Tuy nhiên để cơ hội đó trở thành hiện thực, cần có kế hoạch cụ thể đồng thời phải quyết liệt trong quá trình đẩy mạnh cổ phần hóa (CPH) DNNN…
Vấn đề được đề cập tại Diễn dàn Kinh tế năm 2017: “Cơ hội đầu tư trong tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2016- 2020” do Báo Diễn dàn DN, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế TW (CIEM) phối hợp tổ chức hôm qua, 2/12.
Đề án tái cơ cấu: Vẫn đối phó!
Đánh giá quá trình tái cơ cấu giai đoạn 2011-2015, Chủ tịch VCCI cho rằng “vẫn chậm và chưa đi vào thực chất”. Ông cũng thẳng thắn khi cho rằng các đề án tái cơ cấu của các tập đoàn và các công ty vẫn mang tính đối phó, chưa có cải cách cơ bản.
Phó Cục trưởng Cục Tài chính DN, Bộ Tài chính ông Đặng Quyết Tiến cho rằng, vấn đề CPH nhanh hay chậm, nhìn số lượng có thể thấy được. “Nhưng so với tốc độ của phát triển của kinh tế thì việc CPH bị chậm, việc giảm số lượng DNNN chỉ về hình thức...” - ông Tiến thừa nhận. Ông cho rằng chậm là do chưa thay đổi được quản trị của DN, hiện ở đâu đó vẫn theo lối mòn cũ là DNNN, tính trách nhiệm với hiệu quả đồng vốn vẫn chưa có nhiều, bài toán “bình mới rượu cũ” vẫn xảy ra.
Ông Hồ Sỹ Hùng – Cục trưởng Cục Phát triển DN, Bộ KH&ĐT cho biết, từ năm 2011 đến tháng 9/2016 đã có 426 DN triển khai xong cổ phần lần đầu, trong đó chỉ có 254 DN bán được hết số cổ phần chiếm 60%, 172 DN chiếm 40% chưa bán hết cổ phần. Theo ông Hùng, điều này cho thấy sự hấp thụ từ bên ngoài còn chưa được cao.
Tuy nhiên, Cục trưởng Cục phát triển DN cũng thừa nhận những DN lớn còn có vốn của Nhà nước cao sau khi cổ phần như: Lilama có 98% là vốn của Nhà nước, TCT hàng không Việt Nam 95,5%, TCT xăng dầu 94,99%, TCT thép 93,6%, Cảng hàng không 92%…
Rất nhiều nguyên nhân được đưa ra như định giá, xử lý nợ, minh bạch thông tin… ,song các ý kiến đều thống nhất phải có cách làm khác để đẩy nhanh cơ cấu lại DNNN.
“Nếu làm theo cách truyền thống thì chúng ta sẽ không thể thực hiện được việc CPH. Điều quan trọng là chúng ta phải có những cách làm mới, bởi chủ trương đã có nhưng chúng ta không có những cách làm sáng tạo, cụ thể thì cũng là trở ngại lớn…” - CEO Stoxplus, ông Nguyễn Quang Thuân quả quyết.
Đổi mới … tái cơ cấu
Nói về điểm mới của Đề án Tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016- 2020, ông Nguyễn Đức Kiên – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng cái mới nhất trong đề án này là chúng ta đã hoàn thiện lại hệ thống luật theo tinh thần Hiến pháp năm 2013, trong đó có Luật quản lý vốn và tài sản Nhà nước, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp 2015. “Như vậy, tất cả những ngành nghề nhà nước làm bây giờ được quy lại trong Luật Đầu tư chỉ còn 4 ngành nghề kinh doanh chỉ Nhà nước độc quyền, còn lại chúng ta hoàn toàn được phép kinh doanh” – ông Kiên khẳng định.
Theo ông Kiên, một trong những điểm nhấn khác là các ngành nghề kinh doanh có điều kiện đang có xu hướng “co lại”. Như vậy, sẽ mở ra nhiều ngành nghề mà các thành phần kinh tế khác được kinh doanh.
“Quan trọng nhất trong đề án này là không khống chế tỉ lệ vốn của các nhà đầu tư tham gia trong DNNN tái cơ cấu (trừ trong DN tổ chức tín dụng), thậm chí còn đang có xu thế bán cả một DN lớn của Nhà nước để cho các thành phần kinh tế khác tham gia cơ cấu…” - ông Kiên diễn giải.
Điển hình được đưa ra là Vinamilk, một trong 10 DNNN lớn được bán công khai trên sàn giao dịch trong thời gian tới. “Nhưng phương thức bán thế nào còn đang có các trường phái ý kiến trái chiều, tuy nhiên chúng ta chưa xét đến mà chúng ta phải ghi nhận những đổi mới lớn…” - ông Kiên khẳng định.
Theo thông tin từ ông Nguyễn Quang Tiến – Phó Cục trưởng Cục Tài chính DN, Bộ Tài chính, tới đây Chính phủ sẽ công bố công khai danh mục DN về việc nắm giữ bao nhiêu % cổ phần. “Như vậy vấn đề các “món ăn” của CPH sẽ được công khai!” - ông Tiến quả quyết.
Đại diện Bộ Tài chính cũng cho biết, sắp tới sẽ thay đổi cách thức CPH, trong CPH không hạn chế việc tham gia của nhà đầu tư nước ngoài, giá DN sẽ liên quan tới thị hiếu của nhà đầu tư…
“Trước nay, chúng ta có những cách xử lý như “buông nhỏ - giữ lớn”. Nay chúng ta đã thay đổi, cổ phần hết, Nhà nước không giữ cổ phần. Chúng ta cũng đang thay đổi, từ “buông xấu - giữ tốt” với điển hình như bia hay Vinamilk đang đặt ra. Thời gian tới chúng ta cũng cần đặt ra quan điểm rõ hơn, Nhà nước chọn cái nào được giá thì bán, những DN còn yếu chưa được giá thì cần khắc phục để nâng giá trị DN lên rồi mới bán” – ông Hồ Sỹ Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển DN, Bộ KH&ĐT phát biểu.
Một vấn đề khiến không ít diễn giả băn khoăn là khả năng hấp thụ và cơ hội cho nhà đầu tư như thế nào? Ông Nguyễn Quang Thuân -Phó Tổng Giám đốc Stoxplus cho biết, các khách hàng của Stoxplus đang chờ đợi thông tin về cơ hội cổ phần hóa DNNN, không chỉ là những nhà đầu tư tài chính, mà còn có những nhà đầu tư theo ngành.
“Tôi chỉ muốn khẳng định, cơ hội từ phía nhà đầu tư lúc nào cũng mong đợi, còn cơ hội đó có đạt được hay không là do cơ quan quản lý, Chính phủ có quyết tâm, quyết liệt thực hiện hay không…”. – ông Thuân quả quyết…
Theo ông Nguyễn Đức Kiên – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, thách thức lớn nhất đối với việc thực thi là làm thực chất. Bởi về số lượng chúng ta đã đạt được, tuy nhiên lại không đạt đúng bản chất. Thay đổi cơ cấu sở hữu không đạt dẫn tới mô hình quản trị hiện đại của DN, không đạt được như mong đợi. Như vậy, vốn và mô hình không đạt được thì lợi nhuận sẽ không đạt được. Do đó, thách thức lớn nhất là trong bản thân chúng ta, chứ không phải vấn đề cơ chế, vì cơ chế luôn đi sau thực tế, luật không thể vừa làm ra đã phù hợp ngay...