Cô gái Việt cầu cứu ở Paris, Bộ Ngoại giao 'lên tiếng'

Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp đã có buổi gặp trực tiếp cô Mai để nghe trình bày về vụ việc và làm rõ các thông tin liên quan. Tại buổi gặp, Đại sứ quán cũng đã hướng dẫn cô Mai về thủ tục hỗ trợ theo quy định bảo hộ công dân.

Liên quan đến thông tin công dân Việt Nam, cô Phạm Thị Tuyết Mai bị bắt giữ khi nhập cảnh vào Pháp, hiện các cơ quan tư pháp của quốc gia này đang tiến hành các thủ tục cần thiết theo quy định đối với cô Mai. Tòa Phúc thẩm Paris đã cho phép cô Mai tại ngoại và áp dụng một số biện pháp kiểm soát tư pháp.

Theo Bộ Ngoại giao, ngay sau khi nhận được thông tin, Đại sứ quán đã liên hệ với các cơ quan chức năng liên quan của Pháp, đồng thời tham khảo ý kiến văn phòng luật sư tại Pháp để tìm hiểu thêm thông tin, quy trình xử lý của pháp luật sở tại và được biết:

Cô Phạm Thị Tuyết Mai bị cảnh sát biên giới Pháp bắt khi nhập cảnh vào Pháp theo Lệnh bắt giữ châu Âu nhằm thi hành bản án 4 năm tù về tội “buôn bán bất hợp pháp ma túy và chất gây nghiện” trong thời gian từ 01/10/2010-10/05/2011, do Tòa Tư pháp Bỉ tuyên ngày 08/05/2013.

Hiện nay, các cơ quan tư pháp của Pháp đang tiến hành các thủ tục cần thiết theo quy định. Ngày 19/12/2018, Tòa Phúc thẩm Paris đã cho phép cô Mai tại ngoại và áp dụng một số biện pháp kiểm soát tư pháp.

Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp đã có buổi gặp trực tiếp cô Mai để nghe trình bày về vụ việc và làm rõ các thông tin liên quan. Tại buổi gặp, Đại sứ quán cũng đã hướng dẫn cô Mai về thủ tục hỗ trợ theo quy định bảo hộ công dân.

Theo yêu cầu của cô Mai, Đại sứ quán đã đề nghị Cục Lãnh sự, Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an xác minh thời gian cư trú của cô Mai tại Việt Nam để phục vụ bào chữa tại tòa và đã cấp giấy xác nhận cho cô Mai.

Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp cũng đã làm việc với Văn phòng Luật sư để tìm hiểu thêm về vụ việc và yêu cầu hỗ trợ cô Mai. Hiện Văn phòng Luật sư Vatier đã nhận hỗ trợ cô Mai theo đề nghị của Đại sứ quán và bản thân cô Mai.

Phạm Thị Tuyết Mai. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Phạm Thị Tuyết Mai. Ảnh: Nhân vật cung cấp


VnExpress thông tin,
Phạm Thị Tuyết Mai, 34 tuổi, cho hay, cô đang rất hoang mang bởi chưa biết bao giờ mới có thể trở về Việt Nam trong khi hộ chiếu bị tịch thu và tài chính sắp cạn kiệt. Đang làm quản lý về thương hiệu cho một công ty nội thất cao cấp, cô cho rằng mình là nạn nhân của một vụ đánh cắp danh tính và thông tin cá nhân với mục đích phạm pháp mà bản thân không thể nào ngờ tới.

Sau hơn một tháng bị mắc kẹt ở Paris, hôm 20/1, Mai mới quyết định chia sẻ sự việc của mình lên trang Facebook cá nhân với hy vọng mọi người có thể hỗ trợ cô tìm ra cách giải quyết và cẩn trọng hơn về bảo mật thông tin cá nhân. Câu chuyện được Mai chia thành 5 phần và thu hút hàng nghìn lượt chia sẻ, bình luận trên Facebook. 

Theo Mai, hôm 18/12/2018, khi cô cùng bạn trai là Daniel bay sang châu Âu vừa du lịch vừa thăm quê hương anh ở Malta nhân dịp Giáng sinh. Sau gần 13 tiếng bay từ Hà Nội, họ đáp xuống sân bay Charles de Gaulle ở Paris để chờ nối chuyến đến Malta nhưng đến cửa kiểm tra hộ chiếu dành cho hành khách châu Á thì Mai được thông báo rằng giấy tờ của cô "có vấn đề" và được thông báo chung chung rằng cô "có lệnh truy nã ở Bỉ từ năm 2014". Mai bị cảnh sát sân bay bắt giữ, khám người, khám đồ và tịch thu hết tư trang cá nhân khiến cô rất sốc vì không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Cô cố giải thích và hỏi lý do bằng tiếng Anh nhưng bất lực bởi họ chỉ trao đổi bằng tiếng Pháp. 

Theo quy định của EU, trong vòng tối đa 60 ngày kể từ khi bị bắt, nước bắt giữ phải tiến hành các thủ tục tư pháp để chuyển giao người bị bắt cho nước phát lệnh. Quyết định chấp thuận thực thi lệnh bắt giữ và chuyển giao người bị bắt thuộc thẩm quyền của cơ quan tư pháp, hoàn toàn độc lập và không chịu sự can thiệp của các yếu tố chính trị. Pháp có quyền từ chối chuyển giao người bị bắt cho Bỉ trong một số trường hợp. Một là bị can đã bị xét xử với cùng hành vi phạm tội tại Pháp. Hai là bị can là trẻ em vị thành niên hoặc chưa đến tuổi chấp hành án hình sự tại Pháp. Ba là hành vi phạm tội hoặc bị can được hưởng ân xá đối với hành vi này tại Pháp.

Không lâu sau, cô bị cảnh sát có vũ trang còng tay và áp giải đến một đồn khác ngay cạnh sân bay. Tại đây, cảnh sát thông báo qua một thông dịch viên người Việt rằng Mai "bị truy nã từ Bỉ về tội danh buôn bán và tàng trữ ma túy. Vụ án xảy ra trong giai đoạn cuối năm 2010 và đầu năm 2011. Vụ án xử vắng mặt ở Bỉ từ năm 2013. Lệnh truy nã phát đi trên toàn châu Âu từ năm 2014".

Mọi lời giải thích của Mai đều vô ích bởi cảnh sát Pháp cho hay họ chỉ có trách nhiệm thực hiện lệnh bắt giữ do Bỉ ủy quyền, lấy thông tin và lời khai. Tuy nhiên, cô có thể bào chữa tại phiên tòa xét xử diễn ra vào 9h sáng hôm sau và sẽ có luật sư hỗ trợ do tòa chỉ định miễn phí.

Sáng hôm sau, Mai bị cảnh sát có vũ trang đưa lên xe áp giải từ trại giam ở ngoại ô vào tòa án ở trung tâm Paris. Nữ luật sư người Pháp do tòa chỉ định trao đổi cụ thể về trường hợp tố tụng của cô.

Nếu Mai đồng ý bị dẫn độ sang Bỉ để xét xửquy trình dẫn độ mất khoảng 10 ngày, nghĩa là cô sẽ bị giam thêm 10 ngày ở Pháp rồi bị đưa qua Bỉ giam giữ chờ đến ngày xét xử. Nếu cô từ chối bị dẫn độ sang Bỉ và xin được ở lại Paris để tòa án Pháp xét xử thì sẽ có 2 trường hợp xảy ra. Nếu hôm nay tòa tin Mai vô tội, họ sẽ cho phép cô tại ngoại nhưng cấm xuất cảnh khỏi Pháp. Nếu tòa không tin tôi vô tội, cô sẽ tạm giam cho đến khi nào tập hợp thêm chứng cứ chứng minh vô tội.

Mai ngay lập tức quyết định từ chối bị dẫn độ sang Bỉ. Tại phiên tòa diễn ra chỉ trong 10 phút, Mai bác bỏ cáo buộc cô buôn bán ma túy.

Mai cho hay cô từng học tập và làm việc tại Amsterdam, Hà Lan, trước khi trở về Việt Nam sinh sống từ tháng 3/2010 và cho đến tháng 11/2011 mới quay lại châu Âu, cụ thể là Tây Ban Nha, một lần để công tác.

"Vụ án ở Bỉ xảy ra giai đoạn tháng 10/2010 đến tháng 5/2011, tôi không thể phạm pháp trong giai đoạn này ở Bỉ được vì tôi không có visa để từ Việt Nam sang châu Âu. Hộ chiếu của tôi cũng không có đóng dấu ra vào châu Âu trước trong hay sau giai đoạn này", cô nói. Ngoài ra, Mai cho biết cô còn có hồ sơ chứng thực làm việc cho công ty ở Việt Nam từ tháng 5/2010 đến tháng 5/2012 và tổ chức đám cưới vào tháng 4/2011.

Luật sư bào chữa cho rằng bản án mà Bỉ kết tội Mai có quá nhiều điểm bất hợp lý và đây có thể là trường hợp bị ăn cắp thông tin để phạm pháp. Thẩm phán sau đó đồng ý cho Mai được tại ngoại nhưng phải báo cáo địa chỉ lưu tại Paris, giao nộp hộ chiếu, cấm cô xuất cảnh khỏi Pháp và chờ ngày hầu tòa tiếp theo.

Mai và Daniel hiện thuê khách sạn với giá 90 euro một ngày để ở tạm tại Paris trong khi chờ đến phiên tòa tiếp theo dự kiến diễn ra đầu tháng 2. Tuy nhiên sắp tới, họ có thể phải đi tìm thuê căn hộ hoặc xin ở nhờ nhà bạn bè, do chi phí sinh hoạt phát sinh ngoài dự kiến quá lớn, trong khi cả hai còn bị mất thu nhập từ công việc ở Việt Nam.

Mai đã thuê một luật sư riêng tại Bỉ với chi phí khoảng 3.000 euro để đại diện cho cô tại tòa án nước này xử lý vụ việc, trong khi luật sư tại Pháp tiếp tục đề nghị với tòa án trả hộ chiếu cho Mai về Việt Nam với cam kết cô sẽ có mặt tại lần hầu tòa tiếp theo. Tuy nhiên, tòa án chưa có câu trả lời.

Sau khi chia sẻ câu chuyện trên Facebook, Mai cho biết cô nhận được phản hồi từ nhiều người Việt Nam ở nước ngoài hoặc chính những người bản xứ ở Pháp hay các nước châu Âu kể rằng họ cũng từng gặp phải sự cố tương tự, bị kẻ gian ăn cắp danh tính để hoạt động phi pháp liên quan đến ma túy hay vay tiền.

Cô cho rằng đây là bài học về bảo quản thông tin cá nhân. "Nếu rơi vào trường hợp tương tự, bạn phải hiểu được quyền của mình và chuẩn bị tâm lý để vượt qua và tìm cách giải quyết. Khi ra nước ngoài, các bạn cũng cần phải chuẩn bị một khoản tài chính dự phòng đủ lớn cho các vấn đề liên quan đến rủi ro về luật pháp, sức khỏe, sự cố không may...".

Đọc thêm