Sự chuyển đổi nhanh chóng của Indonesia từ một nền kinh tế nông thôn sang đô thị đã thúc đẩy sự tăng trưởng của đất nước này; tuy nhiên, cũng kéo theo những thách thức mà quốc gia này cần phải đối đầu.
Giải pháp cho cuộc sống bền vững
Với gần 70% dân số của cả nước dự kiến sẽ sống ở các thành phố vào năm 2025, Chính phủ Indonesia cũng như các tổ chức chính trị - xã hội phải đưa ra các cách sáng tạo để cho phép công dân được hưởng lợi từ quá trình chuyển đổi nhanh chóng đó, không còn bị ảnh hưởng thường xuyên bởi tình trạng ách tắc giao thông, ô nhiễm hoặc thiên tai từ việc thiếu đầu tư vào các đô thị. Phát triển cơ sở hạ tầng phải theo kịp nhu cầu, trong khi đầu tư vào các giải pháp sáng tạo có thể góp phần tạo nên cuộc sống bền vững.
Khái niệm “thành phố thông minh” cung cấp một cách tiếp cận mới cho một số thành phố lớn của Indonesia để có thể đối phó với việc dân số tập trung vào các đô thị lớn ngày càng đông đúc hơn. Khái niệm này tập trung vào cách phát triển đô thị có thể lồng ghép các công nghệ thông tin, truyền thông và Internet of Things (IoT) một cách an toàn và hiệu quả để quản lý tài sản và tài nguyên công cộng, bao gồm hệ thống giao thông và vận tải, quản lý rác thải và thực thi pháp luật.
Jakarta cũng như một số thành phố khác của Indonesia đang trong quá trình chuyển đổi sang một thành phố thông minh như là một phần trong nỗ lực của chính quyền thành phố nhằm nâng cao mức sống và đảm bảo quản lý tài nguyên bền vững, đáp ứng các vấn đề có thể ảnh hưởng xấu đến người dân như chất lượng không khí kém, nạn lũ lụt và tình trạng tắc nghẽn giao thông đã tồn tại nhiều năm nay. Chương trình “Thành phố Thông minh Jakarta” được khởi xướng hồi năm 2014 nhằm mục đích quảng bá và thực hiện các sáng kiến thành phố thông minh, bao gồm người dân, điều kiện sống, kinh tế, môi trường và điều kiện giao thông...
Thành phố Bandung, tỉnh Tây Java, cũng rất có tham vọng trong việc phát triển các công nghệ thành phố thông minh. Chính quyền địa phương đã quan tâm kết hợp một hệ thống giám sát và giám sát thông minh cũng như ánh sáng thông minh để có thể áp dụng trong tương lai gần. Thành phố Surabaya, tỉnh Đông Java, đã thực hiện mô hình chính phủ điện tử, cho phép quản lý các vấn đề tài chính thông qua một hệ thống dựa trên mạng. Chính quyền thành phố Makassar, tỉnh Nam Sulawesi, giải quyết vấn đề cư dân bằng thẻ thông minh mà có thể được sử dụng cho các giao dịch tài chính không có tiền mặt. Thành phố cũng thực hiện một hệ thống giám sát để theo dõi đường sá và giao thông. Thành phố Medan, tỉnh Bắc Sumatra, hiện đang làm việc theo một kế hoạch tập trung vào một hệ thống giao thông thông minh.
Những thành phố trên minh họa cho việc tích cực áp dụng các công nghệ hiệu quả và hiện đại trong tương lai. Điều đó đang mở đường cho sự phát triển toàn diện để đáp ứng nhu cầu của dân cư đô thị Indonesia.
Cần vốn lớn
Bộ trưởng Bộ Lao động và Nhà ở Basuki Hadimuljono cho biết tại Indonesia, các chính quyền địa phương chịu trách nhiệm phát triển đô thị dưới sự giám sát và hướng dẫn của chính quyền trung ương. Mặc dù các địa phương dự kiến sẽ tài trợ, duy trì và khôi phục cơ sở hạ tầng, song phần lớn ngân sách chỉ đủ chi cho các khoản về tiền lương, công trình công cộng.
Trong một tuyên bố, Basuki nói: “Các nguồn tài chính thay thế là rất quan trọng để hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng ở đất nước này”. Hồi tháng 6/2016, Ngân hàng Thế giới (WB) và Chính phủ Thụy Sỹ đã thành lập Quỹ Ủy thác đa dạng đô thị độc lập ở Indonesia với số vốn 13,4 triệu USD để giúp đỡ quốc gia Đông Nam Á này đảm bảo quá trình đô thị hóa bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường. Bộ máy hành chính, quản lý và điều phối cũng là những yếu tố quan trọng để xem xét trong việc thực hiện các dự án phát triển như vậy.
Malcolm Foo, Cố vấn toàn cầu của Tổ chức PricewaterhouseCoopers Consulting Indonesia, cho rằng việc thiết lập một đơn vị chuyên dụng tập trung vào việc điều phối các sáng kiến và các chương trình của thành phố thông minh sẽ giúp thực hiện có hiệu quả.
Theo Công ty nghiên cứu thị trường eMarketer, Indonesia cần phải cân nhắc đến việc công dân ngày càng gắn kết với nhau, đặc biệt là số lượng người sử dụng điện thoại thông minh tại quốc đảo này dự kiến sẽ tăng từ 55,4 triệu trong năm 2015 lên 92 triệu vào năm 2019. Việc sử dụng điện thoại thông minh sẽ gắn liền với sự phát triển công nghệ thông minh của thành phố.
Tuy nhiên, “không phải tất cả các sáng kiến thành phố thông minh đều phải là về công nghệ”, Foo nói. Ví dụ, chủ trương khuyến khích dùng túi tái chế để đựng đồ thay vì túi nilông, giảm thiểu việc sử dụng chất thải nhựa, giúp thành phố trở nên bền vững về mặt môi trường. Foo cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của “tầm nhìn và sự lãnh đạo liên tục”, coi đây là “chìa khóa” để thực hiện các thành phố thông minh. Kế hoạch khu vực dài hạn và trách nhiệm giải trình rõ ràng để thực hiện chúng là nền tảng nhằm đảm bảo tiến trình sẽ tiếp tục ngay cả sau khi có sự thay đổi về lãnh đạo. Ngoài ra, việc giáo dục và đào tạo nhân viên thành phố cũng đóng vai trò rất quan trọng.
Bên cạnh đó là giải pháp hợp tác với các công ty nước ngoài. Hồi tháng 10 vừa qua, Indonesia và Thụy Điển đã đồng ý tăng cường hợp tác kỹ thuật và chuyển giao công nghệ cho Indonesia. Quốc đảo này đang tìm cách áp dụng mô hình của Thụy Điển, bao gồm sự hợp tác giữa chính phủ, khu vực tư nhân và các trường đại học.
Tháng 2/2017, đại diện các công ty của Pháp tham gia việc phát triển đô thị bền vững đã tới các thành phố Jakarta, Bandung, Surabaya và Palembang, tỉnh Nam Sumatra, để chia sẻ kinh nghiệm của họ về cách các thành phố của Indonesia có thể được chuyển đổi hiệu quả nhằm đáp ứng nhu cầu công dân của họ...