Cô đơn trên mạng

(PLVN) - Kể từ khi Internet bùng nổ trong hai thập kỷ gần đây, nghiên cứu của các học giả trên toàn thế giới đã chỉ ra Internet là một yếu tố khiến cho con người ngày càng trở nên cô đơn. Người lạm dụng Internet ở mức độ cao càng dễ có nguy cơ mắc các vấn đề sức khoẻ tâm thần, đặc biệt là trầm cảm – căn bệnh nan y của thời hiện đại.
Vì sao Facebook càng ngày càng khiến nhiều người trở nên tiêu cực, trầm cảm.

Gia tăng người nghiện Internet

Theo số liệu thống kê từ nhiều cuộc điều tra về hành vi sử dụng Internet của thanh thiếu niên ở nhiều nước khu vực châu Á năm 2017 cho thấy: tại Trung Quốc, có khoảng 8,4% người sử dụng Internet ở mức độ nghiện, ở Đài Loan là 17,5%, Hàn Quốc là 11,5%.

Còn tại Việt Nam, 50% thanh niên ở thành thị và 13% thanh thiếu niên ở nông thôn đã sử dụng internet và có dấu hiệu nghiện Internet. Người nghiện sử dụng mạng Internet nhằm hai mục đích chính: trò chuyện hoặc chơi game trực tuyến. Đến nay, tỉ lệ này ngày càng tăng, Internet đã trở thành một thứ không thể thiếu trong cuộc sống của người hiện đại, đặc biệt là giới trẻ. 

Nghiện Internet có biểu hiện như hay cáu giận vô cớ, suốt ngày chỉ “ôm” laptop, điện thoại smartphone hoặc thiết bị công nghệ, thấy bứt rứt khó chịu khi không được sử dụng mạng, không được chát chít, chơi game trực tuyến…

Những đối tượng này hoàn toàn không hứng thú với các hoạt động thực tế, dã ngoại, thậm chí là mất dần các sở thích và thói quen vốn có của những người bình thường như âm nhạc, thể thao, mua sắm… 

Theo ThS. BS Nguyễn Ngọc Quang - Giám đốc trung tâm Pháp y tâm thần TPHCM, tình trạng nghiện Internet dễ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Ở mức độ nhẹ, người nghiện có thể bị ảnh hưởng đến sức khỏe như suy kiệt, mắt mờ, đờ đẫn, kém năng động.

Nếu tình trạng nghiện càng nặng, dễ dẫn đến tình trạng rối loạn nhân cách khép kín, họ chỉ biết thu mình lại, tách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài. “Nếu không phát hiện, điều trị sớm, người bệnh dễ dẫn đến những suy nghĩ tiêu cực, thậm chí người bệnh có thể tự tử vì trầm cảm gây ra”, BS Quang cảnh báo.

Internet làm chúng ta trở nên cô đơn?

Nhiều bằng chứng khoa học đã chỉ ra việc sử dụng nhiều Internet và mạng xã hội làm cho mọi người cảm thấy cô đơn hơn, giảm sút lòng tự trọng cũng như sự hài lòng đối với cuộc sống của họ. Dù đã có nhiều cảnh báo về nguy cơ từ sự phụ thuộc và lạm dụng mạng xã hội ví như Facebook để thay thế các tương tác thực tế, trên thực tế, bức tranh này phức tạp hơn chúng ta nghĩ.

Không chỉ người dùng, chính những nhà khoa học cũng có những tranh cãi gay gắt về mối liên hệ trực tiếp giữa việc sử dụng Internet, sử dụng mạng xã hội và sự suy giảm hạnh phúc và căn bệnh trầm cảm.

Một số nghiên cứu đã tìm thấy mối liên hệ giữa việc sử dụng phương tiện truyền thông xã hội và sự suy giảm hạnh phúc. Nhưng các nghiên cứu khác cũng tìm thấy kết quả ngược lại, nhiều người cảm thấy họ kết nối với xã hội nhiều hơn khi dành nhiều thời gian trên Internet và mạng xã hội.

Theo chuyên trang Psychology Today về tâm lý học, một nhóm nhà nghiên cứu đã tìm thấy kết quả mâu thuẫn khi  xem xét mối quan hệ giữa số lượng bạn bè trên Facebook và khả năng điều chỉnh của người dùng để thích nghi với môi trường xung quanh ở hai đối tượng: sinh viên năm nhất đại học và người cao niên.

Đáng nói, sinh viên năm nhất càng có nhiều bạn bè trên Facebook có xu hướng ít điều chỉnh bản thân để thích nghi với môi trường đại học; nhưng ngược lại, người cao niên càng có nhiều bạn bè trên Facebook càng trở nên hoà đồng với môi trường xã hội xung quanh.

Mâu thuẫn này khiến chúng ta phải lùi lại và nhìn vào một bối cảnh lớn hơn. Câu hỏi ban đầu được đặt ra là “việc sử dụng Internet và mạng xã hội có khiến con người trở nên cô đơn hơn hay không?” dường như chưa phải là câu hỏi đúng bản chất.

Đó là nội dung tranh luận của nhà tâm lý học Jenna Clark – Đại học Duke (Mỹ) và nhóm nghiên cứu của cô, đã được đăng tải trên tạp chí Khoa học tâm lý. Theo đó, việc sử dụng các phương tiện truyền thông, mạng xã hội có khiến người dùng trở nên cô đơn hơn hay không phụ thuộc vào việc người dùng sử dụng phương tiện này làm gì và như thế nào.

“Báo động số lượng giới trẻ ngày nay nghiện mạng xã hội.

Cụ thể, trong nghiên cứu trên, hoá ra phần lớn các sinh viên năm nhất đại học sử dụng Facebook để giữ liên lạc với bạn bè từ thời trung học. Vì vậy, họ càng dành nhiều thời gian trên mạng, thì càng ít có cơ hội xây dựng tình bạn mới trong môi trường mới, điều này dẫn đến tâm lý lạc lõng và cảm giác cô đơn gia tăng ở những sinh viên này.

Song, ngược lại, các sinh viên đại học sử dụng Facebook để kết nối với bạn bè trong trường đại học khiến họ thích nghi tốt hơn. Họ càng dành nhiều thời gian trực tuyến, họ càng cảm thấy hoà nhập tốt hơn.

Cạm bẫy trên mạng 

Nhiều người sử dụng Internet để thay thế hoàn toàn các tương tác thực tế ngoài đời thực. Từ đó xuất hiện một căn bệnh tâm thần mà nhiều người hiện đại ngày nay mắc phải: chứng lo âu xã hội hay còn là nỗi sợ tương tác với người khác. Việc nhắn tin với người xa lạ, không phải đối mặt trực tiếp với họ có vẻ là một sự thay thế an toàn.

Hệ quả là, trên đời thực, những người này thiếu hụt các kỹ năng ứng xử cần thiết để điều phối, hoà hợp các mối quan hệ trong cuộc sống của họ. Nhưng ngay cả việc hoạt động nhiều hơn trên các mạng xã hội cũng không giải quyết được tâm lý lo âu, không hỗ trợ được nhu cầu kết nối của họ, khiến những người này càng trở nên sợ hãi và cô đơn trên mạng xã hội. Dù đơn giản chỉ là những bình luận tiêu cực, phản ứng giận dữ hay việc không trả lời tin nhắn inbox cũng khiến họ lo lắng.

Nhà tâm lý học Jenna Clark chỉ ra hai cạm bẫy thường gặp phải trên Internet và mạng xã hội. Cạm bẫy đầu tiên là niềm thôi thúc phải theo dõi tài khoản của người khác từ hồ sơ cá nhân đến tất cả các hoạt động, bình luận, tương tác của người bị theo dõi trên dòng thời gian của họ. Những người theo dõi có thể cảm thấy như mình đang tham gia vào tương tác xã hội, khiến họ tạm thời quên đi cảm giác cô đơn của chính mình.

Nhưng đồng thời, đó là cảm giác “vừa no vừa trống rỗng”, kết thúc việc này họ thường cảm thấy lãng phí thời gian và cô đơn hơn trước. Cạm bẫy thứ hai là sự thôi thúc phải so sánh bản thân mình với người khác. Trên Facebook, phần lớn mọi người thường cảm thấy người khác có cuộc sống thú vị và quyến rũ hơn nhiều so với cuộc sống của chính bản thân họ: những chuyến đi du lịch, những bữa ăn sang trọng, những cuộc vui chơi không hồi kết, thành tích học tập đỉnh cao…

Tất nhiên, có nhiều người trong số đó chỉ đang khoe khoang, tự nâng giá trị ảo của bản thân trên mạng xã hội. Trên mạng ảo, người ta có thể “vui”, “yêu”, “ghét”, “giận dữ”,  “thích”, “bình luận”, “quan tâm”… nhưng trên thực tế, họ không hề có bất cứ hành động nào, thậm chí họ chưa chắc có những cảm xúc như vậy.  

Không chỉ dừng ở cảm giác cô đơn trên mạng, người lạm dụng mạng xã hội có xu hướng xa lánh những tương tác thực tế. Tham gia vào một buổi gặp mặt, thay vì trực tiếp tương tác với những người tham dự, họ có xu hướng đứng một bên, ngắm nhìn mọi người tán gẫu, vui cười, và cố gắng tỏ ra thoải mái như mình đang hưởng thụ một khoảng thời gian tuyệt vời.

Họ cảm thấy lúng túng và bất lực khi mình không thể xử sự “hoàn hảo” như trên mạng xã hội. Trong đời thực, họ cảm thấy ức chế khi phải bắt đầu một cuộc trao đổi với bất cứ ai mà họ không biết, và khi những người khác tiếp cận họ. Sự lúng túng của họ sớm khiến họ muốn tránh mặt hoặc bỏ đi.

Tựu chung lại, việc sử dụng Internet có khiến người dùng cảm thấy cô đơn hay không phụ thuộc vào chính bản thân người dùng đã làm gì trên mạng. Nếu người dùng có hiểu biết và kỹ năng xã hội tốt, họ cảm thấy Internet là một công cụ hữu ích để giữ liên lạc với bạn bè, gia đình và kết nối với thế giới. Nói cách khác, Internet và mạng xã hội làm phong phú cuộc sống của họ hơn.

Nhưng nếu người dùng thụ động và phụ thuộc vào Internet và mạng xã hội và không có những kỹ năng xã hội cần thiết, cảm giác cô đơn sẽ càng tăng lên theo mức độ sử dụng mạng. Theo nghiên cứu mới nhất từ Viện nghiên cứu Sức khoẻ tâm thần Mỹ, không chỉ Internet mà chính guồng quay của nhịp sống hiện đại càng khiến con người tự cô lập bản thân và trở nên cô đơn hơn trước đây.

Tuy nhiên, chỉ riêng cảm giác cô đơn không dẫn đến bệnh trầm cảm ở những người nghiện Internet; đó đồng thời cũng là do sự thờ ơ của xã hội, sự thiếu hụt những hỗ trợ tinh thần khi con người cảm thấy lạc lõng trong cuộc sống thực hoặc cuộc sống ảo.

Đọc thêm