Tại cuộc tọa đàm “EVFTA - Cao tốc hiện đại nối liền Việt Nam-EU” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 23/3, các chuyên gia cho rằng, EVFTA mang lại cơ hội lớn song thách thức cũng không nhỏ.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khẳng định, Hiệp định EVFTA đúng là một “con đường cao tốc” thuận lợi, nhanh và hầu như không có rào cản để kết nối nền kinh tế Việt Nam với EU. “Nhưng "đường cao tốc" sẽ chỉ dành cho các phương tiện phù hợp, cho nên không phải doanh nghiệp nào cũng có thể tận dụng được lợi thế mà phải có sự chuẩn bị để đáp ứng điều kiện nhất định” – bà Trang nói.
Hơn nữa, khi lưu thông trên "đường cao tốc," chắc chắn lợi ích mang lại cho doanh nghiệp sẽ không phải là miễn phí. Cũng có những trường hợp ưu tiên có thể được hưởng lợi mà không phải mất gì. Nhưng, đa phần các doanh nghiệp sẽ phải mất chi phí nào đó trong việc điều tiết sản xuất cũng như là thay đổi công nghệ để đáp ứng với những điều kiện nhất định.
Vì thế, bà Trang nhận định: “Hội nhập với Hiệp định EVFTA phụ thuộc rất nhiều vào sự chủ động tìm hiểu của doanh nghiệp. Tránh trường hợp dù đã nhìn thấy đường cao tốc nhưng vẫn không biết đường dẫn nào để kết nối, cũng chưa biết con đường đó có vận hành suôn sẻ hay không, các trạm thu phí ra sao, có được bảo trì, bảo dưỡng tốt hay không... Đó là câu chuyện các cơ quan quản lý nhà nước cần hết sức quan tâm”.
Vậy, các doanh nghiệp cần làm gì để vượt chướng ngại trên "đường cao tốc" EVFTA nối Việt Nam với Liên minh châu Âu? Bà Trang cho rằng, với Hiệp định EVFTA, rất nhiều doanh nghiệp sẽ có lợi ích lớn, đặc biệt là doanh nghiệp nhập khẩu máy móc, thiết bị điện tử là đầu vào cho sản xuất của Việt Nam. Nhưng để tiếp cận thị trường này, cần nhanh chóng có những quy định pháp luật từ phía Việt Nam để doanh nghiệp có thể tiếp nhận hàng hoá có xuất xứ của EU được hưởng lợi từ thuế ưu đãi của Việt Nam.
Cùng với đó, cần hỗ trợ các doanh nghiệp xin được giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá của Việt Nam để xuất khẩu sang thị trường này một cách đầy đủ và thuận lợi.
Bởi, nếu doanh nghiệp không biết thời điểm nhập khẩu và họ không biết những giấy tờ nào phải chuẩn bị sẽ gặp khó khăn rất lớn. Điều này phụ thuộc vào việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
“Bên cạnh đó, các quy tắc xuất xứ thường rất chi tiết, nên cần biên soạn theo dạng cẩm nang để giúp doanh nghiệp kịp thời nắm bắt. Các cơ quan quản lý cần có một bộ phận “phản ứng nhanh” để khi có bất cứ vấn đề gì được phản ánh sẽ ngay lập tức giúp đỡ doanh nghiệp giải quyết và tháo gỡ,” bà Trang đề xuất.