Nhận thông tin Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật (CH,BT&PTSV), thuộc Ban quản lý Vườn quốc gia (VQG) Phong Nha - Kẻ Bàng, tỉnh Quảng Bình đang cứu hộ, chăm sóc 3 cá thể chim Hồng hoàng để tái thả về tự nhiên, chúng tôi đã tìm đến để được mục sở thị. Lực lượng chức năng tỉnh này đã phát hiện 3 cá thể này bị nuôi nhốt trong dân cư và vận động giao nộp cho Trung tâm.
Một cá thể Hồng hoàng trống chưa trưởng thành đang được chăm sóc, cứu hộ tại VQG Phong Nha – Kẻ Bàng. |
Sắc đẹp mê đắm, huyền thoại
Theo thông tin giới thiệu từ Trung tâm này, Hồng hoàng còn có tên gọi khác Phượng hoàng đất (danh pháp khoa học là Buceros bicornis). Chúng sinh sống trong các khu rừng rậm lớn với số lượng bị đe dọa ở Ấn Độ, miền Nam Trung Quốc và một số nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Hiếm loài chim nào có tuổi thọ lớn như Hồng hoàng, khi đạt tới 50 năm trong điều kiện sống tốt.
Loài chim này là thành viên to lớn nhất trong họ Hồng hoàng. Cá thể trưởng thành có thể dài từ 0,95 - 1,2m với sải cánh rộng tới dài tới 1,52m và cân nặng từ 2,15 - 4kg. Đặc biệt, hình dáng Hồng hoàng “đánh gục” mọi ánh nhìn với bộ lông tuyệt đẹp cùng phần mỏ, mũ trên đỉnh đầu liền khối màu đen và vàng tươi. Chiếc mũ mỏ này chiếm đến 11% trọng lượng cơ thể chim. Khối mũ, mỏ này rỗng bằng keratin hay chất sừng (protein dạng sợi) kéo dài từ phần phía trên mỏ cho đến xương sọ.
Ông Trần Ngọc Anh - Phó giám đốc Trung tâm CH,BT&PTSV Phong Nha – Kẻ Bàng giới thiệu: “Giới nghiên cứu chưa xác định được mục đích khối mũ, mỏ đồ sộ ấy để làm gì, mặc dù người ta tin rằng đó là kết quả của chọn lọc giới tính. Từ khảo sát cho thấy Hồng hoàng mái nhỏ hơn con trống và tròng mắt màu xanh lam thay vì sắc đỏ sặc sỡ như chim trống. Hồng hoàng trống thường dành khá nhiều thời gian thảnh thơi trong ngày chăm chút rỉa lông để bôi chất nhờn vào lông cánh sơ cấp và mỏ để làm cho màu vàng càng tươi hơn theo tuổi thọ”.
Bộ lông của những chú Hồng hoàng trưởng thành sang trọng, nổi bật giữa rừng xanh là sự hòa quyện với 3 gam màu chủ đạo: trắng, đen tuyền và vàng tươi. Chính kích thước to lớn và những sắc màu ấn tượng đã góp phần làm loài chim này trở thành một phần trong văn hóa, nghi lễ của một số bộ lạc ở Ấn Độ và 1 số nước Đông Nam Á. Người ta tin rằng, với sắc đẹp như huyền thoại, Hồng hoàng là hiện thân của quyền lực tối cao nơi rừng thẳm.
Đôi chim Hồng hoàng trong tự nhiên. |
Biết tặng quà “cầu hôn”, nói không với ngoại tình
Nếu bản chất chung thủy của Hồng hoàng đứng thứ 2 thì chẳng ai tìm ra loài chim thứ nhất. Nhiều nhà sinh vật học mệnh danh đây là loài chim lãng mạn nhất thế giới. Việc lựa chọn bạn đời của chúng là quá trình cực kỳ ấn tượng. Chim trống mới trưởng thành sẽ sớm lựa chọn một bạn tình dễ thương, sau đó sẽ miệt mài tặng nhiều quà đến khi “người yêu” xiêu lòng chấp nhận. Đối với một nàng Hồng hoàng mái, người bạn đời tốt nhất chính là “chàng chim” dành tặng cho mình nhiều món quà yêu thích nhất như: cành cây, động vật chết hoặc thậm chí là… xương.
Hồng hoàng là loài chim mang trái tim ấm áp và rất chung tình. Cả đời chúng sẽ không đổi bạn đời và rất tận tâm, tận lực với gia đình, chung sức nuôi chăm chim con. Loài chim này có một niềm tin to lớn vào tình yêu. Từ ngày đầu tiên cho đến khi chết, chúng sống rất hạnh phúc trong tình yêu và không bao giờ phản bội.
Hồng hoàng mái chọn nơi làm tổ trong những lỗ rỗng trên thân các cây gỗ cao lớn nhất khu rừng. Miệng tổ được bịt bằng một lớp trát bằng bùn, lá, cành cây nhỏ, chỉ chừa lại một lỗ nhỏ để chuyển thức ăn. Trước khi trát miệng thì chim mẹ đã ở trong “động cây”, đẻ từ 1 - 2 trứng và giam mình 3 - 4 tháng trong tổ để ấp trứng, chăm sóc con trưởng thành. Nguồn thức ăn nuôi sống cả gia đình thời gian này sẽ hoàn toàn cho chim trống đảm nhiệm với sự cần mẫn, miệt mài không ngưng nghỉ với hàng chục chuyến tìm kiếm thức ăn mang về tổ mỗi ngày.
Hình ảnh chim Hồng hoàng bay lượn trong tự nhiên. |
Sau khi chim con trưởng thành, Hồng hoàng mẹ sẽ quyết định mổ đi lớp bùn đất. Rào chắn được phá bỏ, chim mẹ và con sẽ được đoàn tụ với chim bố. Dù sống thành đàn từ 20 - 40 cá thể nhưng Hồng hoàng sẽ chỉ tạo thành cặp 1 vợ 1 chồng duy nhất. Nếu không may bất trắc xảy ra với bạn đời, cá thể Hồng hoàng còn lại sẽ chịu sự cô độc hết. Chẳng khác chi huyền thoại nàng Tô Thị hóa đá vọng phu thuở xưa. Người ta đã tìm thấy trên 1 vài thân cây, chim mái và chim con đã chết khô khi Hồng hoàng trống không về nữa…
Đắt gấp 3 lần… ngà voi
Bởi sắc đẹp và tập tính sinh sống của Hồng hoàng, một số bộ lạc trong rừng sâu là mối hiểm họa đe dọa sự sinh tồn của chúng. Họ ráo riết săn bắt vì một số bộ phận khác nhau của chim. Máu chim non được tin có tác dụng an ủi đối với những linh hồn đã khuất. Trước hôn lễ, người đàn ông một số bộ lạc Ấn Độ sử dụng những chiếc lông sặc sỡ của Hồng hoàng để làm mũ đội đầu, thể hiện lời hứa thủy chung. Đầu chim bị dùng làm vật trang trí.
Người đàn ông 1 bộ lạc ở châu Á với chiếc mũ đội đầu trang trí bằng mỏ Hồng hoàng. |
Phó giám đốc Trung tâm CH,BT&PTSV Phong Nha – Kẻ Bàng thông tin đáng buồn: “Hiện nay, tình trạng buôn bán mỏ, sừng Hồng hoàng chim vẫn tiếp tục ngấm ngầm theo cách khó kiểm soát do giá trị của nó khoảng hơn 6.000 USD/kg - đắt khoảng gấp 3 lần ngà voi. Nạn tàn sát voi, tê giác để lấy ngà và sừng đang dần được kiểm soát, nhưng số phận loài Hồng hoàng bị đe dọa trầm trọng vì chưa được quan tâm bảo vệ đúng mức”.
Do việc mất đi môi trường sống cũng như bị săn lùng nên Hồng hoàng được đánh giá là gần (cận) nguy cấp trong sách Đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) về các loài nguy cấp. Đây cũng là loài chim được liệt kê trong Phụ lục I của CITES (Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp).
Cũng theo ông Anh, dù ghi nhận được sự có mặt của chúng nhiều nơi ở Việt Nam nhưng chưa có một cuộc điều tra, khảo sát nào thực sự rốt ráo về số lượng cá thể Hồng hoàng. Trong những khu rừng nguyên sinh Phong Nha - Kẻ Bàng, lực lượng kiểm lâm và những người làm công tác bảo tồn bắt gặp sự xuất hiện thường xuyên bởi cánh chim bay phát ra tiếng động và màu sắc sặc sỡ của chúng trên nền trời. Hiện Trung tâm CH,BT&PTSV VQG này đang nghiên cứu đề án, xây dựng chương trình để kêu gọi bảo tồn, phát triển loài chim đặc biệt và quý hiếm cận nguy cấp này.
Trong tự nhiên, thức ăn của Hồng hoàng chủ yếu là các loại quả, hạt. Thi thoảng chúng ăn cả những loài thú nhỏ, thằn lằn, rắn và côn trùng. Những chú chim Hồng hoàng từ lâu được xem là một trong những loài gieo hạt giống hiệu quả nhất rừng nhiệt đới châu Á, là “nhà nông của các khu rừng”.
Phần mũ, mỏ Hồng hoàng được giới thợ thủ công Trung Quốc sử dụng để sáng tạo ra những tác phẩm mỹ nghệ chạm khắc giá trị rất cao. Nghệ nhân Nhật Bản cũng từng bị phát hiện chạm khắc mỏ sừng chim quý này với nhiều hình ảnh tinh xảo thành những núm dây thắt lưng Kimono nam giới. Nhiều món đồ tinh xảo làm từ mỏ sừng chim cũng đã vượt biển đến nước Anh xa xôi và trở thành thời trang của giới quý tộc thế kỷ XIX.