Cô giáo người Mường với lớp học “xuyên biên giới”
Năm 2020, được xem là một năm với nhiều dấu mốc quan trọng đối với cô giáo trẻ Hà Ánh Phượng, theo bình chọn do tổ chức Varkey Foundation công bố, cô Phượng đã xuất sắc lọt top 10 giáo viên toàn cầu.
Đây là kết quả từ hành trình dài, nỗ lực không ngừng nhằm giúp những học sinh ở ngôi trường miền núi với gần 90% là người dân tộc thiểu số tiếp cận tri thức, kết nối học sinh với giáo viên và học sinh của nhiều nước trên thế giới.
Cô Hà Ánh Phượng sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo xã Thượng Long, một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện Yên Lập (tỉnh Phú Thọ). Hơn ai hết, cô Phượng hiểu được những khó khăn của các em học sinh miền núi khi tiếp cận với con chữ, đặc biệt là ngoại ngữ. Đây cũng là một trong những lý do đã nuôi dưỡng ước mơ làm cô giáo dạy tiếng Anh của cô gái người Mường.
Sau khi tốt nghiệp với tấm bằng loại ưu tại đại học Hà Nội, cô gái sinh năm 1991 đã từ chối nhiều cơ hội làm việc vô cùng hấp dẫn để về lại quê hương làm cô giáo làng. Cô Phượng từng chia sẻ, quyết định trở về của cô đã nhận được rất nhiều cái nhìn ái ngại của những người xung quanh. Bởi khi đó, một người trẻ với năng lực, nhiệt huyết đang có rất nhiều cơ hội phát triển ở phía trước, việc trở về vùng quê nghèo khó được xem là đã tự tạo bước thụt lùi cho chính mình.
Bỏ qua tất cả những lời bàn tán, năm 2016, cô Hà Ánh Phượng bắt đầu công tác tại Trường THPT Hương Cần.
Ngôi trường nơi cô dạy học thuộc miền núi, có trên 80% học sinh là người dân tộc thiểu số. Dù đã lường trước những khó khăn, nhưng trong quá trình giảng dạy, cô Phượng đã không khỏi trăn trở khi tại đây có rất nhiều em có hoàn cảnh đặc biệt, chưa có nhiều cơ hội học tập và phát triển như các bạn cùng trang lứa ở thành phố.
Cô luôn mong muốn tìm ra phương pháp để học sinh dù ở bất cứ nơi đâu cũng có thể được hưởng nền giáo dục tốt nhất.
“Lớp học xuyên biên giới” đã giúp các em học sinh của trường THPT Hương Cần được tiếp cận với nền giáo dục của các nước trên thế giới. |
Và từ những trăn trở đó, “lớp học xuyên biên giới” của cô Phượng đã ra đời. Việc ứng dụng công nghệ 4.0 và không ngừng tìm cách đổi mới sáng tạo trong việc dạy và học của cô giáo trẻ đã giúp cho các em học sinh ở một trong những nơi khó khăn nhất của tỉnh Phú Thọ được tiếp cận với nền giáo dục của các nước trên thế giới. Không cần visa, trò của cô Phượng đã du lịch tới hơn 50 quốc gia, khám phá bao câu chuyện văn hóa thú vị, xây những tình bạn xuyên biên giới.
Không dừng lại ở đó, cô Phượng cùng các học trò của mình còn đồng hành trên nhiều dự án, nhiều câu chuyện bên ngoài lớp học. Đó là dự án “Nói không với ống hút nhựa”, dự án về môi trường được hưởng ứng bởi nhiều trường học khắp ba miền Bắc, Trung, Nam và nhiều quốc gia trên thế giới.
Cô Phượng cùng các học trò của mình đồng hành trong dự án “Nói không với ống hút nhựa”. |
Nữ Đại biểu quốc hội không ngại va chạm những vấn đề nóng
Gần 1 năm sau khi tỏa sáng với thành tích top 10 giáo viên xuất sắc toàn cầu, tháng 6/2021, cô Hà Ánh Phượng trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV. Với cô Phượng, đây không chỉ là niềm vinh dự, mà còn là trách nhiệm khiến cô phải cố gắng nhiều hơn nữa.
Tham dự Kỳ họp Quốc hội đầu tiên trong vai trò là một đại biểu dân cử, cô giáo đến từ trường THPT Hương Cần không ngại nói đến những vấn đề nóng liên quan đến giáo dục. Là một nhà giáo trẻ, tâm huyết nên trên cương vị là đại biểu Quốc hội khóa XV, cô giáo Hà Ánh Phượng mang đến nghị trường Quốc hội nhiều suy nghĩ trăn trở, trong đó có vấn đề về chất lượng dạy và học môn tiếng Anh, quyền lợi và lợi ích của giáo viên… Cô Phượng cũng chia sẻ băn khoăn của nhiều người về tiếng nói của một giáo viên, của một đại biểu trẻ trên diễn đàn lớn của Quốc hội.
Đại biểu Hà Ánh Phượng khẳng định, cô không hề ngại va chạm tới những vấn nhạy cảm. Điều quan trọng là làm sao có thể truyền tải được nguyện vọng chính đáng của nhân dân đến nghị trường Quốc hội.
Vừa là giáo viên, vừa là một đại biểu Quốc hội, vấn đề đặt ra với cô Phượng là làm sao để cân bằng giữa công tác chuyên môn và các hoạt động của Quốc hội. Với cô, đây không chỉ là thử thách mà còn là cơ hội để phát triển bản thân. Cô Hà Ánh Phượng cho biết sẽ luôn đảm bảo chất lượng chuyên môn giảng dạy. Đồng thời, trên cương vị là một đại biểu dân cử, cô sẽ nghiên cứu thật kỹ các quy định, văn bản pháp luật, thể chế chính sách, tình hình kinh tế - xã hội... để đưa ra quan điểm khi thảo luận xây dựng các chính sách pháp luật.
Cô Hà Ánh Phượng trên cương vị mới là một Đại biểu Quốc hội. |
Tiếp tục con đường đã chọn với nhiều thử thách, vai trò mới, cô Phượng cho biết, dù ở trong môi trường nào, cô cũng luôn muốn đem hết sức lực để cống hiến cho quê hương mình. Cô giáo “toàn cầu” cũng mong muốn các em học sinh tự tin hơn, có khát vọng hơn và dám quả quyết để chạm tay tới những ước mơ. Bởi đây cũng là điều đã giúp cô tạo nên một hành trình, một câu chuyện đẹp về cô giáo làng đã giúp các em học sinh của mình nhìn ra thế giới, nỗ lực khẳng định bản thân.