Chuyện thú vị về nguyên soái Stalin

(PLO) -Ngày 21/12/2016 là kỷ niệm 137 năm ngày sinh Yosif Vissarionovich Stalin - Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô, Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng dân ủy Liên Xô, Tổng tư lệnh tối cao quân đội Liên Xô, Nguyên soái Liên Xô, Anh hùng Liên Xô. Một số câu chuyện và mấy tấm ảnh đặc sắc về ông cho thấy một hình ảnh Stalin khác hẳn, hoàn toàn không như những gì người đời khoác lên ông, tô vẽ cho ông, hay nói như ông từng nói là “đổ rác” lên mộ ông...
V. I. Lenin và I. V. Stalin, năm 1919.
V. I. Lenin và I. V. Stalin, năm 1919.

Nhiều người sợ nói chuyện với I. V. Stalin vì rất ít khi thấy ông cười. Nhưng khi ông đã cười thì rất tự nhiên, hồn hậu và hiền từ, vẻ trầm ngâm, nghiêm khắc của ông biến đi đâu mất.

“Bình rượu” đặc biệt

Nguyên soái Liên Xô, từng là Tổng tham mưu trưởng Quân đội Liên Xô Matvey Sergeyevich Stemenko kể lại: Sau Hội nghị tác chiến chiến lược ngày 27/7/1944 của Đại bản doanh Bộ Tổng tư lệnh tối cao Quân đội Liên Xô, như thường lệ, I. V. Stalin mời tất cả các nguyên soái, tướng lĩnh và cán bộ cao cấp các ngành kinh tế, tài chính, công nghiệp quốc phòng về ăn cơm tối tại nhà nghỉ của ông ở Kuntsevo, ngoại ô Moskva.

Thức ăn cũng không cầu kỳ, chỉ gồm súp bắp cải, khoai tây hầm với thịt ninh nhừ, đậu cover nấu với thịt cừu, bánh mỳ trắng, bánh mỳ đen, đương nhiên là có các loại rượu và tráng miệng bằng nước chè. Thức ăn đã nấu sẵn để trên cái bàn lớn ở góc phòng, ai muốn ăn gì thì tự đến đó mà lấy, ai thích uống rượu gì thì cũng tự đến đó mà rót. Tuyệt đối không bao giờ có chuyện người bồi bàn bưng bê, kẻ hầu hạ tiếp rót trong nhà riêng của Stalin ở Kuntsevo.

S. M. Stemenko đã nhiều lần dự những bữa cơm như vậy ở nhà nghỉ này nên rất quen thuộc và từ lâu đã để ý đến một cái bình pha lê rất đẹp, cổ thon, đựng một chất nước không màu gì đó, luôn đặt trước mặt Stalin trên bàn ăn. Trước bữa ăn, Stalin thường uống một hai ly rượu Cognak nhỏ, còn trong bữa ăn, ông chỉ dùng rượu nhạt chưng cất thủ công “Khvanchkala” của Gruzia trong chai có dán nhãn đánh máy chữ. Ông cũng chỉ rót ¾ cốc rượu rồi đổ thêm vào đó chất nước trong cái bình pha lê nọ.

S. M. Stemenko cũng là người sành rượu, ông dùng cả Vodka và Cognak. Ông đoán rằng trong cái bình pha lê kia là một loại Vodka hảo hạng nào đó mà Stalin rót vào rượu nhạt cho thêm đậm. Hôm đó, S. M. Stemenko bận công việc nên vào muộn và được Stalin gọi đến ngồi cạnh ông. Lợi dụng lúc chủ nhân bữa tiệc sang bàn bên lấy thêm thức ăn, S. M. Stemenko vội với lấy cái bình pha lê và tự rót cho mình một cốc đầy. Ông tự nhủ: “Bây giờ thì mình có thể thưởng thức loại Vodka đặc biệt này rồi.”

S. M. Stemenko chờ đến lúc mọi người cùng nâng cốc chúc mừng Stalin và chúc tụng lẫn nhau rồi nâng cốc uống cạn. Hóa ra đó là… nước lọc. Lại lạnh nữa chứ. S. M. Stemenko cảm thấy ngượng quá nhưng cũng phải gắp vài miếng nhắm nháp gọi là, làm như mình vừa uống rượu thật. Tuy nhiên, tất cả không qua được mắt I. V. Stalin. Một lúc sau, Stalin nháy mắt với Stemenko, cười mỉm rồi hỏi khẽ chỉ để hai người đủ nghe: “Thế nào ? Có đậm không ?” 

Câu chuyện về cái bình rượu đặc biệt của I. V. Stalin là thế. Và S. M. Stemenko nhớ mãi chuyện này như một ấn tượng tốt đẹp của ông về I. V. Stalin.

I. V. Stalin khi đang hoạt động cách mạng tại vùng Tsaritsyn (nay là Volgograt) trước Cách mạng tháng 10.
I. V. Stalin khi đang hoạt động cách mạng tại vùng Tsaritsyn (nay là Volgograt) trước Cách mạng tháng 10.

100 khẩu pháo chiến lợi phẩm

Đại tướng Aleksey Innokenchievich Antonov, cũng từng là Tổng tham mưu trưởng Quân đội Liên Xô khi S. M. Stemenko còn là Cục trưởng Cục tác chiến, nguyên Tổng tham mưu trưởng của Khối quân sự Hiệp ước Warszawa cũng có một kỷ niệm “lạnh gáy” khi làm việc ở Đại bản doanh.

Số là trong báo cáo chiến đấu của Phương diện quân Voronezh gửi về Đại Bản doanh sau chiến dịch “Rumiyantsev” giải phóng Kharkov tháng 8/1943 có đề cập đến việc Phương diện quân đã chiếm được khoảng 100 khẩu pháo của quân đội Đức Quốc xã. Chủ nhiệm khu vực mặt trận đã nhận báo cáo này qua máy điện báo mã hóa, đánh máy lại, ký xác nhận rồi gửi lên Văn phòng Tổng tư lệnh tối cao. I. V. Stalin lập tức gọi điện thoại cho A. I. Antonov và hỏi:

“- Thế quân ta có chiếm được cả đạn pháo không ?” A. I. Antonov trả lời là Bộ Tổng tham mưu cũng mới nhận được báo cáo và đang yêu cầu xác minh cụ thể. I. V. Stalin bảo phải hỏi ngay và báo cáo lại gấp.

Bộ Tổng tham mưu liên lạc lại với Bộ Tham mưu Phương diện quân Voronezh; tuy nhiên, cơ quan tác chiến Phương diện quân nói cần có thời gian để tìm hiểu thêm. I. V. Stalin lại gọi điện hỏi A. I. Antonov và bảo: “- Nếu với khoảng 100 khẩu pháo ấy mà có kèm theo đạn của nó thì chúng ta sẽ có thể tổ chức ít nhất là 20 trung đội pháo. Vậy ta chiếm được bao nhiêu đạn ?” A. I. Antonov trả lời là chủ nhiệm hướng đang tiếp tục xác minh. Stalin đặt mạnh ống nghe xuống, tỏ vẻ không hài lòng.

Đến khi cơ quan tác chiến Phương diện quân Voronezh báo cáo lại là chỉ chiếm được 10 khẩu pháo, trong đó có 6 khẩu đã hỏng, 4 khẩu còn dùng được thì A. I. Antonov đã bắt đầu cảm thấy lạnh gáy. Bởi trong một chiến dịch mà thu được 100 khẩu pháo không phải là chuyện nhỏ. A. I. Antonov lệnh cho vị đại tá chủ nhiệm hướng phải khẩn trương làm rõ mọi chuyện trước khi Bộ Tổng tham mưu báo cáo lại với Stalin.

Té ra là báo cáo gốc được lưu tại Cơ quan bảo mật của Phương diện quân Voronezh chỉ ghi trong mục “Chiến lợi phẩm” là 10 khẩu pháo. Trong khi truyền đi bức điện trên máy Bodo về Bộ Tổng tham mưu, cô điện tín viên phụ trách phiên trực đã “nhỡ tay” truyền thêm một con số không “0” vào sau số 10 mà không biết. A. I. Antonov gọi gấp S. M. Stemenko đến và bảo: “Giông tố sắp nổi lên đến nơi rồi. Ta thống nhất là đợi đến phiên báo cáo buổi tối hẵng hay. Biết đâu Stalin sẽ quên đi”. Ai cũng biết trong quân sự, báo cáo láo là tội rất nặng.

Nhưng Stalin không quên chuyện đó. Và đúng là giông tố đã nổi lên trong Đại bản doanh. Stalin phê phán gay gắt Bộ Tổng tham mưu và cơ quan tham mưu Phương diện quân Voronezh là tắc trách, lơ là trong công tác, quan liêu, thiếu kiểm tra, khờ khạo .v.v… và .v.v… Ai cũng nghĩ rằng từ Tổng tham mưu trưởng đến Cục trưởng cục tác chiến, từ Chủ nhiệm hướng đến Bộ tham mưu phương diện quân và đến cả cô điện tín viên bất hạnh kia sẽ chịu kỷ luật rất nặng.

Song, Stalin không làm thế. Ông bảo: “- Tất nhiên là phải nhắc nhở các điện tín viên phải chú ý. Nhưng không thể bắt lỗi họ được vì các bức điện đều được mã hóa, họ không thể hiểu nội dung bức điện. Chính chủ nhiệm hướng nhận báo cáo phải có trách nhiệm kiểm tra lại các con số. Và chính các đồng chí (chỉ Antonov và Stemenko) cũng phải kiểm tra lại.

Vì đây không phải là một hay hai khẩu pháo và không phải ngày nào chúng ta cũng chiếm được một số lượng pháo lớn như vậy.” Và I. V. Stalin ra lệnh cách chức vị đại tá chủ nhiệm hướng, điều chuyển đi nhận công tác ít quan trọng hơn. Câu chuyện về 100 khẩu pháo chiến lợi phẩm cũng được A. I. Antonov nhớ mãi.

I. V. Stalin làm việc với V. I. Lenin ở Gorky, năm 1921.
I. V. Stalin làm việc với V. I. Lenin ở Gorky, năm 1921.

Phong cách làm việc độc đáo

Kể cả trong chiến tranh cũng như trong thời bình, thời gian rảnh rỗi của I. V. Stalin rất ít, ông thường làm việc đến 3 hay 4 giờ sáng sau đó ngủ một giấc đến 8 sáng và 10 giờ sáng lại tiếp tục một ngày làm việc mới. Các cán bộ cao cấp giúp việc cho ông cũng phải làm việc theo lịch này.

Trong các cuộc họp Đảng, ông chỉ là người nêu vấn đề rồi yêu cầu các trợ thủ cho ý kiến. Thỉnh thoảng ông hỏi lại một số điều chưa rõ hoặc kiểm tra xem cấp dưới có tập trung suy nghĩ vào vấn đề được đặt ra hay không. Cuối cuộc họp, ông khái quát lại những vấn đề đã bàn bạc và yêu cầu tập thể biểu quyết. 

Về các vấn đề quân sự, I. V. Stalin lại đề cao trách nhiệm cá nhân. Ông yêu cầu các báo cáo kết quả chiến đấu, các kế hoạch tác chiến chỉ do hai người: Tư lệnh phương diện quân và tham mưu trưởng cùng ký. Chỉ có những vấn đề quan trọng mới có thêm Ủy viên thứ nhất Hội đồng quân sự (thay cho chức vụ chính ủy trước năm 1943) tham ký.

Những nhà viết sử sau này đã hiểu sai hoặc xuyên tạc việc Stalin bãi bỏ chế độ chính ủy vào năm 1943. Thay vào đó, Stalin đã đặt ra chế độ Hội đồng quân sự, một tập thể lãnh đạo quân sự của Đảng trong các đơn vị quân đội, thay cho chế độ một cá nhân (chính ủy) đồng chịu trách nhiệm với tư lệnh.

Nguyên soái Liên Xô Klimen Efimovich Voroshilov, một trong 5 nguyên soái Liên Xô đầu tiên đã bị I. V. Stalin bác đề nghị khen thưởng bởi vi phạm nguyên tắc này trong chiến dịch đổ bộ Kerch đầu năm 1944. Để báo báo cáo quyết tâm tác chiến trên khu vực do mình phụ trách, K. E. Voroshilov đã gửi lên Đại bản doanh một kế hoạch tác chiến dưới dạng một biên bản có 10 chữ ký của đại diện Đại bản doanh Voroshilov, Phó tổng tham mưu trưởng Stemenko, Tư lệnh phương diện quân Bắc Kavkaz, Tham mưu trưởng Phương diện quân Bắc Kavkaz, Ủy viên thứ nhất Hội đồng quân sự Phương diện quân Bắc Kavkaz.

Tư lệnh cụm Biển Đen của Phương diện quân Bắc Kavkaz, Tham mưu trưởng cụm Biển Đen, Ủy viên thứ nhất Hội đồng quân sự cụm Biển Đen, Tư lệnh Hạm đội Biển Đen và Tham mưu trưởng Hạm đội Biển Đen. I. V. Stalin gọi đó là cái “biên bản họp ban quản trị nông trang tập thể” chứ không phải là văn kiện tác chiến của một cơ quan chỉ huy một đơn vị quân sự...

(Còn tiếp)