Vượt qua bộn bề khó khăn
Chỉ còn 2 tuần nữa là chúng ta đã bước sang năm mới 2021. Chương trình GDPT 2018, đặc biệt là chương trình lớp 1 đã được thực hiện ở cơ sở với không ít khó khăn và nỗ lực của ngành GD địa phương. Xin thầy cho biết, ngành GD&ĐT Hà Tĩnh phải đối mặt với những khó khăn nào và bằng cách nào để có thể vượt qua khó khăn thách thức đó?
Vâng, khó khăn thì rất nhiều. Trước hết, khi ngành GD triển khai Thông tư 01 của Bộ GD&ĐT, thì toàn Đảng, toàn dân gồng mình lên “ chống giặc Covid như chống giặc”. Nhà trường phải tạm thời đóng cửa. Thực hiện chỉ đạo của Bộ, chúng tôi đã khuyến khích Cán bộ quản lí, GV ở các cơ sở GD tích cực chủ động sử dụng hình thức hướng dẫn học sinh học trực tuyến và triển khai tìm hiểu, trao đổi các bộ sách giáo khoa lớp 1 qua mạng.
Do đó, Thông tư 01 của Bộ vẫn được triển khai, các bước tiến hành đúng tiến độ. Sau đó, các cơ sở GD vừa mở cửa trường thì phải đối mặt với “ bão chồng bão, lũ chồng lũ”. Miền Trung, trong đó có Hà Tĩnh tang tóc và đau thương. Trong hoàn cảnh đó, Đảng và Chính phủ, đồng bào cả nước đã hướng về miền trung ruột thịt với tấm lòng sẻ chia giúp đỡ miền trung nhanh chóng khôi phục hậu quả bão lũ. Chỉ thời gian một tuần, tất cả các trường học trên địa bàn Hà Tĩnh ổn định tình hình, tiếp tục thực hiện lộ trình đổi mới GDPT, đặc biệt là thực hiện chương trình thay sách lớp 1.
Chúng ta đã có 4 lần đổi mới GD, lần này, GD thực hiện chương trình “mở” theo hướng phát huy năng lực của thầy và trò. Đặc biệt lần đầu tiên trong lịch sử GD Việt Nam, một chương trình được biên soạn với nhiều bộ sách. Đáng chú ý là các bộ sách được biên soạn theo phương thức xã hội hóa. Lần đầu tiên, chương trình lớp 1 có 5 bộ sách được Bộ GD&ĐT thẩm định và cũng lần đầu tiên, việc lựa chọn bộ sách nào được giao cho Hội đồng chọn sách của cơ sở. Tuy nhiên, chúng tôi đã vượt qua khó khăn bằng phát huy nội lực và tranh thủ ngoại lực. Kinh nghiệm những lần đổi mới CCGD trước đây, đặc biệt là bám sát Nghị quyết 29 của BCH Trung ương Đảng: “ Đổi mới căn bản, toàn diện GD” đã giúp chúng tôi vượt qua khó khăn.
Được biết, có đến gần 60% các trường học ở Hà Tĩnh lựa chọn bộ sách Cánh Diều của NXB Đại học SP Hà Nội 1 và ĐH SP TP Hồ Chí Minh. Nhưng sau gần một tháng thực hiện, dư luận “nóng” lên về về một số Ngữ liệu trong sách tiếng Việt lớp 1 Cánh Diều. Sở đã có động thái như thế nào?
Trước dư luận, chúng tôi lắng nghe và thái độ của chúng tôi là bình tĩnh vì: Lựa chọn bộ sách giáo khoa nào hoàn toàn quyết định của Hội đồng GD cơ sở đó. Về phía lãnh đạo sở không có bất cứ động thái nào để làm sai lệch kết quả lựa chọn. Sau một thời gian, chúng tôi tập hợp thông tin và nhận được kết quả: Sở dĩ có đến gần 60 % cơ sở GD lựa chọn bộ sách Cánh Diều, vì bộ sách Cánh Diều phù hợp với đối tượng học sinh, phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương. Theo phản hồi của các Hội đồng lựa chọn, đó là bộ sách tốt nhất.
Quá trình lựa chọn, tại Hà Tĩnh chúng tôi đã sử dụng tốt đội ngũ giáo viên nòng cốt, nằm trong mạng lưới chuyên môn của tỉnh và huyện. Tại tỉnh, có 55 GV nòng cốt, tại các phòng GD có 251 giáo viên nòng cốt được lựa chọn từ các trường tiểu học. Đây là đội ngũ cốt cán, tham gia tích cực, có nhiều ý kiến xác đáng cân nhắc để lựa chọn bộ sách nào.
- Mặt khác, chúng tôi đã quán triệt đến tận từng GV về Chương trình GDPT 2018, khích lệ GV chủ động, sáng tạo, không lệ thuộc hoàn toàn vào ngữ liệu sách GK. Giáo viên chủ động lựa chọn ngữ liệu, làm sao để quá trình dạy – học đạt kết quả cao. Do vậy, lựa chọn sách Tiếng Việt Cánh Diều, vẫn có thể lựa chọn những điều hay ở bộ sách khác vận dụng trong quá trình giảng dạy. Ngay cả Tiếng Việt Công nghệ GD của GS Hồ Ngọc Đại không được thẩm định, nhưng tại Hà Tĩnh, những năm gần đây, các cơ sở GD lựa chọn Tiếng Việt Công nghệ. Vì vậy, những điều hay của Tiếng Việt Công nghệ như dạy học sinh phát âm, ghép vần, dạy học sinh quy tắc chính tả, luyện nét chữ trước khi vào học, chúng tôi đều khuyến khích giáo viên sử dụng.
Khi chúng tôi đi kiểm tra ở cơ sở, những trường như Tiểu học Đức Yên, Thái Yên, Thị Trấn, Trường Sơn, Liên Minh, Đức Trung, Đức Lâm (Đức Thọ), Sơn Giang, Sơn Trường, Sơn Bằng (Hương Sơn) vv… đều lựa chọn và sử dụng lại một số đồ dùng dạy học của Công nghệ GD. Nói như vậy để thấy rằng đổi mới giáo dục không đoạn tuyệt với cái hay của các bộ sách khác, không đoạn tuyệt với cách dạy trước đây. Cái “ mở” của Chương trình GDPT 2018, nên hiểu một cách uyển chuyển như vậy!
Bình tĩnh trước những ồn ào
Vâng, nhưng khi dư luận “ nóng “ lên với sách Tiếng Việt Cánh Diều, thậm chí có ý kiến đề xuất thu hồi sách không phải là không làm nao lòng một số giáo viên, và đặc biệt là phụ huynh, thưa thầy?
Đúng là thời điểm dư luận ồn ào về sách Tiếng Việt có những điều bất lợi. Đó là khi các nhà trường đã thực hiện chương trình được 4 tuần. Quả là lần thay sách này, do thời gian quá gấp gáp, nên các bản thảo sách giáo khoa của NXB chỉ đến với cơ sở GD, mà chưa có điều kiện để công bố rộng rãi để tranh thủ góp ý của nhân dân, nhất là các nhà khoa học, nhà văn, nhà báo…
Những lần cải cách trước, chúng ta có điều kiện để “ tung” bản thảo sách rộng rãi, thậm chí còn có thời gian để thực nghiệm. Ngay cả sách Tiếng Việt Công nghệ GD đã thực nghiệm, nhưng các cơ sở GD đã góp ý và các nhà biên soạn sách đã sửa chữa hàng chục lỗi mà vẫn chưa hoàn hảo được. Cho nên, góp ý, nhặt “sạn” cho sách là trách nhiệm của GV, nhà quản lí GD, phụ huynh và mọi tầng lớp nhân dân. Chỉ có điều là nên lựa chọn cách thức, thời gian góp ý với tinh thần xây dựng, tinh thần: Vì thế hệ tương lai của đất nước.
Sự thực, khi triển khai thay sách có hàng trăm việc, Có những việc có tên, có những việc không tên. Nào là đồ dùng dạy học, nào là dự giờ, rút kinh nghiệm, nào là hội thảo, nào là góp ý. Đó là chưa kể đến những khó khăn do thiếu thốn CSVC, thiết bị dạy học, lớp đông học sinh. Lại có những khó khăn đến từ nóng vội của phụ huynh, nên rất nhiều áp lực. Cho nên, chỉ đạo của chúng tôi là tháo gỡ áp lực cho gíao viên bằng cách khích lệ tinh thần chủ động, sáng tạo của họ. Mặt khác, hàng tuần, chúng tôi khuyến khích các cơ sở giáo dục tổ chức sinh hoạt chuyên môn liên trường, liên cụm để học hỏi lẫn nhau, giúp nhau tháo gỡ khó khăn, tránh bị động, lúng túng…
Thưa thầy, đến thời điểm hiện nay, dư luận lại nóng lên sai sót không chỉ Tiếng Việt Cánh Diều mà bốn bộ sách của Nhà xuất bản Giáo dục: “ Kết nối tri thức với cuộc sống”, “ Chân trời sáng tạo”, “ Cùng học để phát triển năng lực”, “ Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục”, không những có “ sạn” mà có nhiều sạn.
Cụ thể, bộ sách “ Kết nối tri thức với cuộc sống” sau khi rà soát thì có đến 37 trang sách Tiếng Việt lớp 1 tập 1, 2 và Giáo dục thể chất phải sửa chữa, trong đó sách giáo khoa Tiếng Việt 1 tập 1 sửa 18 trang…
Bộ sách “ Chân trời sáng tạo” phải sửa chữa 7 trang của sách Tiếng Việt lớp 1, tập 1 và môn Tiếng Anh.
Bộ sách “ Cùng học để phát triển năng lực” phải sửa chữa 24 trang trong đó, Tiếng Việt tập 1,2 khoảng 9 trang, Tiếng Anh: 8 trang và Giáo dục thể chất tập 1 chữa 7 trang.
Còn bộ sách: “ Vì sự Bình đẳng và dân chủ trong giáo dục” sửa chữa lỗi trong sách giáo khoa tiếng Việt, lớp 1, tập 1 vì ngữ liệu không đúng với thực tế…
Nhưng, trong báo cáo gửi Bộ GDĐT, Chủ tịch Hội đồng thành viên NXBGD Nguyễn Đức Thái đề xuất những điểm xin được chỉnh sửa trong trong lần tái bản các bản mẫu SGK sắp tới để phục vụ năm học 2021-2022. Như vậy, đến thời điểm hiện nay, chỉ có bộ sách Cánh Diều của NXB ĐH SP 1 Hà Nội và ĐHSP TP HCM công khai tài liệu chỉnh sửa trên cống thông tin điện tử để lấy ý kiến đóng góp của dư luận. Ý kiến của thầy về vấn đề này như thế nào?
Cha ông ta có nói: Ngay cả ngọc cũng còn có vết, nên, những sai sót, những “sạn” của sách thì tiếp tục nhặt, tiếp tục chỉnh sửa, chứ không có con đường nào khác. Thái độ lắng nghe và chỉnh sửa kịp thời nhóm biên soạn bộ sách Cánh Diều thật đáng trân trọng. Chúng tôi cũng trông chờ 4 bộ sách của NXB Giáo dục chỉnh sửa kịp thời. Nhưng không vì thế mà bị động, lúng túng.
Trước những thông tin về “ sạn” của sách giáo khoa NXB GD gần đây, chúng tôi chỉ đạo phòng chuyên môn kết hợp với cơ sở rà soát, trao đổi hướng tháo gỡ, đặc biệt khuyến khích GV, nhất là giáo viên trực tiếp giảng dạy lớp 1 chủ động, sáng tạo thay đổi các ngữ liệu của sách nếu thấy không phù hợp.
Có những mắc mớ không tự tháo gỡ được thì phản ánh lên bộ phận chuyên môn, chúng tôi sẽ nghiên cứu, giải đáp trực tiếp.
Thời gian qua, một số vấn đề mắc mớ của chương trình được tháo gỡ ở sinh hoạt chuyên môn liên trường, ở các hội nghị, hội thảo chuyên đề. Cuối cùng, chúng tôi phối kết hợp với các nhà soạn sách không chỉ trong công tác bồi dưỡng giáo viên mà còn trong việc tháo gỡ những khó khăn, kể cả những ý kiến phản biện để góp phần chỉnh sửa sách giáo khoa…
“Thời gian vó ngựa”, năm 2020 sắp kết thúc. Hy vọng sách lớp 2 và lớp 6 sẽ được thẩm định sớm và có thời gian để nhiều tầng lớp nhân dân góp ý. Về phía cơ quan chuyên môn chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh để sắp tới lựa chọn được bộ sách tốt nhất, phù hợp nhất với học sinh và địa phương Hà Tĩnh
Xin trân trọng cảm ơn Nhà giáo Nguyễn Quốc Anh về cuộc trao đổi cởi mở, thẳng thắn này. Chúc thầy sức khoẻ và tiếp tục có những đóng góp quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình GDPT mới 2018.