Bật mí về nghệ thuật “giữ chồng” của vợ nhạc sĩ Lê Dinh

(PLVN) - “Cô Tám là người rất khéo, có trình độ và rất tinh tế. Cô ấy đủ khả năng để giữ được tâm hồn bay bổng, lãng mạn của chồng bên cạnh những bóng hồng luôn vây quanh. Thấy chồng đi cùng người khác, cô Tám chỉ bước ra chặn trước đầu xe để nhạc sĩ Lê Dinh thấy vợ mình, rồi cô lặng lẽ bước vào trong không thêm câu gì”, danh ca Phương Dung bật mí cách “đánh ghen” của vợ nhạc sĩ Lê Dinh.
Nhạc sĩ Lê Dinh.
Nhạc sĩ Lê Dinh.

Nhạc sĩ Lê Dinh đã đem “tình yêu trả lại trăng sao”

Nhạc sĩ Lê Dinh (tên thật Lê Văn Dinh, sinh năm 1934) -tác giả của ca khúc nổi tiếng“Tình yêu trả lại trăng sao” vừa qua đời ngày 9/11 tại Canada, hưởng thọ 86 tuổi. Sinh ra tại Gò Công (nay là Tiền Giang) - vùng đất khá phổ biến loại hình cổ nhạc của miền Nam thời đó nên từ bé, Lê Dinh đã chịu ảnh hưởng bởi những âm điệu của vọng cổ, của bài Bình bán, của điệu Tây Thi. Vì vậy mà nhạc Lê Dinh mang đậm bản sắc riêng với hai thể loại là nhạc tình và nhạc quê hương.

Bắt đầu sáng tác từ năm 1953 nhưng mãi tới năm 1956, nhạc sĩ Lê Dinh mới chính thức ra mắt nhạc phẩm “Làng anh làng em”. Nhắc đến Lê Dinh, người ta sẽ nhớ đến một nhạc sĩ sở hữu gia tài âm nhạc đồ sộ với các sáng tác bất hủ, làm mê đắm lòng người như: “Tình yêu trả lại trăng sao”, “Chiều lên bản thượng”, “Cánh thiệp hồng”, “Ngang trái”, “Xác pháo nhà ai”, “Thương một đời hoa”…

Vốn ưa chuộng lối sống bình dị nên việc lấy cảm hứng sáng tác của Lê Dinh khá gần gũi. Từ một sự việc bất chợt xảy đến hay kỷ niệm thoáng qua, từ một quyển sách, từ một bài thơ hoặc hoàn cảnh của bạn bè… tất cả đều có thể trở thành chất liệu sáng tác của ông.

Lê Dinh viết nhạc khá nhanh và không cầu kỳ. Ông có thể làm nên những tuyệt phẩm ngay cả khi đang lái xe đến nơi làm việc hoặc một buổi tối bình yên bên tách trà sữa nóng. Lê Dinh thường sáng tác nhạc song song với lời ca, một câu nhạc là một câu lời và ông có thể sáng tạo ở nhiều thể loại âm nhạc, làn điệu như: bolero, tango, habanera…

Nhạc sĩ Lê Dinh vốn được đào tạo ngành vô tuyến điện và có thời gian dạy học ở quê nhà. Ông lập gia đình với một cô giáo đồng hương, có tên là Kim Quyên và sống hạnh phúc cho đến hôm nay.

Nhóm Lê Minh Bằng thời trẻ (ảnh tư liệu).
Nhóm Lê Minh Bằng thời trẻ (ảnh tư liệu).  

Trong chương trình “Chân dung cuộc tình”, danh ca Phương Dung cho biết, nhạc sĩ Lê Dinh là người đầu tiên có sức ảnh hưởng đặc biệt với bà. Bài hát thu âm lần đầu tiên cho hãng đĩa Việt Nam của “nhạn trắng Gò Công” cũng là ca khúc do chính nhạc sĩ Lê Dinh sáng tác. 

Vào những năm thập niên 50, tên tuổi nhạc sĩ Lê Dinh nổi tiếng trên nhiều diễn đàn văn nghệ. Tuy nhiên, phía sau hào quang sự thành công của cha đẻ ca khúc bất hủ“Tình yêu trả lại trăng sao” không thể không nhắc đến sự hy sinh của vợ ông - bà Kim Quyên (hay được gọi với cái tên cô Tám).

“Cô Tám rất đẹp, ở Gò Công ai cũng biết. Từ khi lên Sài Gòn cùng chồng, cô chấp nhận làm người nội trợ chăm lo cho cuộc sống gia đình. Cô chưa bao giờ tham gia tiệc tùng hay sánh bước bên chồng ở bất kỳ cuộc vui nào để thầy Lê Dinh có sự tự do và thoải mái. Vì có một người vợ vẹn toàn như thế nên người nhạc sĩ tài hoa này lúc nào cũng chuyên tâm vào công việc sáng tác để ra đời những tác phẩm hay”, danh ca Phương Dung chia sẻ.

Nữ danh ca còn bật mí: “Cô Tám là người rất khéo, có trình độ và rất tinh tế. Cô ấy đủ khả năng để giữ được tâm hồn bay bổng, lãng mạn của chồng bên cạnh những bóng hồng luôn vây quanh. Thấy chồng đi cùng người khác, cô Tám chỉ bước ra chặn trước đầu xe để nhạc sĩ Lê Dinh thấy vợ mình, rồi cô lặng lẽ bước vào trong không thêm câu gì”.

Lê Minh Bằng và bút danh nhiều “không đối thủ”

Ngoài sự nghiệp sáng tác đơn với hơn 100 ca khúc, nhạc sĩ Lê Dinh còn cho ra đời nhiều nhạc phẩm nổi tiếng khi kết hợp cùng hai nhạc sĩ Minh Kỳ (sinh năm 1930 tại Khánh Hòa, mất năm 1976) và Anh Bằng (sinh năm 1925 tại Thanh Hóa, mất năm 2015). Nhóm nhạc này thành lập năm 1966 và hoạt động đến năm 1975. 

Ngoài nghệ danh Lê Minh Bằng, nhóm còn dùng các bút danh như: Vũ Chương, Mạc Phong Linh, Mai Thiết Lĩnh, Mai Bích Dung, Dạ Ly Vũ, Dạ Cầm, Giang Minh Sơn, Hoàng Minh, Trần An Thanh, Tây Phố, Trúc Ly, Tôn Nữ Thụy Khương, Phương Trà, Huy Cường, Mặc Vũ…

Những ca khúc nổi tiếng được viết dưới tên Lê Minh Bằng có thể kể đến như: “Đêm ngoại ô”, “Chuyện ba mùa mưa”...; với bút danh Mai Bích Dung như:“Cho người tình nhỏ”, “Linh hồn tượng đá”… Ngoài ra, còn có rất nhiều những sáng tác thành công của 3 nhạc sĩ như: “Cô hàng xóm” (ký tên Giang Minh Sơn), “Đà Lạt hoàng hôn” (Dạ Cầm), “Mưa trên phố Huế” (Tôn Nữ Thụy Khương), “Chuyện tình Lan và Điệp” - 1, 2, 3 (Mạc Phong Linh - Mai Thiết Lĩnh)…

Trong bút ký của mình, nhạc sĩ Lê Dinh kể rằng, có người hỏi tại sao người khác muốn tạo một tên tuổi rất khó nhưng nhóm Lê Minh Bằng lại dùng rất nhiều bút danh. Theo nhạc sĩ Lê Dinh, trong thời gian đầu thành lập, nhóm muốn thử nghiệm một loại nhạc hợp với đa số người thưởng thức: giản dị, nhạc dễ nhớ, lời dễ hiểu, dễ thuộc… Nếu được khán thính giả chấp nhận thì là một điều hay, còn nếu không thì cũng chẳng sao, không ảnh hưởng gì đến tên tuổi của 3 người.

Tuy nhiên, nhóm không thể ngờ được những bài như: “Cô hàng xóm”, “Chuyện tình Lan và Điệp” - 1, 2, 3 và nhiều bài khác cũng thuộc loại bài có lời ca hợp với đa số người bình dân, được phần đông mến chuộng. Bằng chứng là các đại lý yêu cầu tái bản tới tấp, nhóm phải có mặt suốt đêm trong nhà in để lo in cho kịp. Có nhiều bài có mức phát hành lên đến cả trăm nghìn bản.

“Chúng tôi đúc kết được điều quý giá là muốn một bài hát được phổ thông và được chấp nhận thật sâu trong công chúng, ngoài nét nhạc dễ thuộc, dễ nhớ… còn phải thật dễ thương. Nghĩa là âm điệu phải uyển chuyển, có hồn nhạc, thính giả dễ nhớ thoang thoáng âm điệu khi nghe qua lần đầu. Về phần lời ca, đừng quá giản dị nhưng cũng đừng quá cầu kỳ, đừng bắt người ta nghe nhưng không hiểu gì hết”, nhạc sĩ Lê Dinh từng kể.

Ngoài sáng tác ca khúc, tại số nhà 102/8 Hai Bà Trưng (Tân Định, Sài Gòn), nhóm này còn mở lớp dạy nhạc có tên “Lớp nhạc Lê Minh Bằng”. Họ thay phiên nhau giảng dạy về lý thuyết và thực hành. Có khoảng 100 học viên nam nữ theo học, sau này đã có những ca sĩ nổi tiếng như: Kim Loan, Giáng Thu, Trang Mỹ Dung…

Trong bút ký của mình, nhạc sĩ Lê Dinh kể, trong bộ môn nào cũng vậy, nhất là âm nhạc, phần lý thuyết là phần nhàm chán nhất đối với các em, cho nên các em mong cho mau hết phần nhạc lý để sang phần thực hành, hát hò nhộn nhịp vui vẻ hơn.

“Thầy Bằng chỉ bảo những điểm cần thiết, còn phần căn bản để cho thầy Kỳ và thầy Dinh lo. Thế nào là xuống tone, lên tone, thăng, giáng, một cung, nửa cung, âm giai trưởng, âm giai thứ, nhất là phần xướng âm… rắc rối quá.

Thế là thầy Bằng làm cho các em vui vẻ lên, lớp học rộn rịp lên bằng cách cầm cây guitar, mở ampli, đưa micro cho các em, rồi thì tiếng vỗ tay hoan nghinh thầy Bằng vang dội từ trên lầu xuống dưới nhà. Riêng thầy Dinh, áp dụng thuyết trung dung của Khổng Tử làm kim chỉ nam. Mà chính các em cũng bảo thầy Dinh là thầy Kỳ và thầy Bằng cộng lại rồi chia làm hai”, nhạc sĩ Lê Dinh từng kể.

Đọc thêm