Học thầy...
Gần 3 vạn người lao động mà Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) đang nắm tại 27 tỉnh, thành phố - từ đèo Ngang tới vùng núi cao Tây Bắc… là một con số không nhỏ, không chỉ với nội bộ Điện lực quốc gia mà cả với những doanh nghiệp cùng cấp, khác ngành.
Nhiều năm năm qua, ngoài niềm tự hào là “anh cả” ngành Điện, bởi bề dày truyền thống và thành tích điện khí hóa đất nước, lãnh đạo EVNNPC vẫn đau đáu một câu hỏi: Làm gì để EVNNPC không ngừng lớn mạnh, thương hiệu ngành Điện tiếp tục vươn xa?
“Tinh thần đổi mới đã giúp chúng tôi nhận ra, học tập là chìa khóa để mình thay đổi. Vì khi có trong tay một mô hình quản trị doanh nghiệp tốt; một phương pháp đào tạo, sử dụng nhân lực hay… thì doanh nghiệp có thể yên tâm tiến về phía trước. Trên chặng đường này, EVNNPC đã hữu duyên gặp được những người thầy nhiều kinh nghiệm, sẵn sàng chia sẻ những điều chúng tôi đang lo toan”, ông Thiều Kim Quỳnh - Chủ tịch EVNNPC nói.
Với quyết tâm mạnh mẽ đó, tinh thần học tập, cải tổ lề lối làm việc nhiều năm nay đã được triển khai sâu rộng ở nội bộ doanh nghiệp này, tất cả vì mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ có tác phong làm việc chuyên nghiệp, văn minh, tận tâm tạo ra những sản phẩm, dịch vụ tốt nhất cho khách hàng, đối tác… Ở EVNNPC, hành vi học tập thậm chí còn được coi là văn hóa, là thước đó sự chuyển biến của mỗi cá nhân và tập thể nên nó được hưởng ứng khá tự nhiên và lan tỏa nhanh tới vạn người lao động.
Đích thân Chủ tịch EVNNPC cũng “tầm sư học đạo” khi ông chủ động diện kiến các giáo sư tại những trường đại học hàng đầu khu vực. Việc làm của người đứng đầu doanh nghiệp đã tạo niềm cảm hứng tìm tòi, vận dụng những điều mới mẻ vào quá trình tổ chức, điều hành đơn vị, nhất là với đội ngũ những người lãnh đạo, tiếp đó là lớp cán bộ kế cận của EVNNPC.
“Khi tiếp xúc với GS.Sung Hag Yong - Đại học Ulsan (Hàn Quốc) và PGS TS.Vũ Minh Khương (Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore)…, tôi đã nói với họ về những điều chúng tôi sẽ phải đối mặt trong tương lai - thời điểm mà thị trường điện Việt Nam có thể sẽ không còn là “sân chơi” riêng của các doanh nghiệp trong nước. Các vị ấy hiểu và chia sẻ với áp lực của một doanh nghiệp ngành Điện nên đưa ra những lời tư vấn bổ ích, giúp EVNNPC thêm sự quyết tâm để giải phóng mình khỏi trì trệ”, lời ông Quỳnh.
Được biết, GS.Sung Hag Yong trước khi giảng dạy ở Đại học Ulsan, từng có nhiều năm là Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn năng lượng SK (Hàn Quốc) nên ông dễ dàng nhận ra điều EVNNPC có thể đối mặt. GS.Sung đã có lời khuyên: “Cạnh tranh bằng phương pháp quản trị và nâng cao chất lượng đội ngũ lao động là hướng đi đúng. Các doanh nghiệp Việt Nam như EVNNPC không thể lấy công nghệ, tiền bạc để cạnh tranh với các đối thủ trên thế giới, vì hai thứ đó không phải là thế mạnh của các bạn”.
EVNNPC dường như cũng sớm nhận ra điều này nên khoảng 3 - 4 năm nay, liên tục tổ chức nhiều khóa đào tạo kiến thức quản lý quốc tế cho nhiều cán bộ dự nguồn trong đơn vị. Các chủ đề sát sườn với hoạt động doanh nghiệp như “Cách mạng 4.0 và xu thế của ngành Năng lượng thế giới”, “Lãnh đạo và tinh thần doanh nhân” cùng các kĩ năng hội nhập thị trường bán lẻ điện cạnh tranh… đã được chia sẻ, truyền dạy tới học viên “Tổng” này thông qua các bài giảng của các giáo sư, nhà lãnh đạo từ các tập đoàn công nghiệp lớn ở Hàn Quốc, Singapore, Indonesia….
PGS TS.Vũ Minh Khương (Trường Chính sách công Lý Quang Diệu) trao chứng chỉ đào tạo cho học viên của EVNNPC tại Đại học Quốc gia Singapore |
“Điều nhận thấy ở đây là tinh thần học tập và mong muốn thay đổi đang “rừng rực” trong lãnh đạo EVNNPC! Những bước đi của doanh nghiệp này có “dáng dấp” của những mô hình từng thành công trên đảo quốc Singapore. Ở đây, ông Lý Quang Diệu từng có câu nổi tiếng: “Đầu tư cho con người là thứ đầu tư không bao giờ thua lỗ”. EVNNPC cũng đang làm như vậy với nguồn nhân lực của họ”, TS. Vũ Minh Khương trao đổi với PLVN.
Học bạn…
Ngoài việc chủ động mang về những mô hình quản trị tiên tiến dưới góc nhìn lý thuyết, nhiều cán bộ EVNNPC còn được tận mặt chứng kiến những guồng quay công nghiệp, tư duy triển khai dịch vụ hiện đại tại các tập đoàn đa quốc gia như Hyundai, SPgroup…
Tại đó, những người bạn, và có thể là đối tác trong tương lai của EVNNPC đã kích thích tinh thần “màu cờ sắc áo” trong mỗi một thành viên EVNNPC, dù ngành Điện Việt Nam với một số quốc gia trong khu vực như Singapore vẫn còn khoảng cách. Cụ thể, những chỉ số mà Tập đoàn Điện lực quốc gia Singapore (SP group) công bố như SAIDI (thời gian mất điện của khách trong năm), SAIFI (số lần gián đoạn cung cấp điện trung bình của khách hàng mỗi năm)…đều là những con số đầy mơ ước đối với một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ điện lực như EVNNPC.
“Singapore rõ là nước có hệ thống điện được đánh giá tin cậy nhất thế giới. Nếu mình nhìn vào, so sánh với mình rồi tự ti thì không bao giờ tiến lên được. Điều tôi muốn ở đây là để những cán bộ trẻ của mình được tận mắt chứng kiến, sau đó nhân rộng tinh thần SP, cách làm việc của SP… vào cơ quan, đơn vị mình. Tóm lại, đi và học là để biết mình, biết người và quan trọng hơn, sau những chuyến thực tế đó, chúng tôi nhắc nhớ nhau rằng, mình phải bước thật nhanh, thật dứt khoát chứ không thể đi bộ lững thững…”, Chủ tịch Thiều Kim Quỳnh chia sẻ.
Với chỉ số SAIDI (thời gian mất điện của khách hàng trong năm) chưa tới 1 phút, SPgroup là một hình mẫu để EVNNPC học tập |
Theo đó, điều trước tiên mà EVNNPC hay rộng ra là cả ngành Điện có thể tham khảo từ mô hình của bạn là thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Ở Singapore, từ năm 2013, thị trường điện đã giản độc quyền; hiện ở đảo quốc này đang có hơn 20 công ty bán lẻ điện, khách hàng có quyền lựa chọn nhà phân phối. Theo lộ trình, đến 1/5 năm nay, Singapore sẽ mở cửa hoàn toàn với thị trường điện. Còn Việt Nam, thị trường bán lẻ điện cạnh tranh dự kiến bắt đầu từ năm 2021.
EVNNPC mặc dù đang kiểm soát tới 1/3 lượng điện bán ra trên thị trường trong nước, nhưng tới đây, khi độc quyền tự nhiên không còn chi phối mạnh, thị trường bán lẻ điện đầy tiềm năng với trăm triệu dân trong nước, chắc chắn bị các đối thủ cạnh tranh nhòm ngó. Các doanh nghiệp kinh doanh điện thuộc EVN nếu không đủ lực để vượt qua, thì chuyện hàng ngàn lao động tới đây phải ra đường vì mất việc là điều rất có thể.
Muốn “thi đấu” hay phải có công cụ hỗ trợ tốt
Trong một cuộc tiếp xúc mới đây, cựu Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn SK - GS.Sung Hag Yong có hỏi Chủ tịch EVNNPC Thiều Kim Quỳnh: “Vì sao ông phải xây dựng và đổi mới phương cách quản trị?”, ông Quỳnh sau một hồi dẫn chứng nhiều đặc thù của ngành Điện Việt Nam đã đưa ra lời đáp khá thực tế và gọn: “Không học, không đổi mới, doanh nghiệp mất thị phần, còn người lao động mất việc”.
GS.Sung sau đó đã khẳng định điều lãnh đạo EVNNPC nói là đúng khi dẫn thêm câu chuyện của một tay golf lừng danh thế giới. “Để thành golf thủ nổi tiếng, Tiger Woods cũng phải cần đến những công cụ, vật dụng hỗ trợ tốt như gậy golf hay quần áo… anh ta mới có thể thi đấu thành công”, ông Sung nói và cho biết, rất sẵn lòng tư vấn để EVNNPC có được một hệ thống quản trị tiên tiến.