“Cô hầu gái” sẽ giúp phim kinh dị Việt hồi sinh?

(PLO) - Dường như “Cô hầu gái”  - một bộ phim đầu tay của đạo diễn Derek Nguyễn thực hiện ở quê nhà - dù mới có trailer nhưng đã làm được điều mà xưa nay tưởng chừng “khó hơn lên trời” đó là lấy lòng được khán giả giữa thời điểm nhiều phim bom tấn cạnh tranh nhau tại rạp. 
Hi vọng “Cô hầu gái” sẽ thắp sáng lại thành công dòng phim kinh dị Việt.
Hi vọng “Cô hầu gái” sẽ thắp sáng lại thành công dòng phim kinh dị Việt.

Phim kinh dị Việt đã từng thành công rồi vụt tắt

“Cô hầu gái” của Derek Nguyễn tung trailer dài 53 giây kể về Nhung Kate trong vai Linh, một cô gái trẻ đến biệt thự ma ám xin làm người ở. Tại đây, cô phát hiện những bí mật kinh hoàng. Ngay lập tức, trailer thu hút sự chú ý cộng đồng mạng, nhiều người không ngại ngần bày tỏ sự thích thú cũng như gửi gắm hi vọng về sự đột phá trong điện ảnh Việt qua bộ phim này. Tuy nhiên, cũng có nhiều người hoài nghi, e ngại “thùng rỗng kêu to”.

Phim kinh dị, phim ma Việt Nam ở những thập kỉ trước rất thành công và thu hút người xem. Năm 1971, đạo diễn Võ Doãn Châu đã cho ra đời tác phẩm “Lệ đá”  – một bộ phim thể loại kinh dị cuốn hút. Vào thời ấy, công nghệ làm phim thô sơ, không có nhiều chiêu trò, chiến lược truyền thông gây sốc như bây giờ nhưng “Lệ đá” vẫn rất cuốn hút. Nó đạt được độ tay nghề vững vàng, độ gây ra sự sợ hãi cho khán giả như một phim kinh dị thứ thiệt cần phải có.

Hay như trong khoảng thời gian những năm 1972-1973, bộ phim “Con ma nhà họ Hứa” làm khán giả run sợ và được chìm ngập trong không gian của phim kinh dị đúng nghĩa. Thành công của bộ phim đã mang lại tiếng tăm cho đạo diễn Lê Hoàng Hoa, đồng thời biến ông trở thành một triệu phú thời bấy giờ. Cuối cùng, phải kể đến “Ngôi nhà oan khốc” do đạo diễn Lê Mộng Hoàng thực hiện. Đây là tác phẩm ăn khách đình đám một thời, từng đem đến doanh thu 1 tỷ đồng – con số rất lớn vào thời đó.

Tuy nhiên, giống như pháo hoa, phim kinh dị Việt vụt sáng ở thời điểm ấy nhưng dường như “lụi tàn” ở thời điểm hiện tại. Bằng chứng là sự thất bại của “Con ma nhà họ Vương”, “Chung cư ma”, “Bẫy cấp ba”… dù đã đủ sốc, sex, sến nhưng vẫn không hề để lại dấu ấn tốt đẹp. Chính vì sự thua cuộc liên tiếp của dòng phim kinh dị tại Việt Nam, nên khi một đạo diễn “lạ” về “châm ngòi” lại dòng phim này nhiều người không khỏi hoài nghi. 

Phim “Con ma nhà họ Hứa” đã thành công ở nhiều thập kỉ trước.
Phim “Con ma nhà họ Hứa” đã thành công ở nhiều thập kỉ trước.

Cần thức tỉnh đề tài tiềm năng

Đành rằng bản chất của “kinh dị” là siêu thực, là hư tưởng, song trước đây đã không ít phim sa đà vô hạn vào cõi hư vô ấy mà không gắn nó với đời sống thực tại, thiếu những vấn đề đang được người đời quan tâm. Thậm chí, để thu hút sự chú ý của người xem, rất nhiều nhà làm phim kinh dị Việt đã tìm cách lồng ghép yếu tố sex vào trong phim như một gia vị mồi chài. Còn nhớ mấy năm trước, bộ phim bị cấm chiếu “Bẫy cấp 3” không qua được khâu kiểm duyệt do nội dung sơ sài, thiếu logic và nhiều cảnh nóng bỏng, khoe thân…Chính vì lẽ đó mà dòng phim kinh dị nhận sự thất bại liên tiếp trong nhiều năm trở lại đây.

Vì vậy, đã lâu lắm rồi khán giả không được xem một bộ phim kinh dị Việt thót tim như siêu phẩm đến từ các nước khác. Sự trở lại của “Cô hầu gái” cùng sự hợp tác với nhà sản xuất Timothy Linh Bùi (từng đầu tư làm phim “Cú và chim se sẻ”, “Âm mưu giày gót nhọn”, “Đoạt hồn”) đang thắp lên hi vọng cho sự “sống lại” của dòng phim kinh dị của Việt Nam. 

Nói về sự mạo hiểm khi lựa chọn làm phim kinh dị ở Việt Nam đạo diễn Derek Nguyễn chia sẻ: “Ở vai trò đạo diễn, tôi luôn muốn làm ra bộ phim tốt nhất. Đôi lúc, tôi cũng lo lắng về lợi nhuận và phản ứng của khán giả. Nhưng tôi dần nhận ra, công chúng yêu điện ảnh ở Việt Nam khá hứng thú với dòng phim kinh dị.

Ở “Cô hầu gái” không đơn giản chỉ hù dọa người xem, trong đó còn có câu chuyện tình lãng mạn. Với sự kết hợp hai trong một, tôi tin khán giả sẽ hào hứng đón nhận nó và chúng ta sẽ biết được doanh thu của phim sau khi công chiếu”. Đạo diễn lạc quan thế, vậy thì khán giả Việt cũng nên bắt đầu hi vọng về tương lai của phim kinh dị Việt. Vì dù sao, tương lai phát triển khó khăn nhưng không đồng nghĩa với việc không làm được.