Có dễ kiểm soát hàng giả trên không gian mạng?

(PLVN) - Sáng 18/4, năm sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT) lớn nhất Việt Nam đã ký cam kết “Nói không với hàng giả trong TMĐT” với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương). Nhưng việc kiểm soát hàng giả trên không gian mạng có dễ?
5 sàn TMĐT lớn nhất Việt Nam ký cam kết “Nói không với hàng giả"
5 sàn TMĐT lớn nhất Việt Nam ký cam kết “Nói không với hàng giả"

Vẫn xuất hiện hàng giả trên các sàn uy tín nhất

Năm sàn giao dịch TMĐT tham gia ký cam kết bao gồm: Adayroi, Sendo, Tiki, Shopee và Lazada. Cũng tại lễ ký, đại diện các sàn TMĐT đều công bố các thông tin liên quan đến việc phòng chống hàng giả trên “chợ” của mình. 

Ông Trần Thanh Tuấn, Tổng giám đốc Shopee cho biết, chi phí giữ lại một khách hàng quen rẻ hơn so với chi phí tìm một khách hàng mới đến 5 lần nên Shopee chủ trương giữ khách hàng ở lại bằng kiểm soát chất lượng hàng hóa. Shopee cũng có nhiều cách để quản lý hàng hóa bán tại sàn như chấm điểm các nhà cung cấp theo “số lượng sao” do các khách hàng tham gia giao dịch đánh giá, để từ đó tìm kiếm được những nhà cung cấp hàng hóa chất lượng. 

Ông Đỗ Văn Khôi, Giám đốc Sen đỏ Hà Nội cho biết, Sen đỏ luôn yêu cầu các chủ hàng ký quỹ từ 5 triệu đồng trở lên, đối với các mặt hàng có nguy cơ cao về hàng giả, hàng nhái thì có thể yêu cầu ký quỹ lên đến 20 triệu đồng. Đây là bước cần thiết để bảo vệ quyền lợi khách hàng vì Sen đỏ thực hiện chương trình “48 giờ đổi trả”. Với chương trình này, nếu khách hàng phát hiện ra nhà cung cấp cung cấp hàng giả, hàng kém chất lượng, Sen đỏ có thể dùng tiền ký quỹ để bồi thường cho khách hàng.

Ngoài ra, Sen đỏ cũng đầu tư các công nghệ để kiểm soát các loại hàng hóa như quét được hàng hóa đã có “vết” hoặc hàng hóa mang các thương hiệu phổ biến nhưng có giá bán rẻ hơn nhiều so với giá nhà sản xuất đưa ra. Nếu phát hiện nhà cung cấp liên tục tái phạm trong việc cung cấp hàng giả, hàng kém chất lượng thì sẽ khóa gian hàng vĩnh viễn, không cho phép nhà cung cấp xuất hiện trên Sen đỏ nữa. 

Tuy nhiên, thực tế hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng vẫn xuất hiện trên các trang TMĐT uy tín của Việt Nam. Đây là lời khẳng định của bà Nguyễn Như Quỳnh, Phó Chánh Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) khi chia sẻ về công tác phòng chống hàng giả trên TMĐT của Bộ. Bà nói “Hàng giả vẫn được bày bán công khai trên các sàn giao dịch TMĐT lớn nhất Việt Nam, trong đó có những sàn xuất hiện tại lễ ký kết này”. Thậm chí, theo bà, hiện có những website bán hàng giả công khai đến mức xuất hiện cả những website rao bán các mặt hàng “fake xịn”, “fake 1”… 

Phải gắn trách nhiệm của các “ông chủ” sàn 

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An khẳng định, cuộc chiến phòng chống hàng giả, hàng nhái trên môi trường TMĐT thực sự là một cuộc chiến cam go, nhất là trong điều kiện Việt Nam đang hội nhập sâu với nền kinh tế và TMĐT ở Việt Nam tăng trưởng rất nhanh. 

Đại diện Bộ KHCN, bà Nguyễn Như Quỳnh cho rằng, với sự phát triển của nền tảng internet hiện nay, mọi giao dịch được thực hiện vô cùng đơn giản nhưng lại gây ra nhiều hệ lụy. Bộ KHCN đã ban hành nhiều văn bản pháp luật như Thông tư 11 (năm 2016) xử lý về các hành vi vi phạm trên internet; Bộ KHCN cũng phối hợp với Bộ Thông tin Truyền thông ban hành Thông tư liên tịch số 14 (năm 2016) về xử lý tên miền trong vi phạm sở hữu trí tuệ (SHTT).

Bà Quỳnh cho biết, các thông tư nói trên đã giải quyết được rất nhiều vấn đề trong xử lý các hành vi bán hàng như xử lý được các tên miền có chứa những bộ phận gây hiểu nhầm hoặc liên tưởng đến các nhãn hiệu, thương hiệu lớn. Riêng Bộ KHCN, 3 tháng đầu năm, số lượng đơn nhận được có liên quan đến TMĐT, xâm phạm SHTT và giả mạo nhãn hiệu chiếm đến 60%. 

“Thực trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng xuất hiện nhan nhản, khắp nơi trên môi trường mạng, các cơ quan chức năng cũng đã có nhiều biện pháp để quản lý và hạn chế. Đã có nhiều vụ việc liên quan đến TMĐT được “phá” nhưng số lượng này chưa tương xứng với thực trạng đang diễn ra…” - ông Đàm Thanh Thế, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo 389 Quốc gia nhận định. 

Khó khăn trong việc xử lý này được chỉ ra rất nhiều, từ các nguyên nhân chủ quan và khách quan như lực lượng chức năng chưa chủ động để nhận diện các thủ đoạn gian lận trên không gian mạng hoặc kỹ năng chống gian lận trên mạng còn thiếu và yếu đến việc các văn bản quy phạm pháp luật chưa theo kịp sự phát triển của tình hình thực tế. 

Bà Quỳnh chia sẻ, rất khó khăn khi xử lý cá nhân vi phạm kinh doanh trên môi trường mạng do họ không sử dụng đồng nhất các thông tin đăng ký; Khó xác định hành vi vi phạm do website trưng bày hàng hóa thật nhưng khi bán mới bán hàng giả trong khi dấu hiệu hình ảnh lại quá nhỏ nên các doanh nghiệp sở hữu hàng thật rất khó để nhận diện; Rồi khó xác định giá trị vi phạm.  

Dẫn cách thức xử lý bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng ở nhiều nước trên thế giới như đóng cửa vĩnh viễn website, bà Quỳnh cho rằng, ở Việt Nam việc này đang gặp nhiều khó khăn, nhất là không thể xử lý được tên miền của các website vi phạm khi các chủ website này không hợp tác với lực lượng chức năng. Đặc biệt không thể xử lý các tên miền “.com” vì các cơ quan chức năng ở Việt Nam hiện nay chỉ có thẩm quyền giải quyết các tên miền “.vn”. 

Tuy nhiên, theo bà Quỳnh, có một cách dễ hơn để kiểm soát hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trên môi trường TMĐT chính là việc tăng trách nhiệm, gắn trách nhiệm của các chủ website, các chủ sở hữu sàn TMĐT và các tổ chức cung cấp dịch vụ trung gian với việc vi phạm hàng hóa. Chỉ bằng cách thức này, nạn hàng giả trên TMĐT mới dần được đẩy lùi. 

Đọc thêm