Chuyện về căn nhà của “cha đẻ” vaccine đầu tiên

(PLVN) - Louis Pasteur được thế giới công nhận là cha đẻ của vaccine, nhưng thực tế người đầu tiên đặt nền móng cho vaccine và miễn dịch học lại là Edward Jenner, một bác sĩ danh dự trong hội Hoàng gia London, Anh. 
Bảo tàng về bác sĩ Jenner.
Bảo tàng về bác sĩ Jenner.

Trước Covid, ngôi nhà cũ của Edward Jenner tại Berkeley (Gloucestershire) là điểm đến tưởng nhớ đến ông và những đóng góp của ông cho ngành y tế thế giới. Tiếc rằng, bởi đại dịch điểm đến này sẽ đóng cửa cho đến mùa xuân năm 2021. 

Ngôi nhà của bác sĩ Edward Jenner…

Sinh ra ở Berkeley (Gloucestershire), Edward Jenner (1749 – 1823) vốn là con trai của một cha xứ, sau là một bác sĩ và là người tiên phong về tiêm phòng bệnh đậu mùa ở Anh thời bấy giờ. Lên 14 tuổi, ông thực tập tại phòng khám của một bác sĩ phẫu thuật địa phương và sau đó được đào tạo ở London. Năm 1772, Jenner trở về Berkeley và dành phần lớn thời gian còn lại của sự nghiệp để làm bác sĩ ở quê nhà. Đáng nói năm 1798, bác sĩ Jenner đã công bố một trong những tài liệu quan trọng bậc nhất trong lịch sử y học thế giới, ý tưởng đã cứu sống vô số con người sau này và giúp thay đổi cách chúng ta đối phó với bệnh dịch. 

Năm 1796, bác sĩ Jenner thực hiện một thí nghiệm nổi tiếng trên một cậu bé 8 tuổi tên là James Phipps. Tại thời điểm ấy, bệnh đậu mùa là một trong những bệnh dịch gây chết người nguy hiểm nhất, đã cướp đi mạng sống của hàng trăm triệu người trên thế giới, đặc biệt rất nhiều ca tử vong đều là trẻ em. Từ một kinh nghiệm dân gian rằng những người vắt sữa đã mắc bệnh đậu mùa nhẹ ở bò (cowpox) thì sẽ không bị bệnh đậu mùa ở người (smallpox), Jenner đã lấy mủ mụn của bò bị đậu mùa và tiêm vào vết rạch trên tay cậu bé Phipps.  Sau đó, Jenner đã chứng minh được câu bé Phipps đã miễn dịch với bệnh đậu mùa ở người sau khi tiêm mủ mụn của bò bị đậu mùa. 

Năm 1797, ông đã gửi báo cáo về thí nghiệm này lên Hội Khoa học Hoàng gia, nhưng lúc này chỉ được trả lời rằng ông cần nhiều bằng chứng hơn. Sau đó, Jenner đã thí nghiệm trên nhiều trẻ em khác cách thức tiêm chủng nêu trên, bao gồm cả đứa con trai 11 tháng tuổi của ông. Năm 1798, kết quả thí nghiệm của ông cuối cùng cũng được công bố. Từ đó, thuật ngữ “vaccine” ra đời, bắt nguồn từ từ “vacca” có nghĩa là “con bò cái” trong tiếng Latinh, sau thí nghiệm của Jenner. 

Mặc dù Jenner đã bị chỉ trích rất nhiều bởi các nhà phê bình, giáo sĩ… là không có y đức. Nhưng tiêm vaccine nhanh chóng trở nên phổ biến bởi khả năng phòng bệnh của nó đã cứu sống rất nhiều mạng người. Sau khi nổi tiếng, Jenner đã dành phần lớn thời gian của mình cho việc nghiên cứu và tư vấn phát triển vaccine ở nhiều vùng khác nhau, nhằm đảm bảo vaccine sẽ được cung cấp miễn phí cho những người cần nó nhất. Ông cũng chuyển đổi ngôi nhà trong vườn của mình thành phòng tiêm chủng vaccine đầu tiên trên thế giới, ông gọi nó là “Đền Vaccinia” (Temple of Vaccinia).

Bác sĩ Edward Jenner.
Bác sĩ Edward Jenner. 

Tiêm phòng đã sớm được áp dụng trên khắp thế giới và nhiều người đã được cứu sống. Năm 1966, Tổ chức Y tế Thế giới quyết định cố gắng loại trừ bệnh đậu mùa trên toàn thế giới. Các nhà y học và nhà khoa học từ tất cả các quốc gia đã làm việc cùng nhau để xác định và theo dõi các trường hợp mắc bệnh đậu mùa trước khi tiêm chủng và khoanh vùng những người có nguy cơ mắc bệnh để thực hiện tiêm chủng vaccine. Đến năm 1979 bệnh đậu mùa đã không còn là cơn ác mộng của thế giới nữa, hầu như không có ca nhiễm mới nào được ghi nhận. 

Nhưng câu chuyện không kết thúc ở đó. Lấy cảm hứng từ bác sĩ Jenner, các nhà nghiên cứu tiếp tục tìm ra vaccine để phòng ngừa các loại bệnh dịch khác. Ước tính, tiêm chủng vaccine cứu sống từ 2-3 triệu người mỗi năm. Đây cũng là một trong những thành quả phát hiện vĩ đại nhất thế giới. Nhà báo Andrew Marr từng nói về bác sĩ Jenner như sau: “Không có con người nào đã cứu được nhiều mạng sống hơn trong lịch sử so với người bác sĩ giản dị đến từ vùng quê Gloucestershire.”

Có thể sẽ đóng cửa vĩnh viễn bởi Covid-19

Ngôi nhà cũ ở Gloucestershire là nơi Edward Jenner đã sinh ra, lớn lên và dành hầu như toàn bộ thời gian nghiên cứu và làm việc tại đó.  Bản thân nơi này có thể “kể” cho cả thế giới biết về công việc và tính cách của người bác sĩ đáng kính này. Bác sĩ Jenner cũng được nhớ đến với những sở thích đa dạng, như thơ ca, âm nhạc, bay khinh khí cầu và sưu tầm hóa thạch. Đến đây, du khách có thể khám phá các công trình của Jenner, hay đi dạo quanh khu vườn của ông, hoặc thăm quan Đền Vaccinia – nơi ông đã tiêm phòng miễn phí cho người dân Berkeley. Không dừng ở đó, bảo tàng ở làng Berkeley còn mở rộng hơn về tiêm chủng vaccine và miễn dịch học trên thế giới. Lấy nghiên cứu của bác sĩ Jenner làm khởi điểm, bảo tàng khai thác các câu chuyện lịch sử quan trọng gắn với tiêm chủng y học nói chung, từ Gloucestershire vào những năm 1790 đến Somalia trong những năm 1970.

Khu vườn của bác sĩ Jenner.
Khu vườn của bác sĩ Jenner.

Kể từ khi dịch bệnh Covid bùng phát, ngôi nhà của Edward Jenner quá nhỏ để có thể thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội an toàn. Do đó, ngôi nhà này đã bị đóng cửa từ tháng 2/2020 và tiếp tục đóng cửa cho đến mùa xuân năm 2021. Tức bảo tàng mini về bác sĩ Edward Jenner lưu giữ những câu chuyện đáng kinh ngạc của “cha đẻ ngành miễn dịch học” người Anh, đã bị buộc phải đóng cửa trong suốt hơn một năm trong giai đoạn Covid-19, và có thể vẫn sẽ phải đóng cửa tiếp. Nhưng kể cả sau khi dịch bệnh kết thúc, người ta lo ngại rằng điểm đến này có thể sẽ khó thể tiếp tục duy trì. 

Bảo tàng nhỏ ở làng Berkeley đã và đang đối mặt với khủng hoảng tài chính trước khi đại dịch bùng phát. Vị bác sĩ người Anh đã có nhiều đóng góp trong lịch sử y học, nhưng ngôi nhà của Jenner lại không được nhiều người biết đến, dù đã mở cửa cách đây 35 năm. Theo ban quản lý bảo tàng, chỉ có khoảng 7.000 người đến thăm mỗi năm. Du khách ưu tiên đến Cotswolds, Bath, Bristol hơn là Berkeley. Cho đến năm 2020, bảo tàng này đã phải đóng cửa hoàn toàn bởi Covid vì không thể trang trải đủ các gánh nặng tài chính. 

Ông Owen Gower – quản lý bảo tàng, đã chia sẻ một cách cay đắng: “Công trình của Jenner giúp xoá bỏ dịch bệnh, nhưng trớ trêu thay chính chúng tôi giờ phải đóng cửa nơi này vì dịch bệnh”. Người quản lý cho biết 70% thu nhập của nhân viên bảo tàng đến từ du khách, họ không có bất kỳ khoản trợ cấp thường xuyên nào của chính phủ. Do vậy, khi du lịch bị “đóng băng” bởi dịch bệnh, toàn bộ thu nhập của đội ngũ nhân sự của bảo tàng gần như … biến mất. 

Ông Gower giải thích: “Vì là một ngôi nhà gia đình nhỏ. Không gian nhỏ trước đây là nét hấp dẫn nhưng bây giờ là thách thức trong việc vận hành làm sao cho khách tham quan an toàn trong bối cảnh Covid-19”. Mặt khác, cũng vì quy mô khiêm tốn của nó khiến việc tái thiết lập vận hành bảo tàng nhỏ này hậu đại dịch trở nên khó khăn hơn bởi không có nguồn đầu tư. Nhiều người yêu mến và ủng hộ bác sĩ Jenner đã nỗ lực gây quỹ cộng đồng và giúp quyên góp đủ tiền để đảm bảo tương lai của ngôi nhà nhỏ này cho đến mùa xuân năm 2021. 

Jenner Trust, tổ chức từ thiện gây quỹ cho bảo tàng, cũng có những kế hoạch đầy tham vọng để định hình lại những gì bảo tàng đã làm được trong quá khứ, mở rộng phạm vi hoạt động để truyền cảm hứng cho không chỉ những người đã đến thăm trực tiếp mà còn để tiếp cận với các du khách trên thế giới thông qua các sự kiện và hội nghị trực tuyến. Tổ chức này cũng đang tìm kiếm nguồn tài trợ dù chỉ có hi vọng nhỏ nhoi, với mong muốn có thể tích luỹ một ngân quỹ đủ đầy để chăm sóc, bảo dưỡng ngôi nhà của bác sĩ Jenner dài lâu.

Dù vậy, khả năng bảo tàng này có thể bị đóng cửa vĩnh viễn vẫn hoàn toàn có thể xảy ra. Ông Gower chia sẻ: “Chúng tôi đang cố gắng nhìn về tương lai. Chúng tôi muốn những gì chúng tôi đang có ở đây có thể tiếp cận được với toàn thế giới, không chỉ với những người đến Berkeley ”. 

Đọc thêm