Cô bé vô gia cư và nỗi ám ảnh đi tìm công lý của người nhiễm "H"

(PLO) - Hệ thống pháp luật bảo vệ quyền của người nhiễm HIV ở Việt Nam đã tương đối đầy đủ. Nhưng không ít người nhiễm H đang bị vi phạm quyền, mất niềm tin vào cuộc sống...
Các nhà hoạch định chính sách và chuyên gia y tế cam kết chống phân biệt đối xử liên quan đến HIV nhân Ngày Thế giới chống phân biệt đối xử.

Kỳ thị, phân biệt đối xử vẫn còn…

Bà Trần Thị Thanh Vân, thành viên điều hành Mạng lưới Phòng, chống HIV/AIDS Việt Nam cho biết, hiện mức độ phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS tuy có giảm nhưng vẫn còn ở mức rất cao và xảy ra dưới nhiều hình thức.

Đây chính là rào cản để chúng ta thực hiện các mục tiêu của Chương trình 90-90-90 của Liên Hợp quốc mà Việt Nam đã ký kết và tham gia.

Cụ thể, nghiên cứu về chỉ số đánh giá mức độ phân biệt đối xử với người sống chung với HIV ở Việt Nam năm 2014 (thực hiện trên hơn 1.600 người nhiễm thuộc Hà Nội, TP HCM, Điện Biên, Hải Phòng và Cần Thơ) cho thấy sự kỳ thị, phân biệt đối xử đặc biệt là vi phạm quyền đối với người nhiễm HIV/AIDS vẫn còn rất lớn trong xã hội, cộng đồng.

Việc này đã dẫn đến không những người nhiễm HIV bị vi phạm quyền, mất niềm tin vào cuộc sống mà ngay cả những người có hành vi nguy cơ nhiễm HIV cũng không muốn đi làm xét nghiệm khi họ bị ốm. Điều này kéo theo hậu quả họ được điều trị muộn, hiệu quả điều trị thấp. Thậm chí sợ bị kỳ thị, họ cố tình che giấu tình trạng bệnh của mình, tạo nên nguồn lây rất lớn cho cộng đồng và xã hội…

Không chỉ thế, với những người nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ đồng giới (MSM), phụ nữ bán dâm… còn có cảm giác bi quan, chán nản nhiều hơn vì họ phải chịu sự kỳ thị kép. Một cá nhân trong nhóm MSM chia sẻ:

“Tôi thực sự cảm thấy chán nản, sợ hãi khi đến các cơ sở y tế, ngại tiếp xúc với người khác và không muốn làm gì cả…”.

Người nhiễm HIV và bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS bị phân biệt đối xử, bị vi phạm quyền diễn ra ở mọi nơi, mọi lúc, mọi lứa tuổi, thành phần xã hội. Trong số hàng trăm, hàng ngàn cảnh ngộ đau lòng này, chúng ta không thể không nhắc tới số phận đáng thương của cháu Nguyễn Thanh X, trú tại huyện Châu Thành, tỉnh An Giang… 

Trong câu chuyện của mình tại hội thảo “Tăng cường tiếp cận công lý của người nhiễm HIV” nhân Ngày Thế giới chống phân biệt đối xử (1/3) vừa được Trung tâm Tư vấn pháp luật và chính sách y tế, HIV/AIDS tổ chức hôm qua tại Hà Nội, em X. cho hay, cũng vì căn bệnh AIDS em đã mất đi cả cha, lẫn mẹ và sống với bà ngoại.

Không chỉ bị xã hội kỳ thị, xa lánh,  hàng ngày X. phải đối mặt với sự kỳ thị của chính người thân của mình. Đó là nguyên nhân khiến X. trở thành đứa trẻ lang thang cơ nhỡ, không biết nương tựa vào ai… 

Vì “lỗ hổng” pháp luật?

Tại hội thảo, bà Trịnh Thị Lê Trâm - Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật và chính sách y tế cho biết, hiện vấn đề tiếp cận pháp lý của người nhiễm HIV còn quá thấp (có tới 75,9% khảo sát cho thấy họ chưa từng tiếp cận với các hoạt động trợ giúp pháp lý; chỉ có 10% luật sư, luật gia tham gia hoạt động trợ giúp pháp lý cho người nhiễm HIV).

Trong số những người cho biết quyền của họ bị vi phạm thì phần lớn họ đã không tìm kiếm những biện pháp giải quyết (94%) vì cho rằng họ không tin vào thành công của vụ việc… Những trường hợp được trợ giúp thì vô cùng khó khăn mới có kết quả. 

Theo bà Phan Hương (Đại học Luật Hà Nội), Luật Phòng, chống HIV/AIDS tuy đã quy định các quyền của người nhiễm, trong đó có việc họ không bị phân biệt đối xử, tuy nhiên, chuyên gia pháp luật này cho rằng khái niệm phân biệt đối xử còn quy định quá chung chung trong luật…, thiếu các quy định về các hành vi cụ thể trong từng lĩnh vực.

Cụ thể, các quy định về những biện pháp xử lý hành chính đối với hành vi phân biệt đối xử còn chưa cụ thể và toàn diện.

Ví dụ: Nghị định số 88/2015 trong lĩnh vực lao động quy định: Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với hành vi phân biệt đối xử về giới tính, dân tộc, màu da, thành phần xã hội, nhiễm HIV… trong tuyển dụng, sử dụng và quản lý lao động (Điều 4a).

Nhưng trên thực tế, bà Hương phân tích, rất khó chứng minh việc vi phạm quyền của người nhiễm HIV do bị kỳ thị và phân biệt đối xử. Chẳng hạn, khi chủ sử dụng lao động từ chối tuyển người bị nhiễm HIV, họ thường viện dẫn các lý do khác cho việc không tuyển dụng, do đó rất khó thu thập chứng cứ về sự kỳ thị và phân biệt đối xử. Bên cạnh đó, chúng ta cũng rất thiếu các quy định về xử lý đối với các hành vi kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV trong giáo dục, tuyển dụng, điều trị, chăm sóc và hỗ trợ.../

Đọc thêm