Chìa tay ra với những gia đình đau khổ
Bên lề Ngày hội phụ nữ khởi nghiệp năm 2018 do Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam tổ chức, Đỗ Thị Nhị không có nhiều thời gian để kể câu chuyện cuộc đời mình. Em chỉ kể ngắn gọn rằng em có một hoàn cảnh sống rất đặc biệt, mồ côi mẹ khi 3 tuổi, nhà đông anh chị em, sống với mẹ kế.
“Em đã bươn chải quá nhiều, cuộc sống luôn thử thách em. Nhưng nhờ những rào cản về sự đau thương ấy mà sự yêu thương trong em được tôi luyện để giúp em bước vượt qua hoàn cảnh, lạc quan vui sống và muốn chia sẻ tình yêu thương ấy tới nhiều người hơn.
Và cũng là lý do để em chọn học ngành Giáo dục đặc biệt (GDĐB) của Đại học Sư phạm Hà Nội. Nhiều khi em ví thân mình như cánh hạc mỏng, chỉ mong gắng hết sức làm lợi lạc cho người người, vạn vật, chứ chẳng mong chi ước nguyện riêng mình” – Nhị tâm sự.
Đến với Ngày hội phụ nữ khởi nghiệp năm 2018, Đề án Mô hình giáo dục ứng dụng khoa học công nghệ của Đỗ Thị Nhị đã đạt giải Xuất sắc. Em gọi Đề án của mình với cái tên thật mềm mại: “Gieo mầm yêu thương để chắp cánh cho những ước mơ xanh”.
Nói về Đề án, Đỗ Thị Nhị cho biết, từ khi là sinh viên ngành GDĐB của Đại học Sư phạm Hà Nội, em đã mở lớp dạy ở nhà cho các bé chậm nói. Năm 2017, cơ sở Mầm non chuyên biệt Bình Minh ra đời với 7 giáo viên can thiệp đều tốt nghiệp ngành GDĐB, 6 giáo viên chăm sóc, nuôi dạy và bản thân chủ cơ sở cô giáo Đỗ Thị Nhị đang tiếp tục theo học cao học ngành GDĐB và có 5 năm kinh nghiệm thực hành.
Đây là môi trường GDĐB cho trẻ khuyết tật của tỉnh Bắc Ninh, đặc biệt ưu tiên cho con công nhân lao động ở các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh và một số tỉnh lân cận như một cách chia sẻ với các gia đình có con bị khuyết tật trí tuệ.
“Em nhận thấy, gia đình trẻ khuyết tật phải đi rất xa để tìm dịch vụ GDĐB, mong muốn con được can thiệp sớm nhất nên không quản ngại bỏ ra công sức, thời gian, tiền bạc để tham gia các khóa học ở tận Hà Nội, Sài Gòn. Gia đình chia ly, bố hoặc mẹ phải nghỉ việc vì con, sự bất lợi về môi trường thuê trọ tạm bợ cũng là một vấn đề lớn. Rào cản tâm lý từ gia đình, dòng họ, sự cô độc và áp lực nên tỷ lệ ly hôn ở gia đình có trẻ khuyết tật rất cao. Em muốn góp sức mình để giúp họ” – Nhị cho biết.
“Tài sản ký ức” và ước mơ của cô
Làm “người chèo đò tri thức”, thầy, cô giáo nào cũng giữ cho riêng mình những kỷ niệm về học trò. Với Nhị, trong “tài sản ký ức” ấy có cả nụ cười lẫn nước mắt.
“Em nhớ mãi một học sinh tên Nguyễn Trọng T. là học sinh mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ kèm tăng động. Khi đến với cô, cậu bé T. hoàn toàn không ngôn ngữ, không tự chủ được vệ sinh cá nhân, không kiểm soát được hành vi bản thân. Sau 4 tháng can thiệp T. bắt đầu có ngôn ngữ.
Sau 12 tháng can thiệt, gia đình đưa T. đi kiểm tra lại ở bệnh viện mà bác sĩ đã quá quen thuộc trường hợp này thì họ đều ngỡ ngàng về sự thay đổi ở T. Cậu bé trở nên nhanh nhẹn, linh hoạt trong các hoạt động, nhận thức phát triển tốt, có sự chủ động giao tiếp, ngôn ngữ đi vào vùng ổn định, biết đặt những câu hỏi, khả năng tương tác khá, có thể hoà nhập tốt.
Học sinh và giáo viên cơ sở giáo dục chuyên biệt Bình Minh |
Hiện nay cậu bé T. đang tiếp tục được học để chuẩn bị cho hành trình vào lớp 1 năm tới. Những dòng nước mắt của mẹ T. khi đưa con đến gặp em ngày ấy đã không còn. Giờ đây chị vui vẻ và tự tin chia sẻ với các mẹ khác bao điều. Tất cả những điều ấy trở thành động lực để em đi tiếp hành trình của mình...” – cô giáo Đỗ Thị Nhị kể.
Hiện nay, cơ sở Mầm non chuyên biệt Bình Minh có 50 trẻ theo học, lúc cao điểm có 70 trẻ theo học. Trong số 200 trẻ học tại cơ sở Mầm non chuyên biệt Bình Minh đã có gần 50 bé “tốt nghiệp” và và có thể hòa nhập tốt với cuộc sống.
Để có được thành công này, nhiều lúc cô giáo Nhị tự nguyện dạy thêm giờ, tạm tách trẻ ra khỏi gia đình để trẻ như trở thành con của cô cả ngày lẫn đêm để dạy và đã mang đến niềm vui, giọt nước mắt hạnh phúc cho các gia đình khi thấy con em mình dần biết nói, biết giao tiếp, viết những chữ cái đầu tiên.
“Sau 4 tháng tham gia hoạt động trị liệu tại Bình Minh, con tôi phát triển rất tích cực, thấy con có thể gọi câu bà, mẹ mà gia đình rất mừng. Hành trình còn dài nên mong các cô cùng chia sẻ kiến thức cho gia đình tôi để con nên người” – một phụ huynh có con học tại cơ sở Mầm non chuyên biệt Bình Minh xúc động nói.
Cuối tuần vừa rồi, trong cuộc trò chuyện qua điện thoại với cô giáo Đỗ Thị Nhị, thấy giọng em có vẻ buồn, tôi hỏi thì được biết em vừa có chuyến công tác ở miền Trung và miền Nam về và điều em nhận thấy là có quá nhiều các đối tượng là con em công nhân lao động trong các khu công nghiệp (hiện ở cơ sở Bình Minh trẻ là con em công nhân lao động chiếm hơn 50% số trẻ), đời sống cha mẹ trẻ gặp nhiều khó khăn về kinh tế cũng như tinh thần nên không thể đảm bảo hỗ trợ con tích cực trong can thiệp, cũng không có thời gian dự tiết can thiệp cùng con...
“Em rất hiểu hoàn cảnh gia đình của những phụ huynh như vậy. Và đó cũng là động lực để em tiếp tục cố gắng phát triển cơ sở giáo dục. Với những trẻ từ gia đình chính sách, phụ nữ đơn thân khó khăn, gia đình hộ nghèo diện đặc biệt, công nhân lao động nghèo, cơ sở Bình Minh luôn sẵn sàng hỗ trợ từ 30-100% học phí và hàng năm luôn có 5-7 trẻ được tặng suất ăn trong 6 tháng (trị giá 3 triệu đồng/trẻ).
Em dự định trong 3 năm tới xây được một ngôi trường hoà nhập và can thiệp tích cực theo hướng ứng dụng những khoa học công nghệ trong dạy nghề và định hướng giáo dục phát triển bền vững dành cho trẻ khuyết tật tại Bắc Ninh. Kế hoạch ngắn hạn hơn là trong 3 tháng đầu năm 2019 sẽ khánh thành phòng âm nhạc trị liệu dành cho trẻ khuyết tật” – Nhị cho biết về kế hoạch của mình.
... “Mặc cho sóng ngoài kia chẳng lặng bao giờ/ Mặc phận “dâu trăm họ” lắm thị phi/Không kêu, không than, không hờn, không giận/ Đón nhận như mẹ đất hiền hoà...”. Không mong trở thành nhà thơ, cô giáo trẻ Đỗ Thị Nhị nói với tôi rằng cô chỉ muốn qua vần thơ này nói được nỗi lòng của nghề giáo viên giáo dục chuyên biệt với rất nhiều yêu thương, nước mắt và nụ cười.