Chuyện về nguyên mẫu trong hai bài thơ tình Xuân Diệu

(PLO) -Tháng 5/1967, Khoa văn Trường Đại học Sư phạm Vinh chúng tôi (lúc đó trường mang tên “Trường Văn hóa 12/9”) sơ tán tại huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa mời nhà thơ Xuân Diệu đến nói chuyện. Những cuộc nói chuyện thơ tại các khóa trong khoa chúng tôi, nhà thơ Xuân Diệu thể hiện không những mình là nhà thơ tài ba mà còn là một nhà văn hóa lớn. Giọng nói của ông sang sảng và phong thái rất hùng biện.  
Hình minh họa
Hình minh họa

Có một điều mà sau này, tôi mới hiểu ra, là tại sao trong giờ nghỉ giải lao trong những lần nói chuyện ấy, thường thì những nhà lãng mạn hay gần gũi, thân mật trò chuyện với phái đẹp, nhưng nhà thơ Xuân Diệu lại xuống ngồi với bọn nam sinh viên chúng tôi.

Ông bắt tay nhiều người. Có người được ông choàng vai, rồi ghì vào lòng. Dĩ nhiên, đó là những cử chỉ rất đáng hân hạnh, nếu ai được ông ân cần như thế.

Sau này, được tỏ tường, tôi cũng như bao nhiều người cảm thấy xót xa, thương tiếc một nhà thơ viết về tình yêu nổi tiếng của Việt Nam, lại khiếm khuyết một phần cơ thể đàn ông. Có lẽ sự khiếm khuyết đó mà thơ tình yêu của Xuân Diệu càng nồng nàn, bay bổng..

Ai cũng biết, nhà báo, nhà đạo diễn điện ảnh Bạch Diệp đã từng có 4 năm làm phu nhân của nhà thơ Xuân Diệu. Bão táp đã đến với Xuân Diệu và Bạch Diệp. Bà Bạch Diệp đã sống hết mình khi làm vợ nhà thơ Xuân Diệu. Nhưng cả hai đành phải chia tay, vì ông Xuân Diệu bị… khiếm khuyết.

Chia tay mối tình ấy, Xuân Diệu đã giàn giụa nước mắt, nấc lên trong từng chữ khi viết bài thơ chia tay “Đời anh em đã đi qua” của mình:

“Đời anh em đã đi qua/Sáng thơm như một bông hoa giữa đời/Nói làm sao hết em ơi/Bốn năm kỳ diệu đất trời nhớ em/Ngôi nhà, cánh cổng, trái tim/Khóm cây, con mắt ngày đêm đón mừng/Anh đi, em hỏi thăm chừng/Anh về, miệng đã gọi mừng: anh ơi/Bữa ăn thành một hội vui/Có em, gắp với rau thôi cũng tình/Cảnh thường cũng hóa ra xinh/Có em, anh hết nghĩ mình bơ vơ/Bốn năm đầm ấm say sưa/Tình yêu biết có hạn bờ nào đâu/Bốn năm nhưng cũng qua mau/Cõi trần ai đã ở lâu thiên đường/Giã từ, từ biệt đôi phương/Đôi nơi, đôi ngả, đôi đường khổ anh/Bốn năm khép lại trời xanh/Nhớ em như một mộng lành mà thôi/Từ nay anh lại trong đời/Bữa ăn ngồi với một đôi đũa cầm/Giường kia một bóng anh nằm/Phòng văn một sách đăm đăm sớm chiều/Muôn vàn cảm tạ em yêu/Chắc cho anh biết bao nhiêu ân tình/Ai hay em đã để dành/Áng hương một thuở thơm thanh suốt đời/Sống bằng nhớ lại nguồn vui/Nhớ khi ôm cả đất trời cùng em”.

Bài thơ là tất cả nỗi niềm của nhà thơ trong cuộc đoạn tuyệt bất khả kháng với người vợ thân yêu của mình. Nó xứng đáng là một bài thơ tuyệt hay về một cuộc ly hôn tự nguyện đầm đìa nước mắt.

Trong di cảo thơ của mình, nhà thơ Xuân Diệu còn có một số bài thơ viết cho một người em, một “người yêu”, nhà thơ Hoàng Cát. Đồng tính yêu nhau, chuyện ấy bây giờ nghe không lạ tai, nhưng mấy chục năm trước, nó là chuyện “húy”, chuyện “cấm”. Nhất là những người có cương vị trong xã hội. Xuân Diệu “yêu” Hoàng Cát, điều bí mật đó mãi hơn chục năm sau người ta mới được biết.

Nhà thơ Xuân Diệu
Nhà thơ Xuân Diệu

Những ai khi đọc “Cát bụi chân ai”, hồi ký của nhà văn Tô Hoài, đoạn nói về những ngày làm việc trong cơ quan văn hóa kháng chiến thời chống Pháp đều “sửng sốt” trước một chi tiết mà tác giả đã kể lại. Chuyện rằng, tại đây, nhiều đồng chí nam (ngay cả Tô Hoài) cũng bị Xuân Diệu “quấy nhiễu”.

Tối tối, Xuân Diệu đến lân la, sờ sẫm và xin được ngủ chung. Vì thế Xuân Diệu bị mọi người lảng tránh và sau đó bị tập thể kiểm điểm, quy kết, cho đó là “tư tưởng tư sản”. Một chi tiết lý thú khác là ở hai tập “Thơ Thơ” và “Gửi hương cho gió” của Xuân Diệu, trong 100 bài thơ, có cả thảy 21 bài được ghi “gửi tặng”. Nhưng, các đối tác được tặng đều là …đàn ông cả!

Hoàng Cát nhận làm “em” Xuân Diệu lúc nào không rõ. Nhà thơ Đặng Vương Hưng có kể lại: trong một lần đến thăm nhà thơ thương binh Hoàng Cát (2003), anh đến bàng hoàng khi chủ nhân đưa ra một cuốn sổ tay đã ố vàng mà anh đã cất giữ bấy lâu, trong đó có bài thơ “Biển” chép tay và dòng chữ đề tặng rành rọt của nhà thơ Xuân Diệu “Tặng em Hoàng Cát của anh”. 

“Biển” là bài thơ tình nổi tiếng một thời của Xuân Diệu, của thơ hiện đại Việt Nam. Nó đã từng một thời đi vào trang sách học trò. Nó đã theo ba lô của bao người lính ra trận. Nó đã làm nồng nàn những cây bút lý luận, bình thơ về tình yêu.

Và, có ai ngờ, nguyên mẫu nhân vật trong bài thơ đó đích thực là hai người đàn ông, một Hoàng Cát và một Xuân Diệu đã được ẩn dụ hóa. Chuyện này duy nhất chỉ có ở Việt Nam. 

Xin chép ra đây nguyên văn bài thơ “Biển” mà chính tác giả là một trong những người biên tập đã đưa vào tuyển tập “Thơ Việt Nam” (1945-1975) do NXB Tác phẩm mới – Hà Nội ấn hành năm 1976 để mọi người một lần nữa hiểu thấu “đoạn trường” bài thơ và nỗi niềm của Xuân Diệu:

“Anh không xứng là biển xanh/Nhưng anh muốn em là bờ cát trắng/Bờ cát dài phẳng lặng/Soi ánh nắng pha lê/Bờ đẹp đẽ cát vàng/Thoai thoải hàng thông đứng/Nhưng lặng lẽ mơ màng/Suốt ngàn năm bên sóng…/Anh xin làm sóng biếc/Hôn mãi cát vàng em/Hôn thật khẽ, thật êm/Hôn êm đềm mãi mãi/Đã hôn rồi, hôn lại/Cho đến mãi muôn đời/Đến tan cả đất trời/Anh mới thôi dào dạt…/Cũng có khi ào ạt/Như nghiền nát bờ em/Là lúc triều yêu mến/ Ngập bến của ngày đêm/Anh không xứng biển xanh/Nhưng xin làm bể biếc/Để hát mãi bên gành/Một tình chung không hết/Để những khi bọt tung trắng xóa/Và gió về bay tỏa nơi nơi/ Như hôn mãi ngàn năm không thở/Bởi yêu bờ lắm lắm, em ơi. /(4/4/1962)

Đất nước có chiến tranh, Hoàng Cát và bao thanh niên, sinh viên viên tình nguyện ra trận. Tình cảm nén chặt bấy lâu, khiến Xuân Diệu viết bài “Em đi” (Viết xong lúc 23h30 ngày 11/7/1965), “Em” ở đây không phải là một người đàn bà, mà là anh Hoàng Cát, sau này là nhà thơ.

Trước ngày Hoàng Cát lên đường nhập ngũ (12/7/1965), Xuân Diệu đã viết bài thơ trong đêm 11/7/1965 để sáng sớm đến đưa tận tay chàng tân binh Hoàng Cát. Bút tích bài thơ ấy Hoàng Cát đã cất giữ suốt quãng ngày làm lính và anh đã chép lại gửi đăng báo Nhân dân số trước Tết Kỷ Tỵ (1989).

Bài thơ gồm 6 khổ, 24 câu, trong đó có những câu và đoạn: Nụ cười em nở, tay em vẫy/ Ôi mặt em thương như đóa hoa/…Em hẹn sau đây sẽ trở về/ Sống cùng anh lại những say mê…/Áo chăn em gửi cho anh giữ/ Xin giữ cùng em cả lời thề/ Một tấm lòng em sâu biết bao/ Để anh thương mãi, biết làm sao/ Em đi xa cách, em ơi Cát/ Em chớ buồn, nghe/ Anh nhớ yêu.

Không có một “tình yêu” thì nhà thơ Xuân Diệu không thể viết được như thế.

Năm 1985, nhà thơ Xuân Diệu đã xa trần thế, về sống trong cõi hư vô. Dẫu vậy, ông vua thơ tình yêu của Việt Nam ấy vẫn còn ấm áp mãi trong lòng bao công chúng. Và, những bài thơ về tình yêu đích thực trong cuộc đời của ông vẫn long lanh, thơm ngát, chấp chới giữa trời sao thơ của riêng ông, và cũng của mọi người.

Riêng Hoàng Cát, những ngày làm lính Trường Sơn, một thời sống trên vùng đất lửa Quảng Bình đã sáng tác nhiều thơ và cả viết ký. Một số bài thơ và bài ký của Hoàng Cát đã được in trên tạp chí Văn Nghệ Quảng Bình. Chúng tôi đã được đọc những sáng tác văn chương của người lính, sau này là thương binh Hoàng Cát với tấm lòng ngưỡng mộ, mến yêu.

Sau ngày xuất ngũ, nhà thơ Hoàng Cát đã lấy vợ. Con gái rượu của anh nay là một biên tập viên giỏi tay nghề của đài Truyền hình Việt Nam. Nhớ đến người anh Xuân Diệu, nhà thơ Hoàng Cát thường nói với mọi người: “Đó là một nhà thơ tài năng và là người anh đáng yêu, đáng thương của tôi”.