Chuyện thoát nghèo của bà con sống trong lòng di sản thiên nhiên thế giới

(PLVN) -  Từ một địa bàn trọng điểm, đời sống nhân dân còn khó khăn, nhiều phong tục tập quán lạc hậu, cùng với những chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và sự nỗ lực của chính quyền địa phương, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) mà những năm gần đây, xã biên giới Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình có nhiều khởi sắc.
Một góc bản của người Ma Coong ở Thượng Trạch.

Đổi thay ở Thượng Trạch

Nằm trong vùng lõi của Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, Di sản thiên nhiên thế giới, hai xã Tân Trạch, Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình là nơi sinh sống của bà con dân tộc Chứt và Bru - Vân Kiều gồm các tộc người Arem, Rục, Mày, Sách, Khùa, Ma Coong… Thượng Trạch có diện tích 741,52km2 với 20 bản với tổng số 758 hộ với 3.399 khẩu, dân chủ yếu là dân tộc Ma Coong và Chứt, Bru và Vân Kiều.

Do nhiều nguyên nhân khác nhau như thiên nhiên khắc nghiệt, phong tục, tập quán, thói quen lao động sản xuất nên cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn biên giới vẫn còn khó khăn.

Nằm giữa rừng sâu, Thượng Trạch có tỷ lệ hộ nghèo còn cao với 72% theo chuẩn mới; hệ thống điện năng lượng mặt trời chưa bảo đảm cho sinh hoạt và sản xuất; các tiêu chí về y tế còn hạn chế; trụ sở làm việc của xã còn thiếu; chưa có chợ để tạo điều thuận lợi trong giao thương, kinh doanh…

Trước đây, nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống là một nỗi đau nhức nhối, âm ỉ. Người dân ở đây sống rải rác, bản làng cách xa nhau nên thanh niên gần như ít đi ra khỏi nơi cư trú tìm bạn đời cho mình. Lấy vợ, lấy chồng cũng quẩn quanh trong bản, không tìm được người cùng bản thì anh em nội tộc lấy nhau và sinh con đẻ cái. Cuộc sống cứ luẩn quẩn như thế đời này sang đời khác.

BĐBP đã cùng với cán bộ chính quyền địa phương luôn kiên trì tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu về tác hại lâu dài của hôn nhân cận huyết thống. Để rồi bây giờ, những hủ tục nói trên đã dần được xóa bỏ. Đám cưới của Đinh Bự (chàng trai người Ma Coong) với cô gái Y Vay (người Arem) chính là minh chứng rõ nhất cho sự thay đổi từ trong nhận thức về hôn nhân của bà con người Ma Coong.

Hiện người dân đã đầu tư cho con cái đi học. Dù học vấn không cao nhưng có nhiều người là cán bộ xã. Theo thống kê của Văn phòng UBND xã Thượng Trạch, toàn xã có 14 cán bộ không chuyên trách. Trong đó, có 4 người có trình độ trung cấp, số còn lại chỉ học đến lớp 5/12.

Do ở sâu hút trong rừng, việc kéo điện lưới rất khó khăn nên Tân Trạch, Thượng Trạch là 2 xã cuối cùng của tỉnh Quảng Bình chưa có điện lưới Quốc gia. Năm 2016, người dân ở đây đã sử dụng điện mặt trời, tuy nhiên do công suất nhỏ nên chỉ mới phục vụ được những thiết bị điện sinh hoạt cơ bản.

Tháng 1/2021, Đồn Biên phòng Cà Roòng (Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình) đã tổ chức khánh thành đưa vào sử dụng công trình điện năng lượng mặt trời “Ánh sáng vùng biên” ở bản 61, bản Troi và bản Tuộc, xã Thượng Trạch, thắp sáng các tuyến đường vào ban đêm, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào.

Để tạo nguồn điện sử dụng ổn định cho nhân dân sử dụng lâu dài và phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng cũng như định canh định cư của bà con dân tộc 2 xã vùng biên giới huyện Bố Trạch, ngày 14/6/2022, tỉnh Quảng Bình đã khởi động dự án cấp điện lưới cho 2 xã cuối cùng này.

Dự án mới cấp điện được cho 9 thôn, bản với khoảng 376 hộ bao gồm các bản A Rem thuộc xã Tân Trạch, bản 51, bản Bụt, bản 61, bản Tuộc, bản Ban, bản Khe Rung, bản Cà Roòng và khu nhà chờ, Nhà tưởng niệm thanh niên xung phong hang Tám Cô.

Về hạ tầng, những năm qua, tỉnh Quảng Bình và huyện Bố Trạch đã đầu tư xây dựng nhiều công trình hạ tầng giao thông quan trọng như cầu Cà Roòng 2 nối trung tâm xã về 3 bản là Cồn Roàng, Coóc và Cu Tồn.

“Cùng với cầu Cà Roòng 2, ngầm Cà Roòng và ngầm Cờ Đỏ đã kết nối các bản Cà Roòng 1, Bụt và Cờ Đỏ, chấm dứt tình trạng chia cắt, việc lưu thông của bà con thuận lợi hơn. Cây măng rừng, một trong những sản phẩm chất lượng mà bà con khai thác được cũng dễ dàng tiếp cận với khách hàng hơn nhờ có cầu và đường về bản. Hợp tác xã Cà Roòng ra đời và bước đầu mang lại hiệu quả với sản phẩm măng khô đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh cũng nhờ những công trình này”, Bí thư Đảng ủy xã Thượng Trạch Trương Tấn Hưng cho biết.

Riêng trong năm 2021, tổng vốn đầu tư cơ sở hạ tầng trên địa bàn xã là trên 25 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh, huyện và xã hội hóa. Các công trình đường vào trụ sở xã, nhà sinh hoạt cộng đồng bản Cà Roòng, Trạm Y tế xã… đã làm đổi thay mạnh mẽ diện mạo của Thượng Trạch, là con đường đi đến ấm no của người dân nơi đây.

Người Ma Coong ở bản Troi, xã Thượng Trạch nhận quà Tết Quý Mão 2023.

Sắn là loại cây thoát nghèo ở Thượng Trạch.

Phát triển kinh tế gia đình, chung tay giữ rừng, bảo vệ di sản

Người Ma Coong Thượng Trạch sinh sống rải rác ở 18 bản quanh biên giới Việt - Lào. Cuộc sống chủ yếu dựa vào rừng với tập tục săn bắt, hái lượm, đốt nương làm rẫy. Nhưng mùa màng thì vẫn cứ phó thác cho thời tiết, nhiều năm mùa mất trắng, đói vẫn hoàn đói.

Những năm sau này, Thượng Trạch nằm trong vùng bảo vệ của rừng di sản Phong Nha - Kẻ Bàng nên bà con không phá rừng làm nương rẫy nữa mà chủ yếu canh tác vài ba vạt rẫy ở ven rừng hay ở những quả đồi thấp. Lúa rẫy một vụ năng suất không cao thậm chí là có trồng mà không có thu.

Tuy được các cấp, ngành quan tâm nhưng sự thay đổi không phải ngày một, ngày hai. Các chiến sĩ Biên phòng phải cầm tay chỉ việc hướng dẫn bà con từng việc nhỏ; vận động bà con xóa bỏ những hủ tục lạc hậu như tục chôn con theo mẹ (chết).

Để cây lúa nước thực sự bén rễ trên vùng núi đá vôi này là cả một câu chuyện dài. Đây chính là thành quả từ công sức của những người lính áo xanh cần mẫn băng rừng đi tìm nguồn nước dẫn về, khai hoang đất đá để “biến” vùng đất cằn cỗi này trở thành đồng ruộng màu mỡ. Tiếp đó là chuỗi ngày dài cầm tay chỉ việc, nói cho dân hiểu, làm cho dân tin... Nhưng cũng phải kể tới những giọt mồ hôi của người dân Ma Coong đổ ra trên đồng ruộng, họ rất chịu khó lắng nghe, chăm học hỏi và siêng năng lao động. Có thể nói, những hạt lúa vàng trên đỉnh núi quanh năm sương gió này chính là minh chứng cho sự ấm no và nghĩa tình quân dân rất sâu nặng nơi vùng biên. Việc trồng lúa nước đã thực sự trở thành “cần câu” để bà con dần ổn định đời sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Được mùa lúa, bà con Ma Coong ở Thượng Trạch Tết năm nay không còn chờ gạo hỗ trợ như những Tết trước nữa.

Là loại cây mới có mặt tại vùng đất Thượng Trạch này trong mùa vụ năm 2021, nhưng sắn đã mang lại tổng sản lượng trên 2.000 tấn. Do khó khăn trong khâu vận chuyển nên giá thu mua tại chỗ chỉ 1.500 đồng/kg nhưng đã mang lại doanh thu trên 3 tỷ đồng cho gần 240 hộ trồng sắn. Đây không chỉ là niềm vui lớn trong một vụ mùa mà mở ra niềm hy vọng, hướng đi mới cho 668 hộ dân Thượng Trạch thoát nghèo.

Năm 2022, Thượng Trạch có khoảng gần 300 hộ đồng bào tham gia trồng sắn. Tiếp tục chăm sóc 75ha rừng gồm các loại gỗ quý, như: dổi, lát, huê, các diện tích cây ăn quả, bà con sẽ trồng mới 80ha rừng; tập trung nâng cao hiệu quả của Hợp tác xã Cà Roòng, mở rộng thị trường và đa dạng hóa sản phẩm; phát triển chăn nuôi theo hướng chuồng trại…

Tỉnh Quảng Bình hiện đã thống nhất về việc đầu tư một số dự án trên địa bàn như: Hoàn thành kéo điện lưới về hai xã Tân Trạch và Thượng Trạch; đầu tư chợ, trụ sở xã, nước sinh hoạt; trồng rừng gỗ lớn; lựa chọn và xây dựng các mô hình kinh tế… Thượng Trạch ngày mới ngày càng đổi thay.

Đọc thêm