“Hãy chiến đấu dưới lá cờ thiêng Tổ quốc”
Đây là câu thơ cùng với lá cờ Tổ quốc được nhà cách mạng Nguyễn Hữu Tiến vẽ in trên trang nhật báo Tiến lên. Bài thơ do chính ông sáng tác, kêu gọi Nhân dân Việt Nam đoàn kết chiến đấu dưới lá cờ thiêng liêng của Tổ quốc trong thời chống Pháp.
Đọc lại câu chuyện của người vẽ cờ kiên trung Nguyễn Hữu Tiến, mới thấy được lá cờ được tung bay như hôm nay đã thấm bao nhiêu máu đã đổ xuống cho nền độc lập. Lịch sử ghi rằng: “Tháng 7/1940, Xứ ủy Nam Kỳ họp mở rộng thông qua đề cương khởi nghĩa, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai mô tả lại một số lá Quốc kỳ của các nước. Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã giao cho đồng chí Nguyễn Hữu Tiến vẽ mẫu một lá cờ cách mạng để dùng cho cuộc khởi nghĩa sắp tới. Từ khi nhận nhiệm vụ vẽ mẫu cờ khởi nghĩa, Nguyễn Hữu Tiến đinh ninh: cờ cách mạng phải biểu hiện được ý chí cách mạng. Cờ cách mạng là phải đi tiên phong, phải cuốn trong gió, phải mang hồn thiêng liêng sông núi, xốc tới, lôi cuốn mọi người đi (…). Cho đến một đêm, sức nghĩ trong ông bừng sáng, Nguyễn Hữu Tiến khai bút và ngọn cờ đỏ sao vàng hiện ra.
Ông đã vẽ lá cờ có nền đỏ và ngôi sao vàng năm cánh, thể hiện ý tưởng máu đỏ, da vàng, tượng trưng cho dân tộc và sự đoàn kết các tầng lớp Nhân dân bao gồm sỹ, nông, công, thương, binh trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Vẽ xong mẫu lá cờ cách mạng, Nguyễn Hữu Tiến đã trình bày những suy nghĩ của mình cho các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Võ Văn Tần, Nguyễn Thị Minh Khai, cùng các đồng chí khác trong chi bộ để mọi người góp ý. Nguyễn Hữu Tiến bày tỏ tại sao mình chọn nền cờ màu đỏ. Tại sao đặt ngôi sao vàng năm cánh ở giữa. Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ và những người có mặt cùng đồng tâm, đồng lòng với Nguyễn Hữu Tiến.
Và khi cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ diễn ra, lá cờ đỏ sao vàng đã lần đầu tiên xuất hiện vào tháng 11/1940 ở tỉnh Mỹ Tho, sau được dùng cho cả Mặt trận Việt Minh ở Bắc Kỳ. Cách mạng Tháng Tám thành công, vào ngày 5/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Sắc lệnh số 5-SL ấn định Quốc kỳ Việt Nam là lá cờ đỏ sao vàng. Trong cuộc họp Quốc hội lần thứ nhất, thảo luận một lần nữa nổi lên. Một số đại biểu đã có ý kiến muốn thay đổi màu cờ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kiên quyết trả lời: “Lá cờ đỏ sao vàng đã nhuộm bao nhiêu máu chiến sĩ Việt Nam ở Nam Bộ và Nam Trung Bộ, đã đi từ Á sang Âu, lại từ Âu sang Á, tới đâu cũng được chào kính cẩn, bây giờ trừ khi cả 25 triệu đồng bào ra còn không ai có quyền gì mà đòi thay đổi nó”. Nhân dân cả nước cũng một lòng đồng tình quyết giữ lá cờ đỏ sao vàng lịch sử. Hiến pháp Việt Nam Dân chủ Cộng hòa 1946 được thông qua, chính thức công nhận: “Cờ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nền đỏ, giữa có sao vàng năm cánh”.
Qua câu chuyện người vẽ cờ cho đến hành trình của lá cờ từ ngày đầu cho đến lúc cùng chiến sĩ, Nhân dân đi qua hai cuộc chiến cho đến ngày thống nhất non sống 1975 khiến chúng ta thấu hiểu rằng: Lá cờ luôn là biểu tượng, là giá trị cao quý và mọi công dân không được phép làm tầm thường nó. Tôn trọng cờ thiêng Tổ quốc chính là tôn trọng đất nước mình.
Đừng làm mất đi tính thiêng, tính biểu tượng, tính độc bản của Quốc kỳ
Vậy, việc chúng ta sơn Quốc kỳ lên mái tôn, lên tường nhà, cửa cuốn… như một trào lưu đang nổi gần đây để “thể hiện tình yêu nước” như hiện tại liệu có làm “tầm thường” hay biến lá cờ Tổ quốc thành vật trang trí nhà cửa?
Với tôi, tình yêu nước luôn được tôn trọng, nhưng Quốc kỳ linh thiêng cần đặt đúng vị trí của nó như pháp luật đã quy định. Nó không phải là thứ trào lưu hay khoe mẽ tinh thần dân tộc, đơn giản lá cờ đã là biểu tượng của non sông đất nước con người Việt Nam. Đó là lá “cờ in máu chiến thắng mang hồn nước” (lời Quốc ca - Văn Cao), theo dấu chân cha ông dựng nước và giữ nước.
Khi chúng ta sơn cờ lên những mái tôn trên nhà, lá cờ rất nhanh bay màu, bong tróc do khí hậu nóng ẩm đặc thù của Việt Nam. Sơn Quốc kỳ ở cánh cửa cuốn khi kéo cửa lên lá cờ sẽ biến mất, nhiều người còn sơn Quốc kỳ dưới biển quảng cáo cửa hàng... Đây là điều bị cấm mà nhiều người vô tư không biết. Sơn trên tấm tường lớn, đôi khi không đúng kích cỡ Quốc kỳ, rồi ai đó có ý xấu vẽ bậy, viết chữ lên tường… sẽ tạo nên hình ảnh phản cảm, làm xấu Quốc kỳ và thiếu tôn trọng.
Lá cờ luôn được đặt ở ngực trái trên áo vận động viên. Khi Quốc ca vang lên, họ hát vang Quốc ca, tay đặt lên trái tim nơi có lá cờ Tổ quốc. Đó là một không gian xúc động, trang trọng, chứ không phải vẽ vời trên những không gian thiếu trang trọng, hoặc mặc trang phục thiếu nghiêm túc chào cờ trên mái nhà, cánh cửa...
Tôi tin rằng, không ít người cũng nghĩ như tôi. Anh Nguyễn Thanh Huy ở Nha Trang đã bày tỏ ý kiến trên mạng xã hội: “Hiện tượng vẽ cờ đỏ sao vàng trên nóc nhà, tường thành, ban đầu có thể là trò đùa vui từ hình ảnh photoshop. Ngờ đâu nó bắt đầu nhân rộng, lan xa, nó như một thứ “trend” thời thượng. Những người làm theo hùa theo, họ cho rằng đó là việc làm yêu nước. Trước tình hình này, nhiều người đã lên tiếng phản đối, mổ xẻ trên nhiều phương diện từ pháp lý đến thẩm mỹ. Vậy mà nó vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Qua đây, một lần nữa, thấy rằng dường như tư duy độc lập, nhận thức đúng/sai, đánh giá đẹp/xấu trong xã hội chúng ta đang mờ nhạt. Đó là một vấn đề hệ trọng đáng báo động, cần được quan tâm điều chỉnh, thay đổi.
Còn nếu, giả dụ rằng đó là một thái độ yêu nước thì rõ ràng, yêu nước như vậy chỉ là cái vỏ hình thức, bề nổi màu mè, trào lưu trang trí để thể hiện mình mà thôi. Tình yêu nước đích thực không xốc nổi và phô trương như vậy. Để đánh giá được lòng yêu nước của mỗi cá nhân, đòi hỏi phải có hoàn cảnh, điều kiện, như cha ông ta đã đúc kết: “Nước mất mới biết tôi trung, gia bần mới biết con hiếu thảo”.
Vậy nên, xin hãy dừng nhân danh lòng yêu nước theo cách ấy, trước khi đánh mất sự tôn nghiêm, thiêng liêng của tinh thần cao quý này. Yêu nước và biểu đạt tình cảm của mình là quyền của mỗi cá nhân. Nhưng có lẽ tình yêu nước chỉ thực sự mang lại nhiều ý nghĩa cao đẹp, nhiều giá trị cống hiến. Trước hết, khi mỗi cá nhân cố gắng làm tròn bổn phận của công dân, hoàn thành tốt công việc mình đang thực hiện và có trách nhiệm với cộng đồng mình đang sống”.
Còn theo anh Nhật Phong (ở Hà Nội) thì: “Tình yêu Tổ quốc cao cả nên để trong tim, trong óc, trong mỗi lời nói, việc làm, dù nhỏ hay lớn “Ôi Tổ quốc nếu cần, ta chết/Cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi, con sông...” (Chế Lan Viên). Tình yêu nước, ý thức chính trị, ý thức công dân.. , nếu thể hiện bằng hình tượng nghệ thuật không nên làm một cách ồ ạt, sao chép làm mất đi tính thiêng, tính biểu tượng, tính độc bản của Quốc kỳ”.
Cờ Tổ quốc phải được treo trang trọng
Đó là quan điểm của những cá nhân trong xã hội, còn ở góc độ pháp luật, treo Quốc kỳ trong những sự kiện trọng đại thể hiện lòng yêu nước, tự hào dân tộc của mỗi người dân, đồng thời cũng thể hiện sự tri ân đối với những người đã chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Từ trước đến nay, Nhà nước luôn chú trọng vấn đề này thể hiện qua các văn bản quy phạm pháp luật quy định về việc sử dụng Quốc kỳ sao cho đúng cũng như những chế định nghiêm khắc đối với hành vi xúc phạm Quốc kỳ.
Ngay sau thời khắc lịch sử Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập ở Quảng trường Ba Đình, Hà Nội vào ngày 2/9/1945, ngày 5/9/1945, thay mặt Chủ tịch Chính phủ lâm thời, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp đã ký Sắc lệnh số 5 ấn định Quốc kỳ Việt Nam, trong đó có đầy đủ nội dung về kích cỡ, màu sắc chuẩn của Quốc kỳ. Hiện nay, quy định về việc treo Quốc kỳ đã được nêu trong một số văn bản như: Hướng dẫn số 3420/HD-BVHTTDL ngày 2/10/2012 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. Điều 351 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định: “Người nào cố ý xúc phạm Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm”. Nghị định số 28/2017/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung Nghị định số 158/2013/NĐ-CP) của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo quy định: “Treo cờ Tổ quốc không trang trọng bị phạt 5 triệu đồng”…
Có thể nói, việc treo Quốc kỳ là thể hiện lòng yêu nước, tự hào dân tộc của mỗi người dân. Nhưng hành động đó cũng cần tuân thủ theo đúng các quy định của pháp luật để không làm giảm tính trang nghiêm, ý nghĩa thiêng liêng của Quốc kỳ. Và ở một góc độ khác, tình yêu nước đôi khi chỉ đơn giản là mỗi cá nhân hãy sống và tuân thủ đúng pháp luật, không làm việc phi pháp, không làm điều xấu trái đạo đức xã hội... Như nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã viết: “Họ đã sống và chết/Giản dị và bình tâm/Không ai nhớ mặt đặt tên/Nhưng họ đã làm ra đất nước” (Đất nước - Nguyễn Khoa Điềm). Tình yêu Tổ quốc đôi khi chỉ giản đơn nhưng không kém phần sâu sắc như vậy...