Cổ đông kiến nghị làm rõ thông tin HAG sẽ bị hủy niêm yết

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ngày 14/2/2022, một nhóm cổ đông đã làm đơn kêu cứu đến Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an); Bộ Tài chính; UBCK Nhà nước; Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM đề nghị làm rõ thông tin cổ phiếu HAG của tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai sẽ bị hủy niêm yết vì làm ăn thua lỗ 3 năm liên tiếp khiến giá cổ phiếu này liên tục giảm gây thiệt hại lớn cho các nhà đầu tư…

* Luật sư nhận định gì về việc HAG đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết?

Thời gian gần đây, xuất hiện thông tin cổ phiếu HAG có khả năng bị hủy niêm yết trên sàn HoSE điều này khiến các cổ đông đang nắm giữ HAG rất hoang mang, lo lắng. Theo thống kê từ các Công ty chứng khoán, hiện nay HAG có khoảng hơn 30.000 cổ đông lớn nhỏ, việc cổ phiếu “lao dốc” khi chưa có thông tin chính thức từ cơ quan chức năng khiến các cổ đông “đứng ngồi không yên”.

Theo ghi nhận, hết phiên giao dịch sáng ngày 15/2/2022, cổ phiếu HAG giảm sàn về giá 10.750 đồng. Dư bán hơn 24 triệu cổ phiếu với tình trạng trắng bên mua.

Nhóm cổ đông của HAG gửi đơn kêu cứu đề nghị làm rõ thông tin HAG sẽ bị hủy niêm yết

Trong đơn kêu cứu gửi các cơ quan chức năng, nhóm cổ đông của HAG đã đưa ra một số lý do cho rằng không đủ cơ sở để hủy niêm yết mã HAG. Cụ thể, các cổ đông nhận thấy rằng Nghị định 155/2020/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 31/12/2020 hướng dẫn Luật chứng khoán, tại điều 120 khoản 1, điểm e thì không có quy định hồi tố lỗ.

Thứ 2, thông tin chính xác được Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai nêu ra là: Năm 2019 công ty làm ăn có lãi, tức là dù hồi tố hay không, năm 2019 công ty vẫn báo lãi, không có chuyện lỗ 3 năm 2017, 2018, 2019 như báo đài đã đưa tin suốt thời gian qua.

Thứ 3, công ty công bố BCTC 2020 có kiểm toán và nội dung hồi tố từ tháng 4/2021 nhưng tại sao gần 10 tháng sau mới có tin thông báo hủy? Nếu HoSE tiến hành hủy đột ngột như vậy sẽ không tuân theo trình tự pháp luật, làm thiệt hại lớn cho cổ đông HAG hiện nay, đặc biệt là những người đã mua cổ phiếu HAG sau thời điểm tháng 4/2021 trên cơ sở căn cứ vào các BCTC quý của HAG gần đây có lãi.

Thứ 4, BCTC hồi tố 2017, 2018, 2019 không có kiểm toán và không có giá trị pháp lý để xem xét có hủy niêm yết hay không?

Trụ sở điều hành của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai

Các cổ đông của HAG cho biết, họ đầu tư từ sau thời điểm có BCTC đã kiểm toán năm 2020 (ban hành vào tháng 4/2021) và không hề thấy cảnh báo nào từ các cơ quan quản lý nhưng giờ lại xuất hiện thông tin về việc “lôi chuyện cũ ra xử” thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm đối với các nhà đầu tư sau tháng 4/2021?

“Đặc biệt, những ngày cuối năm 2021, hàng loạt thông tin, báo cáo từ công ty HAG cho thấy về một doanh nghiệp hồi sinh vì có liên tiếp các quý làm ăn khởi sắc và có lãi trở lại, kỳ vọng 2022 có lợi nhuận gấp hàng chục lần lần năm 2021 nên chúng tôi đã đầu tư rất lớn vào cổ phiếu này. Vì vậy nếu HoSE đột nhiên thông báo HAG bị hủy niêm yết vì những chuyện xảy ra từ những năm trước sẽ gián tiếp “giết chết” các cổ đông, những người đầu tư vì kỳ vọng tương lai, chứ không hề có trách nhiệm phải chịu về những tồn đọng từ quá khứ trước thời điểm đầu tư”, các cổ đông trình bày trong đơn.

Các cổ đông này cũng đề cập đến vấn đề Đảng, Nhà nước, Chính phủ đang thực hiện tất cả các giải pháp huy động các nguồn lực để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, phục hồi nền kinh tết sau đại dịch. Vì vây, việc hủy niêm yết một doanh nghiệp đang làm ăn có lãi như HAG có đi ngược lại chính sách nói trên?

Cuối đơn, nhóm nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu HAG đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ, có hay không việc tung tin sai sự thật phá hoại cổ phiếu HAG, hủy hoại sự hoạt động minh bạch của thị trường chứng khoán và trả lời rõ cho cổ đông nếu hủy niêm yết cổ phiếu HAG thì căn cứ vào đâu, quy định, điều luật nào để hủy?

Trước đó, báo PLVN đã có bài viết “Luật sư nhận định gì về việc HAG đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết”. Trong bài viết, các luật sư nhận định: Kết thúc năm tài chính của doanh nghiệp sẽ có bút toán của kiểm toán; vì thế lỗ từng năm sẽ được thể hiện rõ. Còn với trường hợp của HAG có sự khác biệt của kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và kiểm toán. Sau khi phát hiện ra sự lỗ của HAG trong 3 năm 2017, 2018, 2019 thì không có điều luật nào nói đến hồi tố để hủy cả.

“Vì vậy, theo tôi đây là sự ngoại lệ, luật pháp chưa quy định, nên không thể áp dụng điểm e, khoản 1, điều 120 của Nghị định 155 mà lột cổ phiếu HAG khỏi sàn HoSE. Mặt khác, các quy định pháp luật đặt ra để bảo vệ nhà đầu tư, nhưng nay HAG làm ăn có lãi mà hủy niêm yết HAG sẽ làm đến thiệt hại cho các nhà đầu tư hiện tại. Hiểu biết và vận dụng pháp luật như vậy là sai, dễ dẫn đến các kiện tụng sau đó, giữa nhà đầu tư và cơ quan quản lý nhà nước khi ra văn bản xử lý”, Luật sư Hồ Ngọc Diệp - Đoàn Luật sư TP HCM nêu quan điểm.

Đọc thêm