“Thẻ vàng” đối với thủy sản là gì?
Quy định về khai thác IUU (khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định) được Ủy ban Châu Âu (EC) ban hành vào năm 2008 và có hiệu lực từ năm 2010 nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và loại bỏ mọi hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp.
Quy định IUU của EC nhằm đảm bảo không có sản phẩm khai thác nào bị đánh bắt bất hợp pháp xâm nhập được vào thị trường EC. Theo đó, các nước sở tại phải xác nhận nguồn gốc và tính hợp pháp của các hải sản, đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc của các sản phẩm hải sản vào EC. Đây là biện pháp nhằm đảm bảo các nước phải tuân thủ các quy định về bảo tồn và quản lý nguồn lợi của mình cũng như các quy định quốc tế đã cam kết.
Thông thường, các quốc gia đánh bắt cá IUU sẽ bị phạt “thẻ vàng” cảnh cáo trong vòng 6 tháng. Trong trường hợp những quốc gia này không có biện pháp khắc phục phù hợp thì có nguy cơ nhận “thẻ đỏ”. Nếu nhận “thẻ đỏ”, các quốc gia có nguồn lợi thủy sản xuất khẩu sẽ bị cấm vào EU (các quốc gia Châu Âu). Được biết, đây là thị trường lớn đối với ngành thủy sản nước ta trong nhiều năm trở lại đây.
Sau 10 ngày trực tiếp sang Việt Nam kiểm tra công tác khắc phục “thẻ vàng” (15-24/5/2018) đối với thủy sản IUU, đoàn thanh tra EC ghi nhận những nỗ lực và tiến bộ của Việt Nam đối với việc thực hiện các cảnh báo khai thác IUU.
Tuy nhiên, việc khắc phục các tồn tại vẫn chưa đạt yêu cầu và EC gia hạn thêm thời gian để Việt Nam tiếp tục thực hiện các giải pháp. Sau đó, tháng 1/2019, EC sẽ quay lại và tiếp tục xem xét.
Trước đó, ngày 23/10/2017, EC thông báo áp dụng biện pháp cảnh báo “thẻ vàng” đối với sản phẩm hải sản xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EC. Đồng thời, EC đưa ra 9 khuyến nghị Việt Nam cần phải thực hiện ngay trong 6 tháng (từ 23/10/2017 đến 23/4/2018). Ngay sau khuyến nghị của EC, Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo Tổng cục Thủy sản và chính quyền địa phương 28 tỉnh ven biển triển khai quyết liệt các biện pháp để thực hiện và bước đầu đã đạt kết quả, được EC ghi nhận. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số vấn đề cần phải tiếp tục khắc phục như: Việc kiểm soát đánh bắt, truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác còn nhiều bất cập.
Từ những đánh giá này, Đoàn Thanh tra EC đã quyết định gia hạn “thẻ vàng” đối với Việt Nam đến tháng 1/2019.
Nỗ lực của toàn ngành nông nghiệp
Tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2018 của ngành Nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNN Nguyễn Xuân Cường trao đổi: “Chúng ta đã nỗ lực tập trung mọi giải pháp, như hoàn thiện về văn bản pháp luật, lần đầu tiên 9 nội dung của EC đã được chúng ta đưa vào Luật Thủy sản sửa đổi. Đây là một cố gắng rất cao để hình thành khung pháp luật.
Về chỉ đạo, Bộ trưởng cho biết, cơ quan cao nhất là Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 15 và hàng loạt văn bản chỉ đạo để tập trung các giải pháp đồng bộ. Các địa phương gồm 28 tỉnh duyên hải, bà con ngư dân, các lực lượng quản lý của chúng ta đã tích cực vào cuộc. Tuy nhiên, 6 tháng không phải là thời gian đủ nhiều để chúng ta xoay chuyển tình thế từ “nghề cá nhân dân” sang “nghề cá khai thác có trách nhiệm bền vững”, cần tiếp tục cố gắng”.
Bộ trưởng Cường cũng cho rằng, việc trang bị thiết bị cho lực lượng tàu thuyền khai thác với số lượng 133.000 tàu thuyền là câu chuyện hoàn toàn không đơn giản. Thêm vào đó là những khó khăn khi phải chuyển từ tập quán đánh bắt tự nhiên sang hình thức khai thác trách nhiệm (có khai báo sổ sách, ngư trường); những bất cập về cơ sở hạ tầng từ bến cảng, khu neo đậu, bến cá… “Tất cả những mặt đó không chỉ cần sự cố gắng vượt bậc về chính trị, mà đòi hỏi cả về vật lực và thời gian, tới đây chúng ta sẽ phải quyết liệt hơn nữa”- Bộ trưởng nhấn mạnh.
Về phía Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), đơn vị này cũng thường xuyên cập nhật danh sách (bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt) các DN thủy sản cam kết chống đánh bắt IUU đăng trên website của Hiệp hội, qua đó truyền thông cho cộng đồng các nhà nhập khẩu và đặc biệt là các cơ quan quản lý phía EU biết được sự đồng lòng và quyết tâm của các DN thủy sản Việt Nam.
Kinh nghiệm gỡ “thẻ vàng” của Philippines
Là quốc gia từng bị EU rút “thẻ vàng” năm 2014, Philippines đã rất nhanh chóng gỡ được “thẻ vàng” chỉ sau 10 tháng.
Những cải cách mà Philipines đưa ra tập trung vào 3 nội dung chính: Sửa đổi hệ thống khung pháp lý, nâng mức xử phạt đối với hành vi vi phạm; Cải tổ bộ máy quản lý nghề cá, tập trung vào tăng biên chế cho cơ quan thực thi pháp luật và tăng ngân sách cho thực thi pháp luật, kiểm soát các hoạt động khai thác trên biển; Triển khai chương trình thực thi pháp luật, tập trung vào truy xuất nguồn gốc. Philippines đã quyết định không cấp giấy phép đánh bắt cá mới trong vòng 3 năm đối với các phương tiện vi phạm khai thác IUU.