Cơ giới hóa nông nghiệp chưa đạt được kỳ vọng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời gian qua Chính phủ ban hành hàng loạt các chính sách nhằm thúc đẩy và khuyến khích cơ giới hóa nông nghiệp.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đến nay, sau hơn 6 năm triển khai thực hiện thì mức độ cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp ngày càng tăng, nhiều loại máy móc, thiết bị công nghệ được sử dụng trong nông nghiệp; nhiều khâu sản xuất có mức độ cơ giới hóa cao, nhất là sản xuất lúa tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Đồng bằng sông Hồng khâu làm đất đạt gần 100%, thu hoạch gần 90%.

Cơ giới hóa nông nghiệp đã giải quyết được khâu lao động nặng nhọc, tính thời vụ khẩn trương góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của một số nông sản góp phần tạo các sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu hàng đầu thế giới.

Các chính sách của Nhà nước cũng đã thúc đẩy quá trình liên kết sản xuất, hình thành các tổ chức dịch vụ ở nông thôn như: Hình thành nhiều mô hình liên kết doanh nghiệp với hợp tác xã, nông dân sản xuất trên cánh đồng lớn với các dịch vụ cơ giới hóa cho các khâu làm đất, cấy, phun thuốc bảo vệ thực vật, thu hoạch, sấy khô, cho thuê kho bảo quản với những ưu đãi nhất định.

Tuy nhiên, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), thực tế cơ giới hóa nông nghiệp vẫn chưa đạt được kỳ vọng mong muốn. Chúng ta vẫn chưa có chiến lược định hướng phát triển ổn định lâu dài, làm căn cứ để xây dựng các cơ chế, chính sách đồng bộ, hoạch định kế hoạch phát triển cơ giới hóa nông nghiệp; chưa có các quy định cụ thể về các tiêu chí đánh giá mức độ cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp; các chỉ số đánh giá hoạt động cơ giới hóa nông nghiệp.

Trong khi trình độ trang bị máy động lực của chúng ta còn lạc hậu thể hiện hầu hết các máy làm đất công suất nhỏ, chỉ thích hợp với quy mô hộ và diện tích đất manh mún (máy nhỏ chiếm trên 60%). Cơ khí trong nước chưa đáp ứng nhu cầu máy, thiết bị công nghệ phục vụ sản xuất nông nghiệp về chủng loại, số lượng cũng như chất lượng máy (mới đạt khoảng 33% nhu cầu sản phẩm cơ khí); máy kéo, máy gặt lúa chủ yếu của KUBOTA; YANMAR Nhật Bản; Hàn Quốc; Trung Quốc; máy phun thuốc bảo vệ thực vật, máy gieo hạt, máy cắt cỏ chủ yếu của Honda Nhật Bản.

Nguyên nhân chính ở đây là do quy mô sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún trong một nền nông nghiệp mà các hộ nông dân vẫn là chủ thể sản xuất chính. Trong đó, ruộng đất canh tác của mỗi hộ lại chia thành nhiều thửa ruộng với độ phân tán nhất định, rất khó để thực hiện cơ giới hóa có hiệu quả.

Bên cạnh đó, lãi suất tín dụng đầu tư của Nhà nước còn cao, hiện nay là 8,55%/năm, không có sự chênh lệch nhiều so với lãi suất cho vay thương mại nên chưa khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư các dự án dây chuyền máy móc, thiết bị chế biến nông sản và các dự án chế tạo máy, thiết bị sản xuất nông nghiệp.

Ngoài ra, không chỉ quy trình sản xuất, kỹ thuật canh tác chưa đồng bộ, mà sự khác biệt trong quy trình, tập quán, quy mô sản xuất, yêu cầu nông sinh học của các cây trồng khác nhau, ở vùng miền khác nhau cũng đã ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, đặt ra những yêu cầu đa dạng rất phức tạp đối với hệ thống máy và thiết bị nông nghiệp. Cùng với đó, khả năng đầu tư của chủ thể sản xuất cho cơ giới hóa nông nghiệp còn hạn chế, thu nhập của nông dân còn thấp, thiếu vốn để đầu tư máy móc, thiết bị nông nghiệp.

Thực tế cho thấy máy, thiết bị dùng trong nông nghiệp là những tài sản có vốn đầu tư ban đầu lớn so với các loại vật tư đầu vào khác như giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Vì vậy, rất ít hộ nông dân có khả năng hoặc mạnh dạn mua sắm máy móc, thiết bị công nghệ nông nghiệp bằng vốn tự có. Điều này khiến năng suất lao động nông nghiệp thấp, chỉ bằng 38,1% năng suất lao động chung của nền kinh tế.

Để giải quyết tình trạng trên, Bộ NN&PTNT đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định về khuyến khích phát triển cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp thay thế Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trong giai đoạn hiện nay với mong muốn giải quyết triệt để những tồn tại, vướng mắc mà người nông dân cũng như các doanh nghiệp về nông nghiệp đang gặp phải.

Đọc thêm