“Đầu tàu” kinh tế đang chậm lại
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, thời gian qua, TP HCM đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), đóng góp lớn cho sự phát triển KT-XH và thu ngân sách nhà nước của cả nước, chia sẻ những khó khăn chung với Trung ương và các địa phương trên tinh thần TP vì cả nước.
Tuy nhiên, vai trò đầu tàu trong phát triển KT-XH của TP đang chậm lại, đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do sức ép quy mô dân số tăng nhanh, hạ tầng chậm cải thiện, tác động ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu ngày càng lớn, khả năng thu hút vốn đầu tư mới giảm, cản trở sự phát triển bền vững của TP. Vì vậy, cần có cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp với yêu cầu phát triển của TP HCM trong giai đoạn phát triển mới.
Bộ trưởng Dũng cho biết sẽ thí điểm giao cho TP HCM được thực hiện thí điểm đối với Luật Thuế tài sản; tăng thuế suất đối với các sắc thuế khác; tăng mức phí, lệ phí; ban hành chính sách thu phí, lệ phí mới.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng TP HCM là đơn vị thu ngân sách lớn nhất nước, tỷ lệ điều tiết về Trung ương cũng đứng đầu, nhưng hiện nay TP HCM chỉ được để lại 18% tất cả các khoản thu, 82% đóng về Trung ương. Số khoản thu được để lại so với thời điểm trước năm 2017 đã bị giảm 5%, bởi vậy theo Chủ tịch Quốc hội, để TP điều tiết dưới 20% thì sẽ phát triển chậm. “Đã là đầu tàu của cả nước, là động lực mà đi chậm thì cả các toa phía sau sẽ chậm theo.
Cả nước có 5 thành phố lớn thì TP HCM lớn nhất nước về kinh tế, thu ngân sách, dân cư, giá trị GDP luôn đứng nhất. Nhưng năm gần đây tốc độ chậm lại, cho nên cơ chế nào đưa ra để tạo động lực cho đầu tàu vì TP chỉ tăng 1% thì đã tăng rất nhiều cho ngân sách Nhà nước… Cần nhận thức là quy định cơ chế đặc thù không phải cho riêng TP HCM mà nhìn rộng ra là cho cả nước”- Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng dẫn lời ông Lý Quang Diệu cho biết: nếu tôi cần động lực phát triển, tôi nắm trong tay nguồn lực tôi sẽ đầu tư vào người biết làm ăn, người có khả năng làm giàu để làm ra lực lượng của cải vật chất, kéo hết những người chưa biết làm ăn và người nghèo đi theo. Nếu cứ chia nhỏ ra cùng nắm tay nhau đi hàng ngang thì khó phát triển đi lên.
Tăng lương để giữ người tài
Liên quan đến nội dung dự thảo Nghị quyết quy định cho TP HCM tăng mức thuế, Chủ tịch Quốc hội cho rằng có nhiều loại thuế tăng là hợp lý. Cụ thể như thuế bảo vệ môi trường, xả rác; thuế tiêu thụ đặc biệt như rượu bia, mỹ phẩm, nước hoa, những mặt hàng xa xỉ. Tuy nhiên không nên tăng tất cả các loại thuế, trừ thuế xuất nhập khẩu thì không hợp lý, làm mất đi tính cạnh tranh của TP. Chỉ lựa chọn một số chính sách thuế để tăng lên như xe cộ xả khói thì nộp thuế môi trường cao hơn, hay dùng các mặt hàng xa xỉ thì việc tăng thuế cũng là hợp lý.
Đồng quan điểm, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho rằng, việc tăng thuế của TP HCM cần phải tính toán rất kỹ tác động thực tiễn. Bởi việc tăng thuế là con dao hai lưỡi, nếu không tính toán kỹ thì sẽ khiến các nhà đầu tư bỏ chạy. Ví dụ như việc TP muốn tăng thuế và bất động sản thứ 2, thứ 3 góp phần vào công cuộc phòng chống tham nhũng nhưng phải cân nhắc kỹ nếu đánh thuế cao quá và không hợp lý thì chắc chắn sẽ làm im ắng thị trường bất động sản, sự phát triển sống động của bất động sản của TP HCM sẽ không còn và các nhà đầu tư sẽ đi đến nơi khác.
Về cơ chế ủy quyền và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc TP HCM quản lý, theo cơ chế này thì Chủ tịch UBND TP HCM được ủy quyền cho Chủ tịch UBND quận, huyện và Thủ trưởng cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP trong phạm vi quyền hạn của Chủ tịch UBND TP HCM. Đồng thời giao cho UBND thành phố quy định việc ủy quyền của chủ tịch UBND quận, huyện cho chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn. HĐND TP HCM quyết định chi trả mức thu nhập bình quân tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc thành phố quản lý và mức lương phù hợp với các chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt trong khả năng, phạm vi ngân sách của TP.
Theo ĐB Nguyễn Thanh Phương (Cần Thơ), việc tăng lương cho cán bộ công chức, các chuyên gia nhà khoa học là cần thiết. Vì hiện đang “chảy máu” chất xám từ khối nhà nước sang các khối doanh nghiệp. “Ở TP HCM đời sống cao, nếu dùng lương chung cả nước sẽ không giữ được họ trong cơ quan nhà nước cho nên cần mở, và đó là hướng hay để giữ được người tài cho sự phát triển của TP và đất nước”, ông Phương nói.
Với 88,39% đại biểu tán thành, chiều 14/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách. Trung ương năm 2018. Theo Nghị quyết được thông qua, tổng số thu ngân sách trung ương là 753.404 tỷ đồng. Tổng số thu ngân sách địa phương là 565.796 tỷ đồng. Tổng số chi ngân sách Trung ương là 948.404 tỷ đồng, trong đó dự toán 321.151 tỷ đồng để bổ sung cân đối ngân sách, bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương.
Quốc hội giao Chính phủ giao nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước và mức phân bổ ngân sách trung ương cho từng bộ, cơ quan khác ở Trung ương và từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo đúng quy định của pháp luật và thông báo bằng văn bản đến từng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Đồng thời, Chính phủ cần khẩn trương phê duyệt các chương trình mục tiêu để phân bổ, giao vốn kịp thời cho các bộ, ngành, địa phương đúng quy định. Phân bổ vốn cho các chương trình, dự án có hiệu quả. Có kế hoạch cắt giảm vốn đối với dự án triển khai chậm, bổ sung vốn cho dự án có khối lượng hoàn thành cao, báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định theo quy định của pháp luật, bảo đảm không dư thừa nguồn vốn.
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các chương trình, dự án quan trọng quốc gia, các công trình cấp thiết đang đầu tư dở dang, hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng.