Diện mạo mới
Hội thảo do Ban Kinh tế TƯ phối hợp với Tỉnh ủy Thái Nguyên tổ chức, nhằm củng cố các cơ sở lý luận và thực tiễn để hoàn thiện Đề án tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 37-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX…
Báo cáo của Ban Kinh tế TƯ cho biết, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 37-NQ/TW, kinh tế - xã hội vùng TD&MNBB đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân hàng năm của các tỉnh trong vùng giai đoạn 2004 -2018 đạt mức gần 10%. Thu nhập, tính theo GRDP bình quân đầu người, đạt 43,6 triệu đồng/người vào năm 2018, gấp gần 9,8 lần so với năm 2004. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, theo hướng hiện đại: Đến năm 2018, công nghiệp, xây dựng chiếm 40,43%; dịch vụ chiếm 35,86%; nông - lâm nghiệp, thủy sản chiếm 18,6%; thuế và trợ cấp sản phẩm chiếm 5,11%.
Vùng đã phát huy được nội lực, thu hút mạnh các nguồn lực để tập trung đầu tư vào những ngành, lĩnh vực, sản phẩm có lợi thế. Từ đó, vùng đã không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân, vừa giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, vừa giữ vững ổn định chính trị, củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ đất nước.
“Có thể nói Nghị quyết 37-NQ/TW đã đi vào cuộc sống và tạo ra một diện mạo mới cho các địa phương trong vùng; hầu hết các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết đã cơ bản được hoàn thành...”- Trưởng ban Kinh tế TƯ Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh.
Tuy nhiên, Báo cáo cũng chỉ ra một loạt hạn chế của vùng như: Năng lực sản xuất, tăng trưởng của một số địa phương chưa bền vững; mức sống của người dân, thu nhập bình quân đang ở mức thấp nhất cả nước, khoảng cách về thu nhập đang có xu hướng doãng ra; tỷ lệ hộ nghèo tính đến năm 2018 đạt mức cao nhất so với các vùng và cao gấp 3 lần so với mức trung bình toàn quốc.
Ngoài ra, chất lượng giáo dục và đào tạo chưa đáp ứng nhu cầu, tỷ lệ lao động qua đào tạo thấp hơn mức trung bình toàn quốc; công tác quy hoạch, sự phát triển các khu công nghiệp còn thiếu sự thống nhất trên quy mô liên tỉnh; du lịch phát triển chưa bền vững; tốc độ đô thị hóa thấp hơn so với trung bình toàn quốc; tỷ lệ che phủ rừng còn khá thấp, chưa tương xứng với vai trò đặc biệt quan trọng của vùng trong việc đảm bảo an ninh nguồn nước, an ninh sinh thái cho cả nước…
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TW Đảng, Trưởng Ban Kinh tế TW, Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 37-NQ/TW Nguyễn Văn Bình phát biểu tại Hội thảo |
Tiền quan trọng nhưng trước tiên phải cơ chế
Nhấn mạnh vùng TD&MNBB là vùng trũng nghèo nhất cả nước, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế TƯ, TS Nguyễn Đình Cung lưu ý cách thức để làm vùng này giàu lên phải thay đổi. Ông cũng nhấn mạnh công tác bảo vệ tài nguyên cần gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, sử dụng tài nguyên hiệu quả, bền vững, thân thiện hơn đối với môi trường.
“Cho tiền cũng rất quan trọng nhưng trước hết tạo ra cơ chế!”- TS Cung nhấn mạnh. Theo ông, TƯ cần nguồn lực về tạo cơ chế để phát huy sáng kiến, sáng tạo tính chủ động của địa phương. “Không thể thiếu nguồn lực TƯ nhưng phải phân bổ theo hướng ông nào có sẵn thì tốt, đừng phân bổ cào bằng. Đây là cách vừa tận dụng vừa khuyến khích năng động sáng tạo…”- chuyên gia này đề xuất.
Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, cơ chế cho vùng TD&MNBB cần mang tính đặc thù. Theo ông, đây là vùng không thể phát triển kinh tế theo logic truyền thống, theo nghĩa phát triển công nghiệp hay khai thác mỏ, chế biến…, mà phải phát triển theo logic mới, hiện đại hơn. Tức là, hướng đến những loại hình sản phẩm giá trị gia tăng cao, tiếp cận được với thị trường thế giới với nền tảng công nghệ cao. Hoặc những đặc sắc về văn hóa nhằm thu hút khách du lịch quốc tế.
“Vùng cần giữ được những sự khác biệt ấy, không nhất thiết phải tiến bộ kịp với các địa phương ở đồng bằng theo nghĩa “đồng phục”...”- TS Thiên lưu ý, đồng thời quả quyết, cách tiếp cận nêu trên gắn với chức năng mới của vùng, gắn với lợi thế mới, phương thức giải quyết vấn đề mới thì sẽ có một nghị quyết đặc thù cho vùng.
Đồng tình với ý kiến của các chuyên gia, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TƯ Đảng, Trưởng ban Kinh tế TƯ, Trưởng ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 37-NQ/TW Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh hai vấn đề quan trọng để phát triển vùng đó là đầu tư và cơ chế chính sách.
Do những đặc thù khó khăn cùng với vị trí, vai trò quan trọng của vùng, phải có tầm nhìn để ưu tiên nguồn lực ngân sách TƯ đầu tư cho vùng TD&MNBB. Việc đầu tư cần trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên các dự án có tính liên kết lan tỏa và hạ tầng giao thông. Bên cạnh đó, cần có cơ chế chính sách đặc thù để khuyến khích và thu hút được đầu tư của xã hội, tạo nguồn lực phát triển cho vùng. Trưởng ban Kinh tế TƯ cũng đề nghị cần đặc biệt quan tâm đảm bảo an ninh - quốc phòng gắn với vấn đề tôn giáo và dân tộc.
“Cần thay đổi suy nghĩ phát triển vùng TD&MNBB không phải chỉ cho vùng mà phải đặt vùng trong tổng thể cả nước, trong liên kết với hành lang Đông - Tây và hành lang Bắc - Nam, giữa vùng với vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng duyên hải Bắc Bộ…” - Trưởng ban Kinh tế TƯ lưu ý.