Có còn 'nịnh không trong sáng'?

(PLO) - Văn hóa ứng xử của cán bộ, công chức đang được nhắc đến rất nhiều trong các hội nghị tổng kết năm và đã có những chuyển biến nhằm cải thiện hình ảnh của bộ máy công quyền chủ trương phục vụ dân là mục tiêu.
Hình minh họa

Có những chuyện chưa từng xảy ra thì đã xảy ra ví dụ như Bộ trưởng xin lỗi toàn thể nhân dân vì để cấp dưới “nịnh” vợ, con mình. Có những chuyện hy hữu giờ trở thành bình thường, chẳng hạn con gái của một vị quan chức địa phương đã thành cán bộ lãnh đạo từ lâu giờ mới đi thi công chức, địa phương đó hủy ngay quyết định tuyển dụng trước đó chứ không ra sức cãi là “đúng quy trình” nữa.

Hay, vừa mới xảy ra chuyện ở Bình Phước; một Thiếu tá Công an xúc phạm đến một tài xế, lăng mạ, chửi tục, lập tức bị đình chỉ công tác để làm rõ. Hoặc, các cán bộ quản lý thị trường ở Nghệ An vào nhà thầy lang “ăn mảnh” cũng bị đình chỉ công tác để làm rõ chứ không có chuyện bao che.

Những động thái hành xử của cán bộ, công chức, cơ quan nhà nước được dư luận chú tâm, theo dõi và tỏ thái độ rõ ràng. Việc ngành Thuế ở Thanh Hóa xin 700 triệu đồng để “động viên anh em” đã gây phản ứng trong dư luận là không nên để việc này thành “tiền lệ” trong cơ quan nhà nước. Hoàn thành nhiệm vụ của mình thì không phải là một chiến công, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thì được khen thưởng theo quy định của pháp luật.

Khác với bóng đá là ở chỗ đó, đá hay được thưởng là sự động viên kịp thời, nhưng bóng đá là thể thao và đội bóng không phải cơ quan nhà nước, không thể ứng xử với cơ quan nhà nước như một đội bóng được. Hoặc, con trai của một vị lãnh đạo chủ chốt tỉnh chuyên tổ chức đá gà, đánh bạc, Công an sở tại bắt hàng chục lần mà chỉ xử phạt hành chính. Rõ ràng, có sự vị nể cán bộ lãnh đạo và có mùi “nịnh không trong sáng” ở đây. Ngay vị lãnh đạo này cũng rất khổ tâm, nhờ anh em trị giúp thằng con bất trị thì cứ theo luật mà làm chứ, nếu không, nói dân ai tin?

Hà Nội, dân ở bãi rác chịu không nổi cảnh xú uế và thiếu quan tâm của nhà chức trách nên phản đối đổ rác chỉ có 3 ngày mà lượng rác tồn đọng đã không thể chịu nổi. Đối xử với họ thế nào mà để ra nông nỗi đó? Không biết nghĩ đến dân, nỗi khổ của họ rồi ắt phải trả giá đắt về cách ứng xử đó!

Văn hóa công vụ đã thành đề án, đã khởi xướng và cổ súy thực hành. Văn hóa đó không có chỗ ở dưới gầm bàn mà cần đến sự đường đường chính chính, công khai, minh bạch, thể diện của chính thể, công quyền. Cốt lõi của văn hóa đó chính là sự mẫu mực, nêu gương của giới cán bộ, công chức trong bộ máy của chính quyền. 

Đọc thêm