CIEM kiến nghị cân nhắc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Theo TS Nguyễn Minh Thảo - Trưởng Ban nghiên cứu Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (MTKD &NLCT) - Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế TW (CIEM), xét trên tổng thể, cả về khía cạnh sức khỏe cộng đồng, cũng như việc đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước, đề xuất đưa các sản phẩm đồ uống có đường vào danh mục chịu thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ không hữu hiệu…
TS Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban nghiên cứu MTKD & NLCT (CIEM).
TS Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban nghiên cứu MTKD & NLCT (CIEM).

Thu được 2,3 nghìn tỷ đồng tiền thuế nhưng thất thu 3,6 nghìn tỷ đồng do giảm sản lượng

CIEM vừa công bố nghiên cứu tác động kinh tế - xã hội của áp thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với các sản phẩm người giải khát có đường (NGKCĐ).

Chia sẻ về chủ đề nghiên cứu, Trưởng Ban nghiên cứu MTKD & NLCT (CIEM), TS Nguyễn Minh Thảo cho biết, mọi chính sách, trong đó có các chính sách tác động đến DN, đều cần được nghiên cứu và đánh giá tác động toàn diện trước khi ban hành.

Trong đó, ngành nước giải khát đóng góp một phần không nhỏ tới nền kinh tế Việt Nam. Kể từ năm 2015 tới nay, ngành đồ uống chiếm 4.5% tỷ trọng nhóm ngành SXKD dịch vụ. Trong giai đoạn 2010-2019, ngành nước giải khát nộp NSNN gần 90,000 tỷ đồng, cung cấp việc làm trực tiếp cho 300,000 lao động và việc làm gián tiếp cho hàng triệu lao động.

“Vì vậy, khi Bộ Tài chính dự thảo Luật thuế TTĐB (sửa đổi), trong đó mở rộng đối tượng chịu thuế bao gồm cả thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn với lý do bảo vệ sức khỏe người dân thì câu hỏi nghiên cứu CIEM đặt ra là: Liệu thuế TTĐB có đạt được mục tiêu như mong muốn? Nguyên nhân của tình trạng thừa cân, béo phì có phải chỉ do NGKCĐ hay còn do các nguyên nào khác? Tác động đa chiều thế nào của thuế TTĐB tới nền kinh tế, DN, và người dân? “- bà Thảo chia sẻ.

Cũng theo bà Thảo, kết quả nghiên cứu chính sách theo cả phương pháp đánh giá tác động pháp luật (RIA) và phương pháp phân tích bảng cân đối liên ngành đều cho thấy việc áp dụng TTĐB có tác động lan tỏa, tiêu cực đối với DN và người dân, Nhà nước, và với nền kinh tế quốc gia.

Giá trị sản xuất (GTSX) của 21 ngành hàng sẽ giảm trung bình 0.08%, trong đó mặt hàng cà phê chịu giảm mạnh GTSX 18% và và chè chịu giảm 0.22%. Mặc dù thuế TTĐB 10% sẽ tăng thu ngân sách 2,3 nghìn tỷ đồng, ảnh hưởng do sụt giảm sản lượng sẽ gây thất thu NSNN 3,6 nghìn tỷ. Các chỉ số kinh tế như tổng giá trị tăng thêm (GVA), GDP, thu nhập người lao động, thặng dư sản xuất, lao động, thu ngân sách qua thuế gián thu đều bị ảnh hưởng tiêu cực.

Giá trị sản xuất của 21 ngành hàng sẽ giảm trung bình 0.08%. Ảnh minh họa

Giá trị sản xuất của 21 ngành hàng sẽ giảm trung bình 0.08%. Ảnh minh họa

Đó là chưa kể đến việc đánh thuế NGKCĐ sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới ngành mía đường của Việt Nam do đường sản xuất bởi các nhà máy địa phương là nguyên liệu đầu vào cho ngành thực phẩm và giải khát trong nước. Dự kiến, việc đánh thuế sẽ tác động tiêu cực tới sinh kế của 337.000 hộ gia đình trồng mía.

“Theo Quy hoạch phát triển ngành đồ uống được Chính phủ phê duyệt, Việt Nam dự kiến sẽ tăng tỷ trọng của nước giải khát không cồn và giảm tỉ trọng của rượu bia do tác động tiêu cực của các sản phẩm này. Tuy nhiên, việc áp thuế TTĐB lên NGKCĐ sẽ đi ngược lại mục tiêu trên khi các nhà sản xuất đồ uống không cồn sẽ buộc phải cân nhắc lại kế hoạch đầu tư, SXKD của mình…”- Trưởng ban nghiên cứu MTKD & NLCT lo ngại.

Doanh nghiệp cần sự hỗ trợ thiết thực và hiệu quả

Theo TS Nguyễn Minh Thảo, DN nói chung và DN trong lĩnh vực nước giải khát nói riêng đang trong giai đoạn rất khó khăn.

“Các chính sách ban hành cần đảm bảo nhất quán với định hướng, chính sách của Đảng và Nhà nước về hỗ trợ phục hồi và phát triển DN. Những rủi ro chính sách sẽ dẫn tới bào mòn sức khoẻ, ảnh hưởng tới niềm tin của nhà đầu tư và DN…”- Chuyên gia này lưu ý.

Từ kết quả nghiên cứu, bà Thảo cho rằng, xét trên tổng thể, cả về khía cạnh sức khỏe cộng đồng, cũng như việc đảm bảo nguồn thu cho NSNN, đề xuất đưa các sản phẩm đồ uống vào danh mục chịu thuế TTĐB sẽ không hữu hiệu, vì sắc thuế này sẽ tạo tác động tiêu cực đến nền kinh tế lớn hơn lợi ích có thể đạt được; đồng thời cũng không thật sự đạt hiệu quả trong việc giải quyết vấn đề thừa cân, béo phì.

Dự kiến, việc đánh thuế sẽ tác động tiêu cực tới sinh kế của 337.000 hộ gia đình trồng mía.

Dự kiến, việc đánh thuế sẽ tác động tiêu cực tới sinh kế của 337.000 hộ gia đình trồng mía.

Do vậy, đối với dự thảo Luật thuế TTĐB (sửa đổi), CIEM đưa ra 3 kiến nghị: Thứ nhất, cơ quan soạn thảo nên đánh giá tác động một cách toàn diện khi đề xuất mở rộng đối tượng chịu thuế và tăng thuế TTĐB; Thứ hai, Chính phủ nên lùi thời hạn hoặc có lộ trình đối với việc áp dụng sắc thuế TTĐB đối với NGKCĐ để các DN xây dựng chiến lược thích ứng, kế hoạch cải tiến sản phẩm, trong khi có thể khấu hao dây chuyền công nghệ cũ. Thứ ba, Chính phủ có thể đưa ra những biện pháp mang tính thị trường hơn như khuyến cáo về dinh dưỡng, yêu cầu dán nhãn phân loại sản phẩm theo lượng đường.

“Tôi cho rằng, các hành động chính sách sẽ tác động đến cách thức vượt qua khó khăn và mức độ tận dụng cơ hội của các DN trong quá trình phục hồi. Trong bối cảnh hiện nay, DN hơn bao giờ hết cần sự hỗ trợ thiết thực và hiệu quả từ sự đồng hành, chia sẻ của Chính phủ…”- Trưởng ban nghiên cứu MTKD & NLCT quả quyết.

Quyết định 508/QĐ-TTg ngày 23/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 đã khẳng định “Về quy mô thu ngân sách từ thuế, phí, bảo đảm duy trì tỷ lệ huy động vào NSNN từ thuế, phí ở mức ổn định, hợp lý và phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội…: Trong giai đoạn đầu tập trung hỗ trợ DN, người dân khắc phục khó khăn, phục hồi SXKD do ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh COVID-19”.

Đọc thêm