Chuyện vốn chính sách ở Vĩnh Linh anh hùng

(PLO) - Nhìn những cánh đồng ngát xanh, những vườn bơ, vườn tiêu, ít ai hình dung được nơi đây từng là chiến trường ác liệt, nơi mỗi tấc đất đều được đánh đổi bằng xương, bằng máu của bao người. 
Đồng vốn chính sách đã giúp gia đình cựu chiến binh Nguyễn Dũng (xã Vĩnh Giang, Vĩnh Linh, Quảng Trị) từng bước phát triển vững chắc kinh tế gia đình, nuôi các con ăn học
Đồng vốn chính sách đã giúp gia đình cựu chiến binh Nguyễn Dũng (xã Vĩnh Giang, Vĩnh Linh, Quảng Trị) từng bước phát triển vững chắc kinh tế gia đình, nuôi các con ăn học

Bên cạnh địa đạo Vịnh Mốc như một nhân chứng lịch sử, những người con Vĩnh Linh (Quảng Trị) đang nỗ lực vượt qua khó khăn vươn lên xây dựng quê hương. Trong hành trình đó, 15 năm qua, có sự đồng hành của đồng vốn chính sách.

Không chịu thua cuộc trước khó khăn

Là xã vùng bãi ngang của huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị, nhưng Vĩnh Giang không hề đượm màu nghèo khổ của vùng khó khăn. Dưới cái nắng gắt tháng Bảy, từng ngôi nhà gạch vững vàng điểm xuyết giữa những vườn tiêu, vườn bơ xanh ngát. 

Vừa dẫn chúng tôi tới thăm nhà ông Nguyễn Dũng (xóm Tân An, xã Vĩnh Giang, huyện Vĩnh Long, Quảng Trị) – một cựu chiến binh, ông Phan Quang Bình – Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và Vay vốn (TKVV) Tân An kể, hộ gia đình ông Dũng là gia đình có công với cách mạng. Bản thân ông là cựu chiến binh, gia đình có nhiều liệt sĩ, và hiện giờ ông là cháu đang lo toan việc thờ cúng hai Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. “Để lại sau lưng nỗi đau cuộc chiến, hiện nay, gia đình ông Dũng là một gia đình có nhiều nỗ lực vươn lên xây dựng kinh tế. Đây cũng là một gia đình đã sử dụng có hiệu quả vốn chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) – ông Bình cho hay.

Gia đình vợ chồng ông Nguyễn Dũng có 3 con, và trước đây để nuôi các con đi học, vợ chồng ông đã nhờ đến sự hỗ trợ của vốn chính sách cho học sinh sinh viên (HSSV). Ba người con của ông bà đã học hành trưởng thành, dù người trẻ còn nhiều vất vả, nhưng 70 triệu tiền vay  chương trình HSSV đã được bố mẹ và các con gom góp trả xong, để “Nhà nước có vốn cho con em các nhà khác có điều kiện đi học” như lời ông tâm sự.

Tháng 11/2015, ông vay 30 triệu đồng chương trình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn để đầu tư thêm vào giống và trụ tiêu, hiện nhà có 100 trụ tiêu “phải chăm cẩn thận lắm, vì của nả cả nhà trông chờ vào đó”. Ông mới vừa thu được 1 tạ tiêu khô, bán được hơn 70 triệu đồng. Tháng 2/2017, gia đình ông vay 12 triệu đồng chương trình Nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn để xây nhà vệ sinh và bể nước phục vụ sinh hoạt.

Ngoài trồng tiêu, vợ chồng ông tích cực chăn nuôi bò, gà, lợn. Bò đang có 3 con, gà 1.000 con cả gà thịt và gà trứng, 6 sào đất canh tác. “Trước nhà tôi cũng duy trì đều đàn lợn 70 con nhưng năm rồi đã bán hết” – ông kể. Chỉ làm nông, nên không thể tránh khỏi bị tác động bởi thiên tai, dịch họa, cũng phải đối mặt với rủi ro thị trường. Nhưng không vì thế mà ông nản, thay vào đó, ông tìm cách khác để khắc phục khó khăn.  “Giờ các con đi làm xa, mình hai vợ chồng ở nhà, chúng tôi đang ổn định vườn tược và chăm sóc đàn gà để lấy ngắn nuôi dài” – ông cho biết.

Quyết tâm của những người con Vĩnh Linh anh hùng

Vĩnh Linh là huyện có dư nợ tín dụng chính sách lớn nhất trong toàn tỉnh Quảng Trị, với tổng dư nợ là 350 tỷ đồng. Và trong 22 xã, thị trấn của huyện, thì Vĩnh Giang là xã có dư nợ tín dụng chính sách lớn nhất với 30 tỷ đồng. “Vĩnh Giang là xã bãi ngang, thuộc danh mục vùng khó khăn do Chính phủ quy định. Riêng dư nợ chương trình cho vay sản xuất kinh doanh vùng khó khăn đã chiếm tới 15 tỷ đồng, bà con chủ yếu vay trồng tiêu” - ông Lê Vĩnh Trường – Phó Giám đốc PGD NHCSXH huyện Vĩnh Linh – cho biết.

Ông Phan Quang Bình – Tổ trưởng Tổ TKVV thôn Tân An do Hội Cựu chiến binh quản lý, thì kể, bà con Vĩnh Giang nói riêng, Vĩnh Linh nói chung, nỗ lực lớn lắm, nên phát triển kinh tế cũng vững chắc. “Tôi làm Tổ trưởng Tổ TKVV cả chục năm nay, kể từ khi nghỉ hưu, rất vui được giúp NHCSXH đưa vốn về giúp bà con” – ông Bình nói – “Hiện tổ tôi có 53 tổ viên, cả 53 tổ viên có dư nợ, với tổng dư nợ 1,6 tỷ đồng.  Bà con chủ yếu vay chương trình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn để trồng tiêu, chăn nuôi...”.

Ông Bình cũng cho hay, có vốn chính sách, người dân rất háo hức, dù nhiều người không đúng đối tượng được vay nhưng cũng rất quan tâm tới nguồn vốn này. Người dân yên tâm vì lãi suất không cao, và còn có thể vay được tới 50 triệu đồng mà không cần thế chấp sổ đỏ, thuận lợi cho bà con rất nhiều. “Từ khi có Tổ TKVV ở xóm tôi, không ai dây dưa nợ gốc phải can thiệp. Sinh hoạt trong tổ vay, bà con có tinh thần tương hỗ tốt hơn. Qua đó, cũng ràng buộc trách nhiệm của hội đoàn thể để giúp người dân phát triển” – ông cho biết.

Rồi ông Bình say sưa kể tới những thành viên trong tổ, hàng xóm của ông, cũng là những cựu chiến binh đã trở thành những tấm gương về nỗ lực vươn lên vượt qua khó khăn phát triển kinh tế gia đình. Đó là hộ ông Nguyễn Dũng mà chúng tôi vừa tới thăm, hay gia đình ông Lê Phước Sanh cách đó ít nhà... “Phát huy tinh thần dũng cảm của người lính, lại là con em của quê hương Vĩnh Linh anh hùng, những cựu chiến binh trên quê hương Vĩnh Giang quyết tâm cố gắng xây dựng quê hương, trở thành tấm gương không chỉ trong chiến đấu, mà trong cả việc xây dựng quê hương giàu đẹp – ông Bình cho biết.

Đọc thêm