Báo Pháp luật Việt Nam tuần qua có 2 bài viết đáng suy nghĩ. Đó là bài “Vụ “xe biển xanh vào sân bay đón người thân”: Lỗi công văn hay hành vi nịnh bợ?”. Tất nhiên là “đám” văn phòng “nịnh thối” vợ sếp, gián tiếp nịnh sếp rồi.
Lịch sử từ cổ chí kim cho thấy có biết bao nhiêu mệnh phụ, phu nhân từ chốn “hậu cung” “can thiệp” vào quyền lực? Có biết bao quan chức không tiện “chỉ mặt, gọi tên” thành đạt đi lên từ “cửa sau”? Bài thứ hai là: “Thật vô duyên khi có đồng chí đang ăn hoa quả, đồng chí khác lại đang phát biểu”. Nói thật là cuộc họp trở thành “xô bồ”, mất đi sự nghiêm túc, chẳng khác gì “bàn tròn” của hội “tổ tôm”.
Hai bài báo cho thấy “văn hóa quan chức” đang “hổng” vô cùng lớn, nếu không muốn nói bị biến dạng.
Không phải tự nhiên mà những ngày cuối năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định 1847/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Văn hóa công vụ. Theo đó, mục tiêu được xác định là: “Nâng cao văn hóa công vụ, góp phần hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đảm bảo tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả trong hoạt động thực thi nhiệm vụ, công vụ; đáp ứng yêu cầu phục vụ Nhân dân, xã hội”.
Không phải ngẫu nhiên, Ban Chấp hành Trung ương có Quy định số 08-QĐ/TW ngày 25/10/2018 “Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”.
Đó là văn hóa. Trình độ năng lực có thể chưa đạt tầm “tiêu biểu” nhưng văn hóa phải tiêu biểu. Cán bộ giữ chức vụ càng cao thì càng phải gương mẫu nêu gương cho cấp dưới, đảng viên phải gương mẫu, phải tốt thì mới có quần chúng tốt.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng việc nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Người không chỉ là tấm gương sáng ngời về phong cách nêu gương mà còn tự răn mình phải học tập tấm gương của các đảng viên kiên trung của Đảng ta. Bác Hồ nói được làm được, không phải như lớp cán bộ bây giờ “trọng nói”, “khinh làm”.
Làm sao nhân dân có thể yêu mến, tin cậy những ông quan “nói một đằng, làm một nẻo,” kêu gọi người khác sống lành mạnh, tiết kiệm, trong khi bản thân sống xa hoa, lãng phí bằng tài sản, công quỹ nhà nước, bằng tiền thuế của dân, cờ bạc, tiệc tùng vô độ, xài của công vô độ?
Tất nhiên là không!