Cơ giới hóa trong sản xuất góp phần tăng trưởng ngành nông nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ngày 23/5, tại huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp cùng Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức Diễn đàn Khuyến nông Nông nghiệp với chủ đề "Ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp vùng Nam Trung Bộ - Tây Nguyên".
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi Hồ Trọng Phương phát biểu tại diễn đàn.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi Hồ Trọng Phương phát biểu tại diễn đàn.

Tham dự có ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT; ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và chính quyền các địa phương, các nhà khoa học, doanh nghiệp, nông dân của 5 tỉnh Quảng Nam, Bình Định, Gia Lai, Phú Yên và Quảng Ngãi.

Đây là dịp để các nhà quản lý, nhà khoa học cùng bà con nông dân giao lưu, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, góp phần nâng cao hiệu quả trong việc triển khai, áp dụng ngày càng sâu rộng cơ giới hóa vào sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và phát triển nông nghiệp bền vững.

Đồng thời, sự kiện còn tư vấn, khuyến cáo nông dân mạnh dạn liên kết sản xuất để hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã nhằm tăng quy mô vùng sản xuất; tạo điều kiện cho nông dân, doanh nghiệp tăng cường liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, góp phần thực hiện thành công chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển ổn định, bền vững kết hợp với xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu của các tỉnh.

Nhiều địa phương ở vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên đã đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp. (Ảnh minh họa)
Nhiều địa phương ở vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên đã đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp. (Ảnh minh họa)

Ông Hồ Trọng Phương - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi cho biết, mức độ cơ giới hoá sản xuất nông nghiệp trong một số khâu tại Quảng Ngãi còn ở mức thấp, không đồng đều.

Đến năm 2024, theo thống kê thì tỷ lệ cơ giới hóa khâu làm đất đạt khoảng hơn 90%, khâu gieo sạ còn thấp, khâu phun thuốc bảo vệ thực vật khoảng 50%, thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp khoảng 80%.

"Thực tế cho thấy, để giải quyết bài toán cơ giới hóa cho nông nghiệp tỉnh Quảng Ngãi và các địa phương lân cận không phải là việc làm trong một sớm một chiều mà đòi hỏi phải có thời gian. Bởi vấn đề này không chỉ liên quan đến vốn, nhân lực và các chính sách ưu tiên, hỗ trợ mà còn cả điều kiện về hệ thống hạ tầng", ông Hồ Trọng Phương nhận định.

Tại diễn đàn, các địa biểu đã được nghe báo cáo thực trạng, giải pháp, cơ chế chính sách phát nhằm phát triển, tăng cường áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp ở nước ta cũng như cụ thể tại các tỉnh, thành trong vùng Nam Trung Bộ - Tây Nguyên.

Đồng thời, các chuyên gia còn thảo luận, trao đổi kinh nghiệm hay trong thực hiện mô hình nông nghiệp tuần hoàn; chính sách tích tụ ruộng đất, vay vốn đầu tư thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp…

Các chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm tại diễn đàn.

Các chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm tại diễn đàn.

Tham luận tại Diễn đàn, ông Hồ Minh Tuấn, Trưởng phòng Cơ điện Nông nghiệp - Nông thôn (Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển nông thôn) cho biết: Trong giai đoạn 2016 - 2022, máy móc, thiết bị sử dụng đa dạng ở tất cả các khâu trong quá trình sản xuất với số lượng tăng đáng kể. Cùng với việc đẩy mạnh cơ giới hóa, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản trong những năm vừa qua còn tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại, trong đó có việc sử dụng ngày càng phổ biến nhà kính, nhà lưới, nhà màng.

Còn ông Nguyễn Quang Trung - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Quảng Ngãi chia sẻ: Quảng Ngãi là địa phương sớm thực hiện chính sách đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp nhằm thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với phân công lại lao động ở khu vực nông thôn. Quảng Ngãi có diện tích đất sản xuất nông nghiệp và số người làm nông nghiệp lớn, đã thực hiện dồn điền đổi thửa và xây dựng được 287 cánh đồng lớn, với tổng diện tích 5.466,6 ha đối với các loại cây trồng như lúa, lạc, dưa hấu… Các mô hình này đã triển khai ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong canh tác, đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Tuy nhiên, mức độ cơ giới hóa trong sản xuất lúa nước ở tỉnh Quảng Ngãi hiện vẫn còn thấp, hiệu quả đạt được của quá trình cơ giới hóa chưa cao, việc áp dụng cơ giới hóa giữa các địa phương trong tỉnh không đồng đều.

Theo đánh giá của các địa phương về hiệu quả trong áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp đều ở mức tốt. Hiệu quả nhất là giảm công lao động với 96,3%, tiếp đến là giảm chi phí sản xuất 79,63% đánh giá tốt, lợi ích khác là giúp tăng năng suất có 77,78% đánh giá tốt, nhờ đó cũng tăng chất lượng sản phẩm 69,81% đánh giá ở mức tốt. Hiện nay, nhiều khâu sản xuất nông nghiệp có mức độ cơ giới hóa cao như ở khâu làm đất đạt trên 90%; khâu chăm sóc, phun thuốc bảo vệ thực vật hàng năm đạt trên 70%.

Các đại biểu tham dự diễn đàn.

Các đại biểu tham dự diễn đàn.

Ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia khẳng định: Cơ giới hóa làm gia tăng sản xuất nông nghiệp, giảm nhân công lao động... Chỉ có ứng dụng công nghệ cao mới giải quyết được vấn đề năng suất, chất lượng (nhưng phải bảo vệ môi trường). Cơ giới hóa là nền tảng, là cốt lõi để thay đổi tư duy. Cơ giới hóa chính là thay đổi tư duy. Chúng ta có cơ chế chính sách, chúng ta có giải pháp công nghệ; mấu chốt là chúng ta tổ chức sản xuất như thế nào. Phải có thị trường ứng dụng cơ giới hóa, Tổ hợp tác…

Đọc thêm