pháp khác nhau, đòi hỏi cán bộ quản giáo phải có chuyên môn cao. Kiên từng là người có ăn học tử tế, đã từng vào trại và giờ lại chấp hành án mới. Nên các quản giáo cần tiếp cận, gặp gỡ phạm nhân thường xuyên để giáo dục, phân tích những điều đúng, sai, nhanh chóng nắm bắt tâm lý phạm nhân, tránh để phạm nhân suy nghĩ tiêu cực, ảnh hưởng đến quá trình cải tạo.

Với một số tâm tư, nguyện vọng của các phạm nhân như Kiên, cần phải được giải quyết kịp thời, nhanh chóng, hợp lý. Thậm chí hàng quý, Ban Giám thị còn xuống đối thoại trực tiếp với phạm nhân, “đả thông tư tưởng”, tháo gỡ những khúc mắc, mong muốn. Tất cả nhằm tác động đến nhận thức, dần làm thay đổi hành vi của phạm nhân; cùng với việc thực hiện chế độ, chính sách với phạm nhân được thực hiện công khai, minh bạch; góp phần cho phạm nhân yên tâm, tích cực cải tạo, lao động.

Nếu trong trường hợp phạm nhân không có sự thay đổi và có tư duy buông bỏ, trại có thể cử cán bộ tới tận gia đình nói chuyện nhằm cùng phối hợp giáo dục, khuyên bảo giúp phạm nhân thay đổi tốt hơn.

Tính đến ngày 22/4/2024, Kiên đã chấp hành được 11 năm 8 tháng tù. Sau quãng thời gian “khủng hoảng tâm lý” và được các quản giáo giúp đỡ, từ 2012 đến nay, Kiên luôn xếp hạng Khá và Tốt, được giảm án 5 lần. Ngày trở về của Kiên sẽ không còn xa.

Với phạm nhân Tăng Bá (SN 1979, quê tỉnh Quảng Ninh, chấp hành án tại Trại giam Yên Hạ), quá trình cải tạo của phạm nhân này ngày một tốt hơn nhờ các CBCS trại giam đã biết khơi gợi những điểm tích cực của phạm nhân.

Sau khi gây án “Giết người” trong lúc hỗn chiến, Bá bị tuyên phạt tù chung thân. Từ Trại giam Hoàng Tiến chuyển tới Trại giam Yên Hạ, Bá luôn cố gắng để hòa nhập với môi trường và bạn tù mới. Sự cố gắng cải tạo của Bá đã được ghi nhận. Ngày 24/1/2022, Bá được TAND tỉnh Sơn La ra quyết định giảm án từ chung thân xuống 30 năm tù. Bá mừng đến mất ngủ cả đêm, cảm ơn các CBCS Trại giam Yên Hạ đã giúp mình được giảm án.

Trung tá Đinh Văn Chấn (Trưởng Phân trại số 01) cho biết, Bá là phạm nhân có chí tiến thủ, luôn cố gắng phấn đấu. Bá không chỉ ổn định tư tưởng, hợp tác cải tạo; mà còn động viên các phạm nhân khác cải tạo tốt để sớm được về.

Hiện tại, phạm nhân Bá đang làm Trưởng ban tự quản của Phân trại số 1. Mỗi một phân trại có một ban tự quản, để được lên làm Trưởng ban thì phạm nhân phải được xếp loại khá tốt trong từng thời kỳ; phải có sự phấn đấu, tiến bộ và được xem xét. Nhiệm vụ của Bá là giúp cán bộ, kiểm tra đôn đốc duy trì các hoạt động chung của phạm nhân trong phân trại và việc này Bá đang làm rất tốt.

Ngoài những giờ lao động cải tạo, Bá cho biết thường xuyên tìm hiểu những cuốn sách về lĩnh vực chăn nuôi lươn trong bể không bùn để sau này khi chấp hành án xong, lại theo nghề nuôi lươn. “Con lươn có thể tự biến đổi giới tính mà không cần đến bác sĩ chuyên khoa. Sau này ra tù tôi là một người đàn ông “gà trống nuôi con”, nên tôi càng thích con lươn là vì vậy”, Bá nói.

Đọc thêm